7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Thức Ăn Nhanh Cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul) - CÔ ĐỘC, CÔ ĐƠN


 

by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R., on Monday of June 1, 2020

 

 

“Anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình (alone).

Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha Ở VỚI Thầy” (Ga 16: 32)

 


 

Là một người trưởng thành bình thường, ai trong chúng ta cũng có những lúc rơi vào khoảng trống vắng. Khoảng trống vắng ấy theo tâm lý gọi là trạng thái cô đơn, cô độc.

 

 

Cô đơn hay cô độc (loneliness) là gì? Nó được mô tả như là một trạng thái rất phức tạp và thường đưa đến những khó chịu, cảm thấy trống vắng trong cõi lòng. Nó là một tình trạng của tâm hồn. Nó thường bao gồm những cảm giác bồn chồn lo lắng về sự thiếu hụt trong tương tác với những người xung quanh, cảm thấy bị lẻ loi, trống rỗng trong tâm hồn. 

 

 

Cô đơn không phải vì sống cô độc một mình về phương diện vật lý của không gian và thời gian. Vì lẽ, có thể ngay cả khi ai đó ở giữa đám đông nếu bị lẻ loi, bị ghẻ lạnh, không được thấu hiểu, sự hiện diện coi như bị lãng quên thì rất dễ rơi vào cô đơn, cô độc. Do vậy, cô đơn hay cô độc không phải vì sống một mình, không được bao quanh bởi những người thân, bạn bè… mà nó là khoảng trống trong tâm hồn không được LẤP ĐẦY hay tâm hồn KHÔNG CÓ AI HƯỚNG VÀO và KHÔNG CÓ AI ĐỂ HƯỚNG TỚI. Cô đơn, cô độc xảy ra khi không có sự liên hệ giữa nhân vị này với nhân vị kia và ngược lại (người này với người khác).

 

 

Khi ta KHÔNG được ai hướng tới (Đừng quên: Thiên Chúa luôn hướng tới và chăm sóc tahoặc ta KHÔNG hướng tới ai, tâm trạng trống rỗng rất dễ xảy đến. Khi đó sự cô đơn, cô độc là không tránh khỏi. Tâm trạng này không lệ thuộc vào không gian, thời gian, mà lệ thuộc sự có hay không trong sự liên hệ giữa các nhân vị (persons). Thế nên, có những người ở trong tù bị biệt giam nhiều năm (trường hợp Đức Hồng Y Thuận) mà vẫn không cô đơn cô độc. Vì lẽ, tâm hồn họ được ĐONG ĐẦY bởi tình yêu của NGƯỜI KHÁC (other self) đang hướng về. Trái lại, có những người sống giữa vinh quangtột đỉnh, và được vây quanh bởi nhiều người mà vẫn cô đơn (như trường hợp các ngôi sao điện ảnh nổi tiếng tự tử: Kate Spade, chết ngày 5 tháng 6 năm 2018, vì trầm kha; Jiah Khan, chết 3.6.2013, treo cổ tự tử; danh hài Robin Williams, tự sát ngày 11 tháng 8 năm 2014…). Vì lẽ, tâm hồn họ thiếu những người khác để hướng tới. Họ thiếu những tương quan nhân vị đích thật. Họ coi “nhân vị khác hay tha nhân là hoả ngục” (Jean Paul Sartre).

 

 

Chính vì con người sống bên nhau mà không đi vào trong tương quan liên vị (inter-persons) đích thật nên có sự cô đơn, lạc lõng giữa giòng đời. Cô đơn hay cô độc là rất thật! Thân phận người không sao tránh khỏi!

 

Vì đời con: tháng ngày tan thành khói,
xương tuỷ nóng ran như hoả lò.
Tim héo hắt tựa hồ cỏ giập,
nên chẳng còn tưởng đến miếng ăn.
Vì con những kêu gào rên rẩm
mà thân thể chỉ còn da bọc xương.
Con chẳng khác bồ nông miền sa mạc,
tựa như cú vọ chốn hoang tàn.
Suốt năm canh trằn trọc,
phận như chim lạc đàn đậu mái hiên (Tv 102: 4-8).

