7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

CON NGƯỜI CHÍNH LÀ KHO BÁU LỚN NHẤT CỦA ĐẤT NƯỚC

Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Myanmar và Bangladesh:

“CON NGƯỜI CHÍNH LÀ KHO BÁU LỚN NHẤT CỦA ĐẤT NƯỚC”

* * *

Từ ngày 26-11-2017 đến ngày 2-12-2017, Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Myanmar và Bangladesh, hai quốc gia Châu Á.
Đây là chuyến tông du thứ 21 của Đức Thánh Cha.
Khắp nơi trên thế giới chăm chú theo dõi chuyến viếng thăm của vị chủ chăn Giáo Hội Hoàn Vũ tại hai quốc gia không có đông tín hữu Công Giáo. Bởi tại hai quốc gia này đang diễn ra một trong những điểm nóng của thế giới: cuộc xung đột hằng mấy thập kỷ đã lên cao độ với sự kiện người Rohingya (một sắc tộc theo Hồi Giáo) phải bỏ Myanmar lánh nạn sang Bangladesh, để tránh bị “thanh lọc sắc tộc”.
Đức Thánh Cha sẽ nói gì và làm gì để góp phần giải quyết xung đột sắc tộc và tôn giáo tại Myanmar?
Qua những cuộc tiếp xúc với mọi thành phần trong xã hội hai quốc gia, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ làm nổi bật những khía cạnh nào của sứ điệp Tin Mừng?
Xin giới thiệu với quý độc giả bài phát biểu đầu tiên của Đức Thánh Cha trước một cử tọa đông đảo -giới chức chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn- sau các cuộc hội kiến riêng với ba nhà lãnh đạo Myanmar.
Bài phát biểu này diễn ra tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế ở thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar, buổi chiều ngày 28-11-2017.
Hy vọng quý độc giả sẽ cảm nhận những tia sáng sứ điệp Tin Mừng chiếu tỏa trong bài phát biểu này của Đức Thánh Cha.
Chúng tôi chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp, tại vatican.va.

* * *

BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TẠI TRUNG TÂM HỘI NGHỊ QUỐC TẾ NAY PYI TAW, MYANMAR

BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TẠI CUỘC GẶP GỠ GIỚI CHỨC CHÍNH QUYỀN, XÃ HỘI DÂN SỰ, NGOẠI GIAO ĐOÀN TẠI TRUNG TÂM HỘI NGHỊ QUỐC TẾ NAY PYI TAW, MYANMAR NGÀY 28-11-2017

 

Kính thưa Bà Cố Vấn Quốc Gia,

Quý vị hữu trách trong Chính Phủ và Xã Hội Dân Sự,

Kính thưa Đức Hồng Y, quý Đức Cha,

Quý vị trong Ngoại Giao Đoàn,

Quý Bà và quý Ông,

 

Tôi thật cảm kích khi được quý vị mời đến thăm Myanmar và xin cảm ơn Bà Cố Vấn Quốc Gia đã phát biểu rất thịnh tình. Tôi hết lòng biết ơn tất cả những vị đã bỏ nhiều công sức chuẩn bị cho cuộc viếng thăm này. Trước hết, tôi đến đây để cùng cầu nguyện với cộng đoàn Công Giáo tuy nhỏ bé nhưng rất nhiệt thành, để củng cố những anh chị em này trong Đức Tin, và khuyến khích họ gắng sức đóng góp mọi điều tốt đẹp cho đất nước. Tôi hết sức cảm kích vì được sớm thực hiện chuyến viếng thăm này sau khi Myanmar và Tòa Thánh thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức[i]. Tôi mong thấy quyết định này như một dấu chỉ đất nước Myanmar quyết tâm theo đuổi cuộc đối thoại và việc hợp tác mang tính xây dựng đối với cộng đồng quốc tế, dù đang phải ra sức đổi mới cơ cấu xã hội dân sự.

