7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Thư Của Đức Tổng Giám Mục Paul D. Etienne: Công Trình Cứu Chuộc - Tổng Giáo Phận Seatte Xác Tín và Sống Bí Tích Thánh Thể


Công Trình Cứu Chuộc


Tổng Giáo Phận Seatte Xác Tín và Sống Bí Tích Thánh Thể


Dẫn nhập

Trong năm đầu tiên thực thi sứ vụ tại Tổng Giáo phận Seattle, tôi đã cử hành Thánh lễ tại nhiều giáo xứ và giáo điểm. Đến đâu, tôi cũng được gặp các cộng đoàn tín hữu năng động, tràn đầy niềm tin. Các giáo xứ của chúng ta, dù lớn hay nhỏ, thành thị hay nông thôn, cũng đều rất chăm sóc và quan tâm đến các buổi cử hành phụng vụ. Đơn giản là vì: “Giáo Hội tiếp nhận sự sống từ Thánh Thể.”1 Thánh Thể là trung tâm đời sống chúng ta, cho toàn Giáo hội, cũng như mỗi tín hữu. Quả thật, chúng ta không thể sống mà không có Thánh Thể.


Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi khía cạnh đời sống, trong đó có đời sống thờ phượng của chúng ta. Đối với người Công giáo chúng ta, đại dịch cùng với lệnh “không có Thánh lễ”, đã mở ra một cách nhìn mới về thế nào là trung tâm của cử hành Thánh Thể đối với chúng ta trong tư cách là Hội Thánh và là cộng đoàn. Ngay cả khi không được quy tụ về thể lý, chúng ta vẫn có thể quy tụ với nhau trong tinh thần: Các giáo xứ vẫn tiếp tục đặt việc cử hành Thánh Thể lên hàng đầu của đời sống Giáo xứ qua việc truyền hình trực tiếp trên mạng xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận ra, có lẽ trước đây chưa bao giờ nghĩ đến, rằng không gì thay thế được việc cùng nhau quy tụ cử hành Thánh Thể, và đón nhận bí tích Mình và Máu Thánh Chúa Kitô như một phần đời sống của cộng đoàn tín hữu.


Khi kết thúc năm đầu tiên của mình tại Tổng Giáo phận Seattle, tôi mời gọi tất cả mọi người thuộc Giáo hội địa phương này hướng vào việc đổi mới trọng tâm đức tin và trung tâm đời sống giáo xứ của mình: Thánh Thể. Thánh Thể là nguồn ân sủng không bao giờ cạn, là Mầu nhiệm Vượt Qua sự chết và phục sinh của Chúa Kitô mỗi ngày được đổi mới để chúng ta và toàn thể thế giới được ơn cứu độ. Thánh Thể là sự hiện diện sống động của Chúa Kitô ở giữa chúng ta. Sự hiện diện đó phải làm chúng ta thay đổi: Đón nhận Mình Chúa Kitô, chúng ta trở nên Thân Thể Chúa Kitô. Thánh Thể kết hiệp chúng ta với Chúa Kitô, trong Chúa Kitô và với nhau. Rồi Thánh Thể ký thác chúng ta cho người nghèo, sai chúng ta đi phục vụ và yêu thương.


Khi nói đến Bí tích Thánh Thể, chúng ta có thể đi sâu hơn. Cho dù chúng ta đã dành nhiều năm để khám phá thần học về Thánh Thể, hoặc vẫn đang chuẩn bị để được Rước lễ lần đầu, chúng ta vẫn luôn còn nhiều điều để khám phá về Bí tích Thánh Thể. Và dù nguồn lực của các cộng đoàn giáo xứ ra sao, việc cử hành phụng vụ của chúng ta vẫn có thể được cải thiện, miễn là chúng ta lưu tâm và chăm sóc, nhằm thể hiện một cách rõ ràng hơn hình ảnh Đức Kitô, Đấng thực sự chủ tọa mọi cử hành Thánh Thể. Trong năm tới đây, tôi xin mỗi anh chị em tín hữu Công giáo và mọi cộng đoàn giáo xứ hãy hăng say tìm hiểu và cảm nghiệm sâu hơn nữa về Thánh Thể, và củng cố việc cử hành phụng vụ Thánh Thể của chúng ta.