 

 

Chính Chúa Giêsu, trong vườn Cây Dầu, giữa lúc “sa mạc” của tâm hồn, đã rơi vào trạng thái cô đơn nên đã thốt lên: “Lạy Cha, sao Cha bỏ rơi con” (Mc 15: 34). Thế nên, mang thân phận con người, trong những lúc khủng hoảng, trạng thái cô đơn cô độc là có thật, là rất thật, là rất hiện sinh. Đối với những người “yêu sai chỗ mà chọn nhầm người” trong đời sống của họ rất dễ rơi vào khủng hoảng, trống vắng. Sống gần nhau mà không LẤP ĐẦY “khoảng trống” cho nhau thì tệ hại, kinh khủng hơn là ở xa. Có lẽ, đã từng rơi vào tâm trạng này nên nhà thơ T.T.Kh, trong bài thơ danh tiếng Hai Sắc Hoa Ti Gôn, đã than thở:


Từ đấy thu rồi, thu lại thu 
Lòng tôi còn giá đến bao giờ 
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ 
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ 

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời 
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi 
Mà từng thu chết, từng thu chết 
Vẫn giấu trong tim bóng một người.

 

 

Vì trạng thái cô đơn, cô độc là thật, rất thật trong kiếp nhân sinh, vậy làm thế nào để hết cô đơn, cô độc?

 

 

Chúa Giêsu trả lời: Ở VỚI THIÊN CHÚA! “Anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha HẰNG Ở VỚI Thầy” (Ga 16: 32). Tại sao Ở VỚI Thiên Chúa có thể khoả lấp nỗi trống vắng trong tâm hồn con người? 

 

 

Vì Thiên Chúa dựng lên con người, và đặt để trong con người một nỗi khát vọng VÔ BIÊN. Mang trong mình nỗi khát vọng VÔ BIÊN, nên các thọ tạo, với bản chất hữu hạn (the limitted nature) của nó không thể khoả lấp được nỗi khát vọng vô biên của cõi lòng sâu thẳm của con người. Do vậy, chỉ có Thiên Chúa, Đấng là VÔ BIÊN (the unlimitted Nature) mới có thể thoả mãn khát vọng vô biên của tâm hồn con người. Thánh Augustine đã kinh nghiệm sâu sắc điều này nên kêu gào lên rằng: “Lạy Chúa tâm hồn con khắc khoải khôn nguôi, nó chỉ được nghỉ yên bao lâu ở trong Chúa.” 

 

 

Bằng chứng: dựa vào sự phát triển của khoa học kỹ thuật, con người ngày nay đặt quá nhiều niềm hy vọng, tin tưởng “quyền năng của con người” (regnum hominis), nhưng hơn bao giờ hết con người thời nay lại sống trong cô độc, cô đơn, thất vọng, sợ hãi, hoang mang và lo âu. Họ đánh mất đi định hướng, ý nghĩa của cuộc đời vì nghĩ rằng “Thiên Chúa đã chết. Chúng tôi đã giết Người. Chúng tôi đã làm đám tang cho Người” (Niechze). Tuy nhiên, đối với các triết gia hiện sinh vô thần, một đàng vẫn kinh nghiệm thân phận mỏng giòn của mình (contingency), kinh nghiệm về sự bị cô độc, lẻ loi…, nhưng đồng thời lại không muốn tìm kiếm sự hỗ trợ đến từ Đấng Siêu Việt (the Transcendent). Vì họ sợ Đấng Siêu Việt sẽ tước đi sự tự do (freedom) làm điều phóng túng của họ. Khi khước từ, hay nói chính xác hơn là làm lơ trước tiếng nói sâu thẳm của Đấng VÔ BIÊN, một đàng với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật con người được cho là sống thoải mái hơn, nhưng đồng thời họ lại kinh nghiệm về sự mất mát cái bản ngã thật (his true self) của họ (xem Heidegger, Vortrage und Aufsatze, Pfullingen, 1954, p.35). Do vậy, để khoả lấp được những thao thức, những trăn trở của kiếp người thì con người phải MỞ RA để cho Đấng VÔ BIÊN tràn vào. Vì lẽ, chỉ ở trong Thiên Chúa mà thôi, thì hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.

 

Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,

này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn.

Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến,

duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,

là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng.

Nhờ Thiên Chúa, tôi được cứu độ và vinh quang,

Người là núi đá vững vàng,

ở bên Thiên Chúa tôi hằng ẩn thân (Tv 62: 6-8).

 

 

Cùng Suy Nghĩ và Hành Động: Đức Đáng Kính, Đức Cha Fulton Sheen, nói: “bạn phải nhớ rằng YÊU người và SỬ DỤNG đồ vật hơn là YÊU đồ vật và SỬ DỤNG con người” (You must remember to LOVE people and USE things, rather than to love things and use people)Bạn đã từng kinh nghiệm về sự bám víu của mình, hay ai đó vào vật (things) thay vì con người (person) đã đưa đến khủng hoảng, cô đơn ... trống trải chưa? Bạn có để cho Thiên Chúa ùa vào bạn khi khủng hoảng, cô đơn, thất vọng không?

 

 

Linh Mục Quảng Trần, C.Ss.R.