7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Lịch Sử Mùa Chay


Mùa Chay 

Mùa Chay là thời gian bốn mươi ngày trước Lễ Phục Sinh, trừ ngày Chúa Nhật, bắt đầu từ ngày Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh (một ngày trước lễ Phục Sinh). Tuy nhiên theo lịch phụng vụ cải tổ thì Mùa Chay kết thúc vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh để đặc biệt đề cao ba ngày Tam Nhật Thánh (Thánh Lễ Tiệc Ly, Nghi Thức Thứ Sáu Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh Lễ Vọng). Mặc dù vậy, thực hành Mùa Chay được duy trì cho đến Đêm Vọng Phục Sinh, trừ các Chúa Nhật.

 

Mùa Chay là thời gian đặc biệt để cầu nguyện, sám hối, hy sinh và làm việc lành để chuẩn bị cho Lễ Phục Sinh. Trong mong muốn làm mới việc thực hành phụng vụ của Giáo Hội, Hiến Chế Phụng Vụ Thánh của Công Đồng Vatican II lưu ý: “Hai đặc tính của Mùa Chay là việc sám hối và nhất là việc nhớ lại hoặc dọn mình chịu phép Rửa Tội, chuẩn bị các tín hữu cử hành mầu nhiệm phục sinh, bằng sự nhiệt thành nghe lời Chúa và chuyên chăm cầu nguyện hơn. Hai đặc tính trên phải được trình bày rõ ràng hơn cả trong Phụng Vụ lẫn giáo lý phụng vụ.”(Hiến Chế số 109)

 

Lịch Sử Mùa Chay

Từ những năm  đầu tiên của Giáo Hội sơ khai, đã có những phong tục chuẫn bị tinh thần chay tịnh cho lễ Phục Sinh. Thánh Giáo Phụ Irene, khi viết cho Đức Thánh Giáo Hoàng Victor về việc chuẩn bị cho Lễ Phục Sinh đã đề cập đến tinh thần chay tịnh, cũng như số ngày sống tinh thần chay tịnh trước Lễ Phục Sinh.

 

Mùa Chay trở nên đúng quy chuẩn hơn sau khi Kitô Giáo được tự do vào năm 313. Công Đồng Nicea (325), trong bảng giáo luật về kỷ luật, ghi nhận rằng hai công nghị tỉnh cần được tổ chức mỗi năm "công nghị đầu tiên phải được tổ chức trước 40 ngày của Mùa Chay." Ðức Giáo Hoàng Leo (d. 461) khuyên các tín hữu phải "thực hiện đầy đủ việc chay tịnh theo Tông truyền là 40 ngày", một lần nữa ghi nhận nguồn gốc tông đồ của Mùa Chay. Vào cuối thế kỷ thứ IV, 40 ngày chuẩn bị cho Lễ Phục Sinh được gọi là Mùa Chay đã được thực hành rộng rãi, trong đó đời sống cầu nguyện và ăn chay là hai yếu tố chính cho việc thực hành Mùa Chay.

 

Tất nhiên, số "40" luôn có ý nghĩa tâm linh đặc biệt liên quan đến việc chuẩn bị. Trên Núi Sinai, chuẩn bị cho việc nhận Mười Điều Răn, “Ông Moses ở lại đó với Chúa 40 ngày và 40 đêm, mà không ăn uống bất cứ thứ gì.” (Xh 34:28) Ngôn Sứ Êlia đi “40 ngày và 40 đêm” lên núi Chúa, Núi Horeb (tên khác của Sinai) (I Các Vua 19: 8). Và quan trọng nhất, Chúa Giêsu ăn chay và cầu nguyện “40 ngày và 40 đêm” trong sa mạc trước khi Ngài bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài. (Mt 4: 2)

 

Sau khi 40 ngày của Mùa Chay đã được thành lập, việc phát triển tiếp theo liên quan đến phải ăn chay vào những ngày nào trong tuần. Tại Jerusalem và Giáo Hội Đông Phương, các tín hữu ăn chay 40 ngày, 5 ngày 1 tuần, từ thứ Hai đến thứ Sáu, không ăn chay vào thứ Bảy và Chúa Nhật, do đó Mùa Chay kéo dài tám tuần. Tại Rome và ở phương Tây, tín hữu ăn chay 6 ngày 1 tuần, từ thứ Hai đến thứ Bảy, do đó Mùa Chay kéo dài trong vòng sáu tuần. Cuối cùng, việc thực hành chiếm ưu thế là ăn chay 6 ngày một tuần trong suốt 6 tuần. Đức Thánh Giáo Hoàng Gregory Cả (540-604) ấn định ngày đầu tiên của Mùa Chay vào ngày thứ Tư và Ngài gọi là Thứ Tư Lễ Tro để đánh dấu ngày đầu tiên của Mùa Chay và để bảo đảm đúng 40 ngày chay tịnh trước Lễ Phục Sinh.

 

Thời trung cổ, việc thực hành các quy luật của ăn chay khác nhau nhưng khá nghiêm ngặt. Chỉ được ăn một bữa và không được ăn sau 3 giờ chiều, không ăn thịt và sản phẩm động vật. Ví dụ, Đức Thánh Giáo Hoàng Gregory Cả (540- 604) viết cho Thánh Augustine thành Canterbury, ban hành các quy luật sau đây: “Việc ăn chay phải kiên tất cả các loại thịt, thậm chí tất cả thức ăn bắt nguồn từ thịt như sữa, pho mát và trứng.”

 

Theo dòng lịch sử, những thay đổi về việc ăn chay trong Mùa Chay trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Đến năm 800 tín hữu được ăn sau 3 giờ chiều, đến năm 1400 cho phép ăn chay với thực phẩm như cá, trứng và phô mai. Thứ Tư Lễ Tro vẫn đánh dấu ngày đầu tiên của Mùa Chay, kéo dài trong 40 ngày, không kể Chúa Nhật. Luật ăn chay và kiêng thịt hiện nay rất đơn giản từ năm 1966: Các tín hữu (từ 16-65 tuổi) buộc ăn chay và kiêng thịt vào thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh, (chỉ ăn một bữa trưa no, ăn nhẹ bữa sáng và tối) trẻ em (dưới 16) và người lớn (trên 65) không nhất thiết phải ăn chay nhưng phải kiêng thịt. Vào các thứ Sáu khác của Mùa Chay, các tín hữu phải kiêng thịt. Mọi tín hữu vẫn được khuyến khích “từ bỏ một cái gì đó cả về tinh thần lẫn vật chất” như là hy sinh trong mùa Chay.

 

Lm. Giuse Trần Thăng Hưng, O.Carm.

Lược dịch từ catholiceducation.org