 

“Tôi bày tỏ sự trân trọng trước những nỗ lực nhằm giải quyết mọi xung đột”

 

Tôi cũng mong được thăm hết thảy mọi người dân Myamar và ngỏ lời khích lệ tất cả những ai đang thực thi việc kiến tạo một trật tự xã hội công bình, hòa giải và hội nhập. Myanmar vốn có một vẻ đẹp thiên nhiên và nguồn tài nguyên dồi dào, nhưng kho tàng lớn nhất chính là người dân của đất nước này, những người đã phải chịu đựng rất nhiều, và đang tiếp tục chịu đựng, vì sự xung đột và những hận thù trong xã hội vốn kéo dài quá lâu đã gây chia rẽ sâu sắc. Trong công cuộc vãn hồi hòa bình hiện nay, việc chữa lành những thương tích phải được dành vị trí ưu tiên cao nhất về chính trị và tinh thần. Tôi chỉ có thể bày tỏ sự trân trọng trước những nỗ lực của Chính phủ nhằm giải quyết thách đố này, nhất là qua Hội Nghị Hòa Bình Panglong, quy tụ đại biểu các nhóm khác nhau nhằm chấm dứt bạo lực, xây dựng niềm tin và bảo đảm việc tôn trọng mọi quyền của tất cả những ai đang gọi mảnh đất này là mái nhà của mình.

 

“Mỗi cá nhân và các nhóm sắc tộc đều có thể đóng góp vào thiện ích chung”

 

Quả thực, chỉ có thể thúc đẩy tiến trình nhọc nhằn kiến tạo hòa bình và hòa giải quốc gia bằng quyết tâm thực hiện công lý và tôn trọng nhân quyền. Lẽ khôn ngoan của người xưa nêu lên một cách xác đáng rằng: công lý chính là ý chí nhìn nhận những gì thuộc về mỗi người, đồng thời các ngôn sứ ngày trước đã coi công lý là nền tảng của hòa bình chân chính và trường cửu. Những quan niệm này, được minh chứng qua kinh nghiệm bi thương của hai cuộc chiến tranh thế giới, đã dẫn đến việc thành lập tổ chức Liên Hợp Quốc và tuyên ngôn nhân quyền được khắp nơi nhìn nhận đã làm nền móng cho những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm cổ võ công lý, hòa bình và sự phát triển con người trên khắp thế giới, đồng thời cũng nhằm giải quyết các xung đột thông qua đối thoại, chứ không dùng sức mạnh. Do đó, sự hiện diện của ngoại giao đoàn ở giữa chúng ta đây không những minh chứng vị trí của Myanmar bên cạnh các quốc gia, mà còn cho thấy quyết tâm của đất nước này muốn tuân thủ và theo đuổi những nguyên tắc cơ bản. Tương lai của đất nước Myanmar phải là hòa bình, một nền hòa bình dựa trên sự tôn trọng phẩm giá và các quyền của từng thành viên trong xã hội, tôn trọng từng nhóm sắc tộc và bản sắc của họ, tôn trọng nguyên tắc pháp lý, và tôn trọng trật tự dân chủ giúp cho mỗi cá nhân và từng nhóm sắc tộc – không trừ nhóm nào – có thể đóng góp vào thiện ích chung.

 

“Các tôn giáo đều giữ vai trò quan trọng trong việc chữa trị các vết thương xã hội”

 