Trong tinh thần khích lệ, và với niềm ước mong cho sự hiệp nhất quanh bàn thờ Chúa được sâu sắc và hữu hình hơn, tôi xin chia sẻ lá thư mục vụ này về bí tích Thánh Thể và công bố Năm Thánh Thể cho Tổng Giáo phận Seattle. Tôi hy vọng những suy tư dưới đây sẽ giúp mang lại hướng dẫn thiết thực cho những tháng sắp tới.


Phụng Vụ và Công trình Cứu Chuộc


Trong phần mở đầu hiến chế Phụng vụ Thánh của Công đồng Vatican II (1963), chúng ta đọc thấy:


Nhờ Phụng Vụ, nhất là trong hiến tế tạ ơn, mà "công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện". Phụng Vụ góp phần rất nhiều để giúp các tín hữu đem cuộc sống mình diễn tả và biểu lộ cho những người khác mầu nhiệm Chúa Kitô và bản chất đích thực của Giáo Hội chân chính.2


Nhờ Mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Kitô, Thiên Chúa đã cứu chuộc chúng ta. Đây là trọng tâm của Tin Mừng mà các tông đồ đã công bố và tin mừng này Giáo hội ngày nay đang loan báo. 3 Đây là ơn Chúa ban nhưng không, mang lại ý nghĩa cho cuộc đời chúng ta: Quả thật, “chúng ta sinh ra có ích gì, nếu không được cứu chuộc.” 4 Và qua phụng vụ, công trình cứu chuộc lớn lao này vẫn tiếp diễn. Khi Giáo hội quy tụ cử hành Thánh Thể, luôn diễn ra điều này: Chúa Kitô, thực sự hiện diện, hành động qua, với và cho chúng ta, công cuộc cứu chuộc vẫn tiếp tục.


Trong đoạn trích ngắn trên đây từ Hiến chế Phụng vụ Thánh, có nhiều điều để suy gẫm. Tôi muốn nhấn mạnh ba điểm giúp chúng ta tập trung vào sứ vụ, đặc biệt trong những tháng tới khi chúng ta lên kế hoạch mục vụ của Tổng Giáo Phận.


1.     Người tín hữu diễn tả mầu nhiệm Chúa Kitô. Phụng vụ không phải là việc của linh mục, còn mọi người thì đón nhận cách thụ động. Là người tín hữu Công giáo, phụng vụ là ngôn ngữ của chúng ta. Tụ họp để cử hành phụng vụ ngày Chúa nhật là phương cách chính để chúng ta biết Chúa Kitô và diễn tả mầu nhiệm đó qua việc dâng thời giờ và lòng mộ mến của mình. Mặt khác, việc chúng ta quy tụ nói lên mầu nhiệm Chúa Kitô đang hành động qua chúng ta trong thế giới hôm nay. Nhờ việc tham gia có ý thức bí tích Thánh Thể, chúng ta học biết sống hiệp thông gần gũi hơn với Chúa Kitô.


2.     Người tín hữu biểu lộ mầu nhiệm Chúa Kitô cho mọi người. Sống sự hiệp thông gần gũi hơn với Chúa Kitô, chúng ta biểu lộ sự hiện diện của Người với tất cả những ai chúng ta gặp gỡ. Công cuộc Phúc âm hóa, chia sẻ niềm vui được gặp gỡ Đức Kitô, là phận sự của mỗi Kitô hữu. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết, “Tất cả các tín hữu đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, dù ở vị trí nào trong Giáo hội hay trình độ giáo lý ra sao, đều là những tác nhân của công cuộc Phúc âm hóa, và sẽ bất cập nếu chỉ nhắm đến một kế hoạch truyền giáo do các chuyên gia thực hiện, còn các tín hữu thì chỉ tham gia cách thụ động. Việc tân Phúc âm hoá mời gọi mọi người đã được rửa tội hãy tham gia vào công cuộc này. Ngày nay, thách đố được đặt ra cho mỗi Kitô hữu là phải tích cực tham gia vào công cuộc truyền giáo; quả thật, bất cứ ai đã thực sự cảm nhận tình yêu cứu độ của Thiên Chúa sẽ không cần nhiều thời gian và được huấn luyện lâu dài để ra đi loan báo tình yêu đó.”5 Đây là ý nghĩa của cụm từ “người môn đệ thừa sai”: Chúng ta được sai đi với sứ mạng loan báo Tin Mừng cho mọi người, vì chúng ta không hề ngừng làm môn đệ, bước theo Chúa. Cách chúng ta loan báo Tin Mừng hữu hiệu nhất là thực sự làm chứng bằng cuộc sống.


