7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

CUỐN PHIM MỚI VỀ THÁNH FAUSTINA TRÌNH CHIẾU LẦN ĐẦU CHỈ TRONG MỘT ĐÊM VÀO NGÀY 28 THÁNG MƯỜI



New Film on St Faustina Makes One-Night-only Debut October 28


 

Bài của Mark Pattison/CNS. Nguyên bản tiếng Anh đăng trong báo điện tử NW Catholic ngày 28 tháng 10, 2019. Phong trào Sùng Kính Lòng Thương Xót Chúa phát triển khá sôi nổi trong cộng đồng giáo xứ chúng ta, nhờ công lao của Hội Thánh Linh và nhất là các sơ Hội Dòng Mến Thánh Giá. Chắc nhiều người muốn tìm hiểu về một cuốn phim mới, được giới thiệu trong bài báo sau đây:

 


WASHINGTON - Một cuốn phim mới về cuộc đời của Thánh Faustina Kowalska, một nữ tu nước Balan, người đã có những thị kiến dẫn tới phong trào Sùng Kính Lòng Thương Xót Chúa, sẽ được trình chiếu một đêm mà thôi ở trên hơn 700 màn ảnh khắp Hoa Kỳ.


 

Cuốn phim dài 90 phút, mang tên “Love and Mercy: Faustina,” (Tình Yêu và Lòng Thương Xót: Faustina) cũng có một số những đặc điểm về Thánh Faustina bao quanh.


 

Được thu hình tại Balan, Lithuania, Belarus, Mexico, Columbia và Hoa Kỳ, phim Love and Mercy: Faustina được quay phim hai lần, với những diễn viên nói tiếng Ba Lan hay tiếng Anh, Cha Alar đã nói vậy với hãng tin Catholic News Services vào ngày 3 tháng 10 trong một cuộc  phỏng vấn trên điện thoại từ quê quán của ngài tại Michigan, nơi mà ngài đang hướng dẫn một buổi tĩnh tâm. Ngài nói tiếp: “Đặc điểm đó khiến cho cuốn phim trở thánh khá độc đáo.”


 

Cuốn phim được đạo diễn bời Michal Kondrat, một  tên tuổi có thể đã quen thuộc với một số người Công Giáo, vì ông đã là đạo diễn của phim “Two Crowns” (Hai Vương Miện), một cuốn phim ra mắt năm 2017, về tiểu sử của Thánh Maximilian Kolbe, một linh mục Balan đã chết trong trại tập trung của Đức Quốc Xã trong Thế Chiến Thứ Hai.


 

Cha Alar nói Kondrat đã đọc những trang nhật ký của Thánh Faustina và có chủ tâm dựng một cuốn phim dựa vào cuộc đời của một vị thánh Balan khác

 


Nhà làm phim đã tìm đến các tu sĩ dòng Đức Mẹ Trinh Khiết Hoài Thai, một hội dòng  nam đầu tiên do người Balan bản xứ thành lập mãi từ năm 1670 - một dòng tu có lòng sùng kính đặc biệt đối với Thánh Faustina. Chính một thành viên của hội dòng này đã dong ruổi ngang dọc miền Đông Âu đang bị quân Đức Quốc Xã chiếm đóng để tới Hoa Kỳ và loan truyền về vị nữ tu mà chính ngài là cha linh hướng.


 

Sau một loạt những màn cảnh sơ khởi được phác họa, các thầy dòng Đức Mẹ đã đưa ra một phim tài liệu về Thánh Faustina mà hội dòng đã sản xuất trong thập niên 80 là phim “Divine Marcy. No Escape,” (Lòng Thương Xót Chúa. Không Chạy Trốn Được,) để bổ túc thêm những chi tiết, Cha Alar cho biết như vậy.

 


Ngài nói thêm Sùng Kính Lòng Thương Xót Chúa - với ý nghĩa đơn giản là “Tình Yêu qua Hành Động,”- thật là vĩ đại, mãnh liệt và cực kỳ cần thiết.” bởi vì Thánh Faustina đã được Chúa Giêsu nói cho biết sứ điệp về thời kỳ khánh chung là: “Nếu anh em không đi qua cửa lòng thương xót của ta, thì anh em phải đi qua cửa công lý.” Vậy mà rất ít người biết điều ấy, ngay cả những người Công Giáo.


 

Cha Alar gọi Sùng Kính Lòng Thương Xót Chúa “xét về mặt kỹ thuật là một phong trào quần chúng phát triển nhanh nhất trong lịch sử giáo hội, và sự lớn mạnh của nó thật là ngoạn mục.


 

“So với các phong trào khác trong lịch sử giáo hội - như phong trào Thánh Tâm - thật là khó mà tin những gì đã làm được trong một thời kỳ ngắn ngủi như vậy,” Cha ghi nhận rồi nói tiếp, “Bất kể điều vừa nói, nhiều người vẫn chưa biết đến phong trào này, vì nhiều người không thực thi đức tin của mình. Nếu nguời ta thực thi đức tin, ắt họ phải nghe nói đến phong trào  này trong giáo hội.”

 


Cha Alar muốn cảnh giác những người có thể sắp xem phim này về một điều xuất hiện trong một phần của phim Love and Mercy: Faustina mà họ thấy là không ổn thoả: đó là việc tự sát của người hoạ sĩ đã theo hướng dẫn của Thánh Faustina mà vẽ ra hình Chúa Giêsu, với những tia sáng màu đỏ, trắng chiếu ra từ trái tim Chúa, để tiêu biểu cho máu và nước chảy ra sau khi bị đâm vào cạnh sườn trong khi ngài chịu đóng đinh.


 

Người họa sĩ ấy, tên Eugine  Kazimierowski, quả thật trước kia theo Tam Điểm (Bè Nhiệm), đúng như cuốn phim cho biết, nhưng “ông ta đã trở lại đạo” trước khi được mời gọi vẽ bức hình Lòng Thương Xót Chúa, Cha Alar đã cho CNS biết như vậy. Một điều khác cũng đúng là ông đã tự vẽ mình như Giuda, nhưng “không phải vì ông ta đứng về phe Giuđa, và muốn phản bội Chúa Kitô, nhưng vì ông là kẻ có tội, muốn hối cải tội lỗi của mình”.


 

Còn về việc tự sát, “điều này không được nói đến trong phim: không phải vì thất vọng hay thiếu tin cậy vào lòng thương xót Chúa, mà ông đã tự giết chính mình. Lúc ấy quân Đức Quốc Xã sắp tới nơi, và chắc chắn rồi, ông đang ở miền mà Đức Quốc Xã sắp chiếm đóng và (nếu ông còn sống) chắc hẳn ông đã bị bắt cầm tù,” Cha Alar lại nói tiếp, “Ông ta có thông tin về nhiều việc khác nhau mà quân Đức biết rằng ông ta biết. Ông biết một cách chắc chắn (nếu còn sống) ông sẽ bị bắt, cầm tù và tra tấn. Quyết định chấm dứt đời mình không bao giờ là một quyết định tốt, nhưng quyết định không tốt phải là quyết định người ta đã làm một cách đầy đủ và tự do hoàn toàn, với ý chí không hề bị cưỡng ép.”


 

Lưu ý: Muốn tìm một rạp hát gần nhà, hay đặt mua vé, xin vào mạng

https://www.fathomevents/faustina-love-and -mercy.

 


Vũ Vượng dịch