7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

THÁNH GIOAN-PHAOLÔ II: MỘT NGƯỜI THÍCH HỢP CỦA MỌI THỜI ĐẠI

 

 

St. John-Paul: as relevant to the times as ever


 

Ngày 22 tháng 10 sắp tới là Lễ Kính Thánh Giáo Hoàng Gioan – Phaolô II, một vị giáo hoàng mà Đức Bênêdictô XVI đã gọi rất đúng là Gioan-Phaolô vĩ đại. Nhân dịp sinh nhật thứ 100 của ngài, Cha Billy Swan đã viết một bài đề cao những công đức vẻ vang của ngài trong giáo hội và trong lịch sử thế giới. Điều đáng chú ý nhất là ngài được mô tả như là chứng nhân của lòng hy vọng. Bài viết của Cha Billy được đăng trên mạng thông tin mục vụ Word on Fire, ngày 6 tháng 8, 2020. Sau đây là bài dịch sang tiếng Việt:

 

 

Mới đây giáo hội đã mừng ngày sinh nhật thứ một trăm của Thánh Gioan-Phaolô II, một con người đã lặng lẽ đi vào thế giới này ngày 18 tháng 5 năm 1920, tại Wadwice, nước Ba Lan (Poland). Tôi không ngần ngại nói rằng, không kể cha mẹ tôì, người đã ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất là Thánh Gioan-Phaolô II. Tôi đã lớn lên trong triều đại giáo hoàng của ngài, cho nên tôi đã coi ngài như người cha tinh thần trong suốt thời niên thiếu, thời tráng niên, và trong khi tôi suy xét về ơn gọi làm linh mục. Ngài là vị linh mục mà tôi muốn bắt chước, vì cách ngài đề cao những lý tưởng và nói về Thiên Chúa đã đốt bùng lên một ngọn lửa trong tim tôi.


 

Có quá nhiều lý do để cảm ta Chúa về con người này, và quá nhiều lý do khiến tôi nhìn vào ngài để tìm cảm hứng. tôi khâm phục lòng can đảm, tinh thần truyền giáo, quyết tâm không khoan nhượng trong việc bảo vệ nhân phẩm con người, lòng yêu mến giới trẻ, công cuộc xây dựng hoà bình, và phần đóng góp của ngài vào việc làm cho chế độ cộng sản ở miền đông châu Âu sụp đổ. Tôi say mê tiếp thụ những giáo huấn, những áng văn của ngài và chia sẻ lòng kính mến Đức Mẹ Đấy Ơn Phước của ngài. Nhưng theo tôi, có một sợi chỉ vàng nối kết tất cả những phẩm cách này với nhân đức thấm nhuần trong mọi điều mà ngài tiêu biểu. Sợi chỉ vàng ấy là niềm hy vọng. Gíáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã và vẫn tiếp tục là một “Chứng nhân của lòng hy vọng,” theo nhận định của George Weigel, người viết tiểu sử chính của ngài.


 

Theo hàng ngàn thanh thiếu niên họp mặt trong đại hội giới trẻ thế giới ở Toronto, Canada năm 2002, ngài đã nói câu này: “Mặc dù tôi đã sống qua phần lớn thời kỳ đen tối của những chế độ chuyên chế tàn ác, tôi thấy có đủ bằng chứng để tin tưởng vững chắc rằng không có khó khăn nào, sợ hãi nào lớn tới độ có thể bóp nghẹt hoàn toàn lòng hy vọng, vốn là mạch suối trường tồn trong trái tim của các bạn trẻ … Đừng để niềm hy vọng ấy tiêu tan! Hãy tin chắc như thế.”