3.     Người tín hữu nói lên bản chất thực sự của Giáo hội chân đích thực. Điều này có nghĩa gì? Nghĩa là các tín hữu, tất cả chúng ta, là Giáo hội. Giáo hội không chỉ đơn thuần là một định chế; một cơ sở. Giáo hội là Thân Thể Chúa Kitô, hiện diện trong mỗi thành viên, sống và năng động, nơi trần gian hay trên thiên quốc. Khi cộng đoàn quy tụ xung quanh bàn thờ để cử hành Thánh Thể, chúng ta bước đầu nhận ra Giáo hội đích thực là gì: “vừa nhân loại vừa thần linh, vừa hữu hình và hàm chứa những thực tại vô hình, vừa nhiệt thành hoạt động vừa chiêm niệm, và những gì hiện tại phải hướng về thành đô tương lai là nơi chúng ta đang tìm kiếm.” 6


Trong phụng vụ, công trình cứu chuộc chúng ta đang diễn ra ngay bây giờ. Qua phụng vụ, Thiên Chúa kêu gọi và làm cho chúng ta trở nên những môn đệ truyền giáo. Đó là lý do vì sao việc tham dự của chúng ta có một ý nghĩa rất quan trọng:


Vì thế, Giáo Hội luôn quan tâm lo giúp các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khán giả xa lạ và nín lặng, nhưng là những người thấu hiểu mầu nhiệm nhờ các nghi lễ và kinh nguyện, tham gia vào thánh lễ cách ý thức, thành kính và tích cực: được Lời Chúa giáo huấn; được bàn tiệc Mình Chúa bổ sức; dâng lời tạ ơn Chúa; và không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài để dâng lễ vật tinh tuyền, họ tập dâng hiến chính mình.” 7


       Khi đến cử hành phụng vụ, không những chỉ có mặt, vì chúng ta không thể “như những khán giả nín lặng” hay như những khách hàng, mà còn là những cộng sự viên nhiệt thành của Chúa Kitô trong công trình cứu độ linh thánh. Việc tham gia tích cực của chúng ta trong phụng vụ phản ánh sự tham gia tích cực vào sứ mạng của Chúa Kitô. Khi thường xuyên quy tụ để cử hành phụng vụ, chúng ta cảm nghiệm được sự tự hiến của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể. Ngay cả khi chia sẻ hoa trái tình yêu hiến tế của Chúa, chúng ta được mời gọi làm cho tình yêu đó trở nên kiểu mẫu cho đời sống của mình: Chúng ta được kêu gọi hiến mình cho tha nhân. Phụng vụ không chỉ là kiểu mẫu cho cuộc đời chúng ta, mà còn đào luyện chúng ta sống đời sống hàng ngày theo khuôn mẫu tình yêu hiến tế của Chúa Kitô.


