7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

AI QUYẾT ĐỊNH NHỮNG SÁCH NÀO PHẢI CÓ TRONG KINH THÁNH?


Who decided what books should be in the Bible?


Bài của Đức Giám Mục Daniel Mueggenborg. Nguyên bản tiếng Anh đăng trong nguyệt san Northwest Catholic tháng 10, 2020. Một bài viết tuy có tính cách lý thuyết, hơi có vẻ khô khan, nhưng rất hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu lịch sử hình thành bộ Kinh Thánh của đạo Thiên Chúa.

 

Một câu hỏi rất quan trọng – nhưng không dễ gì trả lời được – Câu trả lời đơn giản nhất có lẽ là nói rằng Chúa Thánh Linh đã quyết định. Nhưng như thế không nói lên được cách thức hành động kỳ diệu của Chúa Thánh Linh.


Quy điển Kinh Thánh (canon of the Bible) là danh sách những quyển sách được chính thức công nhận đã được Chúa Thánh Linh linh ứng, có giá trị hướng dẫn về đức tin và luân lý của đạo Kitô. Danh sách này không phải được thả xuống từ trời cao. Đúng hơn, Chúa Thánh Linh đã làm việc qua giáo hội trải qua nhiều thế kỷ, để cho các đấng thẩm quyền có thể chính thức làm rõ nội dung chân chính của Kinh Thánh.


Tiến trình nhận rõ này bắt đầu từ khi những truyện tích truyền khẩu được viết thành sách, và những văn bản này được dùng trong những buổi cầu nguyện và thờ phượng công cộng. Tiến trình này phải mất gần 1000 năm để có được bộ sách mà các Kitô hữu gọi là Cựu Ước.


Quy điển Sách Thánh cho người Do Thái được minh định trước khi thế kỷ thứ nhất kết thúc, nhưng vẫn chưa được minh định cho các Kitô hữu. Sự cách biệt này đã làm nổi lên nhiều cuộc tranh cãi về Kinh Thánh qua nhiều thế kỷ mà đỉnh cao là bài tuyên bố chung quyết của khóa họp thứ tư của Công Đồng Trent (1547). Người Công Giáo sẽ nhìn nhận tất cả 46 quyển sách  trong công trình phiên dịch từ tiếng Hy Lạp được gọi là Septuagint, trong khi người Tin Lành chỉ công nhận 39 quyển sách có trong quy điển Sách Thánh của người Do Thái. Sự khác biệt giữa Kinh Thánh Công Giáo và Kinh Thánh Tin Lành về 7 quyển sách này được tiếp tục cho đến ngày nay.


Tân Ước thì định nghĩa dễ dàng hơn và xuất hiện trong mấy thế kỷ đầu của đạo Thiên Chúa. Danh sách sơ khởi của những bài viết được linh ứng, như quy điển Muratorium xuất hiện ngay từ thế kỷ thứ hai, cùng với những tiêu chuẩn để làm rõ nghĩa và chấp nhận. Những tiêu chuẩn này bao gồm: biểu lộ đúng đắn đức tin đạo Thiên Chúa (chính quy), cách thức xử dụng trong nghi lễ thờ phượng công cộng, đào tạo các tín hữu, và nguồn gốc từ các thánh tông đồ.


Những giám mục thời sơ khai của giáo hội thường so sánh và chia sẻ những bài viết địa phương với những cộng đồng Công Giáo khác. Thông qua quá trình cầu nguyện, chia sẻ và học hỏi những bản văn sơ khởi này, các đức giám mục được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Linh trong việc định rõ Kinh Thánh Tân Ước đích thực tại Công Đồng Nicaea (năm 325), và sau cùng thiết lập quy điển sách thánh Thiên Chúa Giáo tại một thượng hội đồng giám mục năm 374 tại Roma do Giáo Hoàng Damasus I triệu tập cùng với bản dịch Kinh Thánh ra tiếng địa phương của Thánh Jerome (thời ấy tiếng Latinh vẫn còn được coi là tiếng địa phương, trong khi ngôn ngữ chính thức của Kinh Thánh vẫn còn là tiếng Hy Lạp).


Mặc dù nhà cải cách Tin Lành Martin Luther đã tìm cách giảm bớt một số sách của quy điển Tân Ước (nhất là những sách mang tên James, Jude, Hebrews và Sách Khải Huyền) nhưng sau cùng rồi những sách này vẫn được giữ lại, và quy điển các sách thánh đạo Thiên Chúa vẫn giữ nguyên cho Công Giáo và Tin Lành. Tất cả 27 quyển sách của Tân Ước đều có trong mỗi phiên bản Thánh Kinh của đạo Thiên Chúa.


Chúa Thánh Linh làm việc qua những tác nhân, cho nên ta cần phải mở lòng đón nhận sự hướng dẫn và linh ứng của Chúa Thánh Linh để có thể giải thích một cách thích đáng những biến cố trên thế giới chúng ta theo ý Chúa và hành động một cách trung thành như thân thể của Chúa Kitô.


Cũng một Chúa Thánh Linh đã hướng dẫn những người viết các sách thánh trong quá khứ, đang nói với ta ngày nay qua những sách thánh ấy khi ta quy tụ cầu nguyện trong Thánh Lễ để ta có thể dễ dàng nhận ra sự hiện diện và hành động tốt đẹp của Chúa trong đời sống chúng ta bây giờ và đáp ứng lại với lòng tin yêu và hy vọng.


Vũ Vượng dịch