 

Những lời này giúp ta thấy tại sao Thánh Gioan-Phaolô II là một nhân chứng của hy vọng. Trong dịp này và nhiều dịp khác, ngài đã làm đúng cái mà Thánh Phêrô đòi chúng ta phải làm qua một trong những câu nói dồi dào ý nghĩa nhất của Tân Ước -  đặc biệt là, “ phải luôn luôn sẵn sàng để trả lời cho những ai hỏi ta lý do của niềm hy vọng mà ta có”. (Phêrô 3:15)

 


Hy vọng của Thánh Gioan-Phaolô dựa vào lòng xác tín rằng chiến thắng sau cùng thuộc về Chúa Kitô, một chiến thắng mà ngài đã dành được trên thánh giá. Đó là hy vọng dựa vào lời hứa của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly: “Trên thế giới này anh em sẽ gặp nhiều thống khổ, nhưng hãy can đảm, vì ta đã toàn thắng thế giới.” (Gioan 16:33)

 


Gioan-Phaolô II đã trải qua bao nhiêu đau khổ: phải mất tất cả gia đình, cuộc chiến hãi hùng trong chiến tranh thế giới thứ hai, chế độ cộng sản, bị bắn xuýt chết, ung thư ruột, bệnh Parkinson, và nhiều thử thách khác nữa. Vậy mà ngài không bao giờ mất hy vọng.

 


Trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào thời gian cuối đời, ngài nhìn lại sự tàn bạo của chế độ Đức Quốc Xã và chế độ cộng sản ngài đã trải qua, mô tả chúng như là “những hệ tư tưởng độc ác” phát sinh vì người ta đã chối bỏ Thiên Chúa là đấng Tạo Hóa và nguồn mạch quyết định giữa thiện và ác. Tuy vậy sau khi trải qua tất cả thời kỳ này, Gioan-Phaolô đã nhìn lại và nói về những giới hạn mà Chúa đã đặt lên sự dữ trong giai đoạn ấy của lịch sử Châu Âu. Những giới hạn này được đặt ra bởi lòng nhân lành của Chúa được giãi bày ra qua đời sống, cuộc chiến đấu anh dũng với tội lỗi, sự chết và Phục Sinh toàn thắng của Chúa Kitô. Với Thánh Gioan-Phaolô II đây là quyền năng Thiên Chúa đã đi vào lịch sử một lần là đủ cho mọi người, và sẽ mãi mãi là nguồn hy vọng cho những ai tin vào ngài. Với Chúa Kitô, theo ngài giải thích, sự độc dữ sẽ bị đánh bại và hy vọng sẽ toàn thắng ở mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh.

 


Đây là nguồn hy vọng không lay chuyển của Thánh Gioan-Phaolô, một linh mục, giám mục, giáo hoàng và một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại trong lịch sử thế giới.

 


Ngày nay ta cần hy vọng. Toàn thế giới cần hy vọng. Có những dấu hiệu đáng lo ngại trong những xã hội của chúng ta vì người ta đang mất hy vọng; người ta đang làm cho mình bị tê liệt bằng ma tuý, sa vào thất vọng, và tìm cách tự sát tới mức độ báo động. Chúng ta bị cám dỗ bỏ mất hy vọng khi phải đối phó với những thử thách ta đang gặp ngày nay – như hiểm họa kỳ thị chủng tộc ác độc và cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu do một cơn đại dịch mà chúng ta chưa có thuốc chữa.

 


Như vậy ta có thể hy vọng điều gì? Cái gì có thể là lý do để hy vọng? Ta có cùng một lý do như Thánh Gioan-Phaolô II: Vì Chúa Kitô đã chiến thắng tất cả mọi sự và ngài vẫn còn hiện diện và hoạt động trên thế giới này, ngay cả khi ta đang trải qua thương đau, đại dịch, và những xâu xé xã hội của thời nay.Tình yêu của ngài sẽ chiến thắng tất cả sự độc dữ, bóng tối và thất vọng.

 


Đây là điều mà Thánh Gioan-Phaolô đã làm chứng trong tất cả cuộc đời. Ngài là một Kitô hữu của niềm hy vọng nơi Chúa Phục Sinh.

 


Nhưng bằng cách nào ta có thể nuôi dưỡng và chia sẻ niềm hy vọng này một cách đơn giản trong cuốc sống hàng ngày? Trước hết bằng cách cầu nguyện, nhất là kinh cầu của hội thánh ấn định cho mỗi giờ trong ngày và cầu nguyện theo thánh vịnh là mạch nối chúng ta vào suối nguồn của hy vọng và giúp ta đối phó với mỗi ngày với một trái tim tươi mát. Qua cầu nguyện, ta để cho Thánh Linh của hy vọng trở nên sống động trong tim ta – Thánh Linh mà Thánh Phaolô đã mô tả như đang được “đổ vào tim ta như tình yêu của Thiên Chúa”. Nhờ cầu nguyện, hy vọng của ta được đặt vững chắc nơi Chúa, không phải thứ lạc quan nông cạn mong rằng mọi sự sẽ trở lại như trước.