Cách sống này được ghi lại tuyệt đẹp trong lời kinh Dâng Mình Khi Thức Dậy: “Lạy Chúa Giêsu, con nhờ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Bà Maria, mà dâng lên Trái Tim Chúa mọi lời con cầu xin, mọi việc con làm, mọi niềm vui và sự khó con chịu trong ngày hôm nay … khi dâng mình tế lễ trên bàn thờ.” Sự sống thần linh của Chúa Kitô thông ban cho chúng ta qua bí tích thánh tẩy được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể, nhờ đó chúng ta có thể hoàn tất sứ mạng của Chúa Kitô trong đời sống của mình. Sự sống của người Công giáo là sự sống Thánh Thể. Cũng vậy, chúng ta được chúc phúc, được bẻ ra, được nhân lên, và được chia sẻ để mọi người có thể nhận biết Chúa Giêsu Kitô (x. Gioan 6:1-15). Đức tin của chúng ta phải đi vào từng khía cạnh cuộc sống của mình, bởi đối với chúng ta là những người Công giáo, chúng ta không còn sống cho chính mình, mà là Đức Kitô sống trong chúng ta (x. Ga-lát 2:20).


Trong việc giúp các tín hữu thực hiện vai trò quan trọng của họ trong phụng vụ, và đem áp dụng vào cuộc sống hàng ngày, những trọng trách ấy được trao phó cho các mục tử. “Các mục tử không chỉ chú tâm tuân giữ các quy luật trong các hành vi phụng vụ để cử hành thành sự và hợp pháp, mà còn phải làm cho các tín hữu tham dự Phụng Vụ một cách ý thức, tích cực và sinh nhiều hoa trái.”8 Trong cách cử hành phụng vụ (ars celebrandi) cũng như trong việc huấn luyện cộng đoàn giáo xứ, các mục tử có một trách nhiệm đặc biệt trong việc giúp mỗi người tín hữu Công giáo tham gia cách đầy đủ, ý thức và tích cực vào Thánh lễ, đồng thời giúp họ sống tinh 6 Hiến chế Phụng Vụ Thánh, 2. 7 Hiến chế Phụng Vụ Thánh, 48. 8 Hiến chế Phụng Vụ Thánh, 11. thần phụng vụ trong đời sống hàng ngày của mình. Vì mầu nhiệm chúng ta cử hành trong mỗi Thánh lễ đều là mầu nhiệm sự sống của từng Kitô hữu.


Việc nhận biết Đức Kitô là Chiên Vượt Qua đã hiến mình cho chúng ta khiến chúng ta coi khoảnh khắc tự hiến tế của Ngài như là sự khởi đầu cuộc sống của chính chúng ta. Như chúng ta đã lưu ý, việc Chúa Kitô hiến mình cho chúng ta khi chúng ta ý thức ân huệ này và hiểu sự sống được trao ban cho chúng ta là nhờ hy lễ này. Khi đã hiểu điều đó, chúng ta nên đi vào sự sống mới này với tất cả nhiệt tâm và không bao giờ quay về cuộc sống cũ, bây giờ đã kết thúc. Như lời Kinh Thánh nói: Chúng ta đã chết đối với tội lỗi – làm sao chúng ta có thể tiếp tục sống trong nó nữa? 9


Thánh Lễ là Cầu Nguyện: Đón Nhận Lời Thiên Chúa


Thánh lễ là lời cầu nguyện tuyệt vời nhất của chúng ta, nguồn phát sinh và là tột đỉnh của cuộc sống người Kitô hữu. Nơi đây là cả một sự phong phú vô tận; chúng ta có thể “chìm sâu” vào chiêm niệm tại rất nhiều khoảnh khắc trong Thánh Lễ. Điều này cho thấy mầu nhiệm và bản chất vô hạn của Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta gặp gỡ trong phụng vụ. Tới đây, tôi muốn dừng lại và suy gẫm một vài điểm.