Trong công cuộc lớn lao của việc hòa giải và hội nhập, các cộng đồng tôn giáo Myanmar đảm nhận một vai trò riêng. Sự khác biệt về tôn giáo không thể là nguồn phát sinh chia rẽ và ngờ vực, mà là nguồn lực của đoàn kết, tha thứ, khoan dung và vững bước xây dựng đất nước. Các tôn giáo có thể giữ một vai trò quan trọng trong việc chữa trị những vết thương tinh thần và tâm lý của những người đã chịu đau khổ trong nhiều năm xung đột. Từ những giá trị đã tích lũy lâu đời, các tôn giáo có thể giúp vào việc bứng nhổ các nguyên nhân dẫn đến xung đột, bắc những nhịp cầu đối thoại, tìm kiếm công lý và làm tiếng nói ngôn sứ cho tất cả những ai đang đau khổ. Đó chính là dấu chỉ lớn lao của hy vọng mà các vị lãnh đạo các truyền thống tôn giáo khác nhau tại đất nước này đang ra sức hợp tác với nhau, trong tinh thần hòa hợp và tôn trọng nhau, nhằm kiến tạo hòa bình, giúp người nghèo khổ và giáo dục những giá trị tôn giáo và nhân văn đích thực. Với mong muốn xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ và liên đới, các tôn giáo đang góp phần vào thiện ích chung và đặt những nền móng đạo đức cần thiết cho một tương lai hy vọng và thịnh vượng dành cho các thế hệ mai sau.

 

“Đừng tước mất hy vọng và cơ hội của người trẻ”

 

Tương lai đó giờ đây đang ở trong tay người trẻ của đất nước. Người trẻ là một món quà cần phải được quý mến và khích lệ, là khoản đầu tư sinh lợi thật sự nếu biết tạo cơ hội cho giới trẻ có việc làm và được hưởng nền giáo dục có chất lượng. Đó là một đòi hỏi cấp bách của công lý đối với các thế hệ. Tương lai Myanmar trong một thế giới đang thay đổi mau lẹ và liên thông với nhau tùy thuộc vào việc huấn luyện người trẻ của mình, không những trong các lĩnh vực kỹ thuật, mà trên hết, còn trong các giá trị đạo đức như lòng trung thực, tính ngay thẳng và sự liên đới giữa con người với nhau, nhờ đó mới bảo đảm cho việc củng cố nền dân chủ, phát triển sự đoàn kết và hòa bình trên mọi bình diện xã hội. Nền công lý giữa các thế hệ còn đặt ra yêu cầu là các thế hệ tương lai phải được thừa hưởng một môi trường tự nhiên không bị lòng tham và sự cưỡng đoạt của con người tàn phá. Điều cần thiết là không được để cho giới trẻ của chúng ta bị tước mất hy vọng và cơ hội đem hoài bão và khả năng để xây đắp tương lai cho đất nước mình, và như thế, cũng là cho toàn thể gia đình nhân loại.

 

“Anh chị em Công Giáo hãy kiên vững trong Đức Tin và cộng tác với anh chị em các tôn giáo khác”

 

Kính thưa Bà Cố Vấn Quốc Gia,

Kính thưa quý vị,

 

Trong chuyến tông du này, tôi muốn khích lệ anh em, chị em Công Giáo của tôi hãy kiên vững trong Đức Tin và tiếp tục diễn tả sứ điệp hòa giải và tình huynh đệ qua những việc bác ái và nhân đạo, mang lại lợi ích cho xã hội nói chung. Tôi hy vọng khi đem lòng tôn trọng cộng tác với tín đồ các tôn giáo khác, và với mọi người nam nữ thành tâm thiện chí, anh chị em Công Giáo sẽ góp phần mở ra một kỷ nguyên mới của đồng thuận và tiến bộ cho nhân dân của đất nước yêu quý này. “Myanmar muôn năm!”

 

Cảm ơn quý vị đã chú ý lắng nghe, và cầu chúc việc phụng sự công ích của quý vị được tốt đẹp. Tôi nài xin Chúa ban cho tất cả quý vị được ơn khôn ngoan, can đảm và bình an. Xin cảm ơn!”

 

* * *


Khổng Thành Ngọc


[i] Ba tháng trước đây, Tháng Tám 2017, quan hệ ngoại giao chính thức giữa Tòa Thánh và Myanmar đã được thiết lập. Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Paul Tschang In-Nam làm Sứ Thần Tòa Thánh tiên khởi tại Myanmar. Về phía Myanmar, Tổng Thống Htin Kyaw đã bổ nhiệm ông San Lwin làm đại sứ đầu tiên của quốc gia Châu Á này tại Tòa Thánh.