 


Niềm hy vọng mỗi ngày giống như thế này:

 


Hy vọng cho những người già yếu đang cô đơn trong chuỗi ngày lê thê này – xin cho các cụ vẫn được yêu thương và tưởng nhớ bởi tất cả chúng ta; xin cho những người đang ở nhà an dưỡng được nhớ đến mỗi ngày, dù chúng ta không thể đến thăm.

 


Hy vọng cho những người đã mất việc làm – xin cho họ lấy lại được việc làm hay tìm được một việc khác thích hợp hơn nữa.

 


Hy vọng cho thanh thiếu niên và học sinh – xin cho thời kỳ bất ổn này có thể dẫn dắt họ suy xét về kế hoạch Chúa đã dành cho đời họ, trong tin tưởng và cậy trông.

 


Hy vọng cho trái đất – xin cho trái đất được phục hồi và được chữa lành trong khi mà những cuộc du lịch của người ta đã chậm lại.

 


Hy vọng cho các cộng đồng chúng ta – xin cho tình ưu ái vĩ đại mà nhiều người đang chia sẻ cho người khác, những công việc đang được làm sáng tỏ trong cuộc khủng hoảng này trở thành một bài học quý giá và lâu dài, dạy cho ta biết chúng ta cần đến nhau biết chừng nào.

 


Hy vọng cho toàn thể gia đình nhân loại, một đại gia đình mà chúng ta đã cảm thông rất nhiều trong mấy tháng qua, và cùng với mọi người, chúng ta đã gắn bó trong đau thương và nhẫn nại.

 


Hy vọng rằng ta sẽ vượt qua tất cả những gì năm 2020 đã đem tới – và vẫn còn đặt ở trước mắt ta – và trở nên những con người mới tốt hơn, chính vì nghịch cảnh này.

 


Như Thánh Gioan-Phaolô nhắc nhở, Chúa đã đặt ra những giới hạn cho sự dữ.

 


Tôi có đặc ân lớn lao được gặp Thánh Gioan-Phaolô hai lần tại Rome vào thời kỳ cuối đời ngài. Trong những dịp đó tôi đã được bắt tay với ngài, những bàn tay đã thánh hóa một công trình xây dựng bằng cách đập vỡ những hòn đá tại một hầm đá ở ngoại thành Krakow, và đã chúc lành cho thế giới trong gần một phần tư thế kỷ. Tôi đã được nghe những tiếng nói làm hưng phấn tinh thần của hàng triệu người khắp thế giới, đem lại cho họ lòng hy vọng tươi mát. Và khi tôi nhìn vào cặp mắt tươi cười của một người đã thoát chết qua hai chế độ Đức Quốc Xã và Cộng Sản là hai chế độ quân phiệt tàn bạo song sinh của thế kỷ hai mươi – một người đã thoát chết trong một vụ ám sát, bị ung thư và nhiều thứ khác trong thời kỳ ấy… thì một ý nghĩ xảy đến trong đầu tôi: “Nếu ngài vẫn còn hy vọng, thì ta còn có thể thoái thác cách nào  để không hy vọng như ngài?”

 


Để kết luận, tôi xin trích lời của Thánh Gioan-Phaolô II, một con dân của nước Balan, và một chứng nhân của lòng hy vọng, người đã sinh ra đời cách nay 100 năm:

 


“Đừng bao giờ, chớ bào giờ bỏ mất hy vọng. Đừng bao giờ nghi ngờ, đừng bao giờ mệt mỏi và đừng bao giờ mất tinh thần. Đừng sợ! Không có sự độc dữ nào ta phải đối mặt mà Chúa không cùng đối phó với ta. Không có kẻ thù nào mà Chúa Kitô đã không chiến thắng. Không có thánh giá nào ta phải mang mà Chúa Kitô đã không vác với ta trong quá khứ cũng như bây giờ. Đừng sợ nhé.”

 


Lạy Thánh Gioan-Phaolô II, xin cầu cho chúng con và dạy chúng con biết hy vọng!

 


Vũ Vượng dịch