I.
TỘI CỦA ADAM VÀ EVA (2,25 – 3,7)
1. Con rắn
Trong bản
văn, không có chỗ nào con rắn được đồng hoá với thần dữ. Việc đồng hoá chỉ diễn
ra sau này vào thế kỷ I (Kng 2,24; Enoch 69,6). Ở Canaan, rắn có liên hệ mật
thiết với việc thờ phượng sự sung túc phì nhiêu, cũng là cám dỗ thường xuyên
cho dân Israel khi họ định cư ở đất Canaan. Vì thế đây là lời cảnh giác hãy
tránh xa những việc thờ quấy này. Rắn ở đây cũng không liên hệ gì đến con rắn đồng
trong sách Xuất hành. Sự kiện rắn đồng trong sách Xuất hành cho thấy Thiên Chúa
có thể “dĩ độc trị độc!” Và Chúa Giêsu chấp nhận cái chết để ban tặng sự sống
(x. Ga 3,14-15)
2. Ý nghĩa cám dỗ
Chiến thuật
của mọi cám dỗ là chỉ nói một nửa sự thật: (1) các ngươi sẽ không chết, (2) mắt
các ngươi sẽ mở ra, (3) các ngươi sẽ được giống như Thiên Chúa. Thực tế là sau
khi ăn trái cấm, con người đã không chết nhưng lại không sống mãi, đã mở mắt ra
để chỉ thấy mình trần truồng, và đã giống như Thiên Chúa biết thiện ác nhưng chỉ
là cái biết giới hạn. Đây cũng là chiến thuật Satan áp dụng khi cám dỗ Chúa
Giêsu (x. Mt 4, 1-11). Và cả ngày nay, với chúng ta.
Cây biết thiện
ác (2,17): Ý nghĩa sâu xa của hình ảnh và trình thuật này là chỉ một mình Thiên
Chúa – với sự toàn tri và khôn ngoan của Người – mới biết rõ ranh giới thiện ác
và tốt xấu. Con người không thể tự mình xác định vì tầm nhìn giới hạn của phận
người nên chỉ thấy được một phần nhỏ. Vì thế, phải biết trân trọng Lời Chúa về
cây biết thiện ác (2,17) thì mới đến được cây trường sinh (3,22). Đây là bài học
rất lớn cho con người hôm nay, nhất là trong lãnh vực luân lý.
Ma quỷ cám dỗ
bằng cách gây nghi ngờ, từ đó chối từ và vứt bỏ Lời Chúa. Vì thế cần phải tuyệt
đối tin tưởng vào Lời Chúa như Chúa Giêsu khi đối diện với những cám dỗ trong
sa mạc.
3. Hậu quả của tội
Hậu quả lập
tức của tội lỗi là con người nhận ra sự trần trụi của mình và họ tìm cách che đậy
sự trần trụi đó (3,7). Khi Đức Chúa lên tiếng hỏi “Ngươi ở đâu?” con người đưa
ra lý do lẩn tránh Thiên Chúa, “bởi vì tôi trần trụi.” Thực ra con người không
trần truồng vì đã lấy lá vả che thân, nhưng con người nhận ra mình trần trụi vì
tương quan giữa họ với Thiên Chúa đã bị bẻ gẫy.
Bẻ gẫy tương
quan với Chúa, tội lỗi cũng phá hỏng những mối tương quan căn bản trong cuộc sống
con người: đánh mất sự thống nhất nơi chính bản thân; tương quan vợ chồng biến
thành tương quan thống trị và thèm khát thay vì yêu thương phục vụ; tương quan
với tha nhân (anh em trong nhà, người ngoài) được dệt bằng dối trá, sợ hãi, đối
đầu; cả tương quan với thế giới cũng trở nên khó khăn vì chính thiên nhiên tàn
phá con người. Tất cả những điều này sẽ được trình bày trong những chương kế tiếp.
II. CAIN
VÀ ABEL (4,1-16)
Câu truyện về
Cain và Abel được nối kết cách lỏng lẻo với câu truyện trước đó về con người sa
ngã. Một số học giả cho rằng đây là câu truyện hoàn toàn độc lập nhưng được tác
giả sách Sáng Thế liên kết với câu truyện trước nhằm mục đích riêng của ông.
Câu truyện này giả thiết lúc đó đã có các dân khác (St 4,14 : “bất cứ ai gặp
con sẽ giết con”; xã hội đã có tổ chức trong đó có những ngành nghề khác nhau,
và một nền thờ phượng cũng đã bắt đầu phát triển.
Mối quan tâm
của tác giả là nhấn mạnh đến tội lỗi và hậu quả của nó chứ không nhằm những chi
tiết khác, do đó khiến ta có những thắc mắc, vd. tại sao Chúa không nhận lễ vật
của Cain.
Có giả thuyết
cho rằng câu truyện này muốn trình bày sự tranh chấp giữa các dân có nền văn
hoá và ngành nghề khác nhau, cụ thể là giữa lối sống du mục và nông nghiệp.
Cũng có giả thuyết khác cho rằng đây là cách nói về nguồn gốc của bộ tộc
Kenites, mang tattoo trên trán và sống tách biệt các bộ tộc khác. Bộ tộc này
cũng thờ phượng Thiên Chúa nhưng chưa bao giờ là thành viên của dân Israel.