7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Nhân lễ quan thầy giáo xứ, ta nên tìm hiểu AI LÀ ÔNG BÀ CỦA CHÚA KITÔ


 

Who were Christ’s grandparents?

 

Bài của Cha Steve Grunow. Nguyên bản tiếng Anh đăng trong mạng truyền thông mục vụ Word on Fire của Đức Giám Mục Robert Barron ở Los Angeles.

 


Kinh thánh cho ta biết mọi điều về Chúa Giêsu, những gì cần thiết cho ơn cứu độ của ta. Nói cách khác ta biết những gì là thật và cần thiết về Chúa Kitô nhờ những gì ngài đã tỏ lộ và gây cảm hứng để những tác giả của Kinh Thánh kể cho ta biết qua những gì các ngài đã viết. Bấy nhiêu cũng đủ rồi, nhưng ta cũng biết bấy nhiêu chưa phải là tất cả. Trong đoạn kết, Phúc Âm Thánh Gioan nói còn rất nhiều điều để kể về Chúa Kitô, đến nỗi tất cả sách vở trên thế giới này không đủ để ghi chép. Nói thế nghĩa là đức tin buộc ta phải chấp nhận những gì ta có, thế là đủ rồi. Đã có sự đồng ý như vậy, nhưng ta càng yêu mến Chúa Giêsu bao nhiêu, ta càng muốn biết nhiều hơn là ngài đã cho biết.


Phải chăng ta có rất nhiều câu hỏi về ngài, những câu hỏi không thể trả lời được bao lâu ta còn ở phía bên này của thiên đàng? Ngày còn là một cậu bé, Chúa Kitô có sợ bóng tối chăng? Tuổi thanh xuân có làm cho ngài ngượng ngập, có buổi sáng nào ngài thức dậy và thấy mụn trứng cá nổi trên mặt? Hồi còn nhỏ ngài thích những trò chơi nào, và những đứa bé ngài chơi với tên gì? Cảnh nhà Nazareth của ngài ra sao? Biết đâu một ngày kia ngài sẽ cho ta biết. Nhưng với những gì ngài đã cho biết, dường như ngài muốn ta không nên vương vấn với những câu hỏi như thế ngay bây giờ. Nhưng ta phải lưu ý và ghi nhớ những gì ngài đã tỏ lộ cho ta và bắt tay thi hành sứ mạng của mình. Tuy nhiên sự cám dỗ phỏng đoán và thắc mặc hầu như không cưỡng lại được. Một số người trong giáo hội thời sơ khai (và ngay cả bây giờ) đã sáng tác ra cả một thể loại văn chương có mục đích tiết lộ những chi tiết trong cuộc đời Chúa Kitô mà ngài đã che dấu. Đối với những câu truyện này giáo hội nói rõ rằng không có tác phẩn nào, dù được cấu tạo hay thế nào, được chấp nhận hay đánh giá là có giá trị mạc khải.


Hôm  nay giáo hội mừng  kính hai vị thánh trong đời sống thầm kín của Chúa. Chỉ sau mẹ ngài và chồng của bà, họ là những người đã biết Đức Kitô một cách thân mật, đặc biệt và độc nhất trong số những ai được biết ngài nơi tạm trú thuở thiếu thời. Hai vị thánh này được hội thánh gọi tên là Joachim và Anna. Họ là cha mẹ của Đức Mẹ đầy ơn phước của Đức Kitô, và vì thế là ông bà của ngài. Kinh Thánh hoàn toàn im lặng về hai nhân vật này – tên của họ được truyền lại cho ta, không phải qua những trang sách mạc khải nhưng nhờ truyền thống đạo đức. Vai trò của họ trong đời sống Chúa Kitô? Người ta chỉ có thể phỏng đoán. Chỉ biết một điều là Chúa Kitô phải có ông bà, và nếu vai trò của hầu hết các ông bà trong đời sống chúng ta có thể gợi ý một điều gì, thi ta biết ảnh hưởng của hai vị đối với Chúa chắc hẳn là rất sâu đậm.


Có lẽ họ là một số trong nhóm thân thuộc đã nuôi dưỡng ngài và giúp ngài vượt qua khó khăn và hiểu biết thế giới này. Ngài có giúp ông ngoại thức dậy và đưa ông ra ngồi dưới bóng cây mát mẻ? Ngài có xoa bóp những bàn tay cong queo và chai cứng của bà chăng? Ngài có xin ông bà kể truyện ngày xưa cho nghe, hay những truyện của mẹ khi còn là một bé gái? Có lẽ khi ông bà chết là lần đầu tiên ngài cảm thấy xúc động sâu xa. Phải chăng khuôn mặt già nua của ông bà đã thực sự cho ngài thấy thế gian này ngắn ngủi, mong manh và kỳ diệu biết bao? Ngài có hỏi hai cụ nghĩ gì về Thiên Chúa không? Họ có biết sự bí mật của ngài chăng?


Tôi thường ngạc nhiên vì màu nhiệm Nhập Thể có thể mất đi nội dung thật sự và ảnh hưởng sâu sắc của nó một cách quá nhanh chóng. Khi còn nhỏ, câu truyện Chúa Kitô sinh ra có thể thu hút sự chú ý lâu dài của ta. Nhưng từ khi câu truyện ấy được ta xếp vào loại quen thuộc, ta có thể nghĩ lầm rằng đó chỉ là một trong những câu truyện của một mùa (trong năm). Cảm tưởng này của chúng ta là một sai lầm lớn bởi vì màu nhiệm Nhập Thể không phải chỉ là một câu truyện. Đó là câu truyện mô tả một biến cố huyền bí lạ lùng, vô tiền khoáng hậu. Chúa đã tự nhận lấy bản tính con người và sống một cuộc đời phàm nhân thực sự. Nghĩa là ngài đã chấp nhận không phải chỉ là bản tính con người theo nghĩa trừu tượng, nhưng là bản tính được lắp đặt vào hoàn cảnh thật của thế giới này. Chúa đã chọn một gia đình cho mình. Ngài chấp nhận để cho bản thân mình phải học hỏi về đời sống trong khung cảnh của một nền văn hoá nhất định, vào một thời gian và không gian nhất định. Bởi vì bản tính con người mà ngài đã chọn là có thật, Thiên Chúa trong Đức Kitô đã gọi hai cụ là ông và bà, và vì hai cụ là cha mẹ của Đức Maria đầy ơn phước, ta có thể phỏng đoán từ cung cách bà yêu thương ngài rằng hai cụ cũng yêu thương ngài hơn bất cứ điều gì họ đã yêu thương trước kia.


Lý lịch và truyện đời tư của ông bà của Đức Kitô đã biến mất dưới màn ảnh máy radar của lịch sử. Ta biết được tên của họ chỉ nhờ cách gạn lọc qua một bộ gia phả được để lại qua truyền thống mà giáo hội đánh giá là đáng để cho ta tin. Ta biết ông bà của Đức Kitô là Joachim và Anna, những con người bí ẩn, và dù kể như ta không biết gì về hai cụ, nhưng ta biết chắc chắn rằng họ biết Đức Kitô bằng những thể cách mà ta không bao giờ biết được. Biết đâu một ngày kia hai cụ sẽ cho ta biết, và chỉ khi đó chúng ta mới biết.


Vũ Vượng dịch