Trong Hiến chế Phụng vụ Thánh, các nghị phụ Công đồng Vatican II đã phát biểu hùng hồn về sự hiện diện của Chúa Kitô trong Phụng vụ. Quả thật, các nghị phụ không những nói đến “sự hiện diện” mà còn đề cập những hiện diện. Chúa Kitô hiện diện trong bốn cách thế khi chúng ta quy tụ để cử hành Thánh Lễ. Ngài hiện diện trong cộng đoàn, vì “ở đâu có hai, ba người họp lại nhân danh Thày, thì có Thày ở giữa họ” (Mt 18:20). Người hiện diện trong vị linh mục, Người hành động trong chính con người linh mục khi linh mục cử hành Thánh Lễ. Người hiện diện trong Lời được công bố. Và trong cách thế đặc biệt nhất, Người hiện diện trong Thánh Thể, bí tích Mình và Máu Thánh Người. Thực vậy, khi chúng ta cử hành Thánh Lễ, chúng ta có thể cầu nguyện với lời kinh quen thuộc như kinh thánh Patrixiô, “Chúa Kitô ở với tôi, phía trước tôi, phía sau tôi và Người ở trong tôi.”


Giáo hội không bao giờ cử hành Thánh Thể mà không mở đầu bằng Thánh Kinh, Lời mặc khải của Thiên Chúa. Hầu hết các ngày Chúa nhật, các bài đọc đưa chúng ta đọc qua trần thuật về kế hoạch của Thiên Chúa, từ lời hứa trong Cựu Ước, xuyên qua việc thực hiện lời hứa ấy trong Tân Ước. Qua các bản văn tường thuật trong Cựu Ước và các tác phẩm của những vị ngôn sứ, chúng ta nhận thấy tình yêu thương và sự chăm sóc của Thiên Chúa đối với loài người khi Thiên Chúa chuẩn bị con đường cho Đức Kitô đến. Sách Thánh Vịnh là sách cầu nguyện của Dân Do Thái, và đó cũng là sách cầu nguyện cho chúng ta nữa. Bài đọc hai trong Tân Ước, kể cho chúng ta về sự đấu tranh của Giáo hội thời sơ khai để loan báo công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu. Và bài đọc Tin Mừng là “đỉnh cao của Phụng vụ Lời Chúa,”10 vì trong bài Tin Mừng chính Chúa Kitô nói, và Giáo hội nghe bài Tin Mừng như “chính tiếng nói của Chàng Rể.”11


Tuy nhiên Phụng vụ Lời Chúa không phải nói về quá khứ, mà nói về hiện tại. Khi Kinh Thánh được công bố trong cộng đoàn Hội Thánh, “Thiên Chúa nói với Dân của Người, mở ra cho họ mầu nhiệm cứu chuộc và ơn cứu độ, và trao ban của ăn nuôi dưỡng tinh thần; chính Chúa Kitô hiện diện trong Lời của Người ngay giữa các tín hữu.”12 Khi chúng ta để cho chính mình lắng nghe, thực sự lắng nghe những gì Kinh Thánh đang nói với chúng ta trong cuộc sống và nói với thực tại chúng ta đang sống, thì những điều phi thường có thể xảy ra. Khi thành tâm suy gẫm về cuộc sống của mình và những thách đố đang phải đối diện trong xã hội dưới ánh sáng Tin Mừng, chúng ta đang mở lòng đón nhận quyền năng biến đổi của Thiên Chúa.


Thánh Lễ là Cầu Nguyện: Đón Nhận Lời Thiên Chúa


Trong phần Phụng vụ Thánh Thể, chúng ta tiếp tục cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Kinh nguyện Thánh Thể được linh mục đọc thay mặt toàn thể cộng đoàn. Tất cả chúng ta, với tư cách thành viên dân tư tế của Thiên Chúa, cùng nhau dâng kinh nguyện này lên Chúa Cha. Chúng ta đem đến trước nhan Thiên Chúa thế giới và mọi hoạt động của nó, bằng cách đem cuộc sống của chính chúng ta dâng lên cùng với bánh và rượu để được biến đổi. Trong lời nguyện chuẩn bị bánh và rượu, linh mục cầu xin Thiên Chúa đón nhận “hoa màu ruộng đất và công lao của con người.” Khi chúng ta dâng công việc do bàn tay chúng ta làm ra – tình yêu và sức lao động hàng ngày của mình, niềm vui và nỗi buồn của gia đình, những nhu cầu của chính mình cũng như của cộng đoàn và quốc gia – Thiên Chúa nhận lấy tất cả của lễ này và biến đổi chúng.


Bánh và rượu chúng ta dâng lên Chúa được ban lại cho chính chúng ta, để trở nên lương thực thiên quốc cho chúng ta, trở nên Mình và Máu thật của Chúa Kitô. Lễ vật hiến tế của Chúa Kitô, được dâng lên một lần thay cho tất cả trên thập giá, được làm mới lại trong mầu nhiệm này, và qua việc chia sẻ Thánh Thể, chúng ta tham dự vào cùng một hy lễ ấy. Sự hiện diện của Chúa Kitô trong bí tích này không chỉ đơn thuần là một diễn tả mang tính biểu tượng sự hiệp nhất của chúng ta như một cộng đoàn, hay như một lời nhắc nhở về tình yêu của Ngài. Trong Thánh Thể, cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô trở nên hữu hình, và Chúa Kitô thực sự hiện diện ở giữa chúng ta: mình, máu, linh hồn và thiên tính. Chúng ta gọi sự hiện diện này là “Hiện Diện Đích Thực.” Khi Rước Lễ, chúng ta thực sự thông phần vào Mình và Máu Chúa, đã được dâng lên để cứu độ chúng ta. Chúng ta hiệp nhất với Chúa Kitô, và qua sự chia sẻ của chúng ta trong mầu nhiệm này, chúng ta hiệp nhất với nhau.


Sống đời sống Thánh Thể không hề là điều dễ dàng. Lần đầu tiên Chúa Giêsu công bố mầu nhiệm này với các môn đệ, đã có một vài người bị vấp phạm: “Vì điều này, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa” (Gioan 6:66). Thời đại chúng ta đang sống đặt ra những thách đố đặc biệt đối với đức tin. Chúng ta sống trong nền văn hoá hầu như đã lãng quên Thiên Chúa. Đức tin thường được coi là một di tích bụi bặm của một thời đã qua, và hơn nữa Giáo hội cũng chỉ là một tổ chức bất toàn của con người. Những thái độ này thấm nhập vào văn hoá chúng ta và có thể có tác động trên đời sống đức tin của chúng ta, làm xói mòn hình ảnh mang tính bí tích và làm chúng ta khó nhận ra Sự Hiện Diện Đích Thực của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể và trong thế giới xung quanh chúng ta.


Nhưng chúng ta biết Thánh Thể là sự Hiện Diện Đích Thực của Chúa Kitô trong các nhà thờ và trong cuộc sống chúng ta, và mầu nhiệm này là trục của lịch sử. Chúng ta cần nuôi dưỡng – hay tái khám phá – “sự sửng sốt trước bí tích Thánh Thể”, cụm từ được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II sử dụng. 13 Thánh Thể là đá góc tường của tất cả những gì chúng ta làm: là nguồn gốc từ đó chúng ta rút ra bản sắc của mình với tư cách cộng đoàn những kẻ tin, là chóp đỉnh mọi việc làm và sự phục vụ của chúng ta hướng tới.


Việc Chầu Thánh Thể phát sinh cách tự nhiên từ cảm nghiệm của chúng ta về Thánh Thể trong Thánh Lễ. Như Đức Viện phụ Jeremy Driscoll, OSB (Dòng Biển Đức) đã nói, việc Đặt Mình Thánh để Chầu Thánh Thể giống như “hình ảnh tái hiện” cử chỉ nâng Mình Thánh, Máu Thánh Chúa Kitô lúc Truyền phép trong Thánh lễ. Phụng vụ chuyển biến rất nhanh. Thời gian sự  hiện diện của Bí tích Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, cho dù trong nhà tạm hay nơi Mặt Nhật đều cho phép chúng ta hấp thụ và tiếp nhận tất cả mầu nhiệm này. Thánh Lễ là hành động của Thiên Chúa trong tạo dựng, huấn luyện và cứu dân Người. Chầu Thánh Thể đặt chúng ta trước thực tại của công trình cứu chuộc chúng ta đã được Chúa Kitô hoàn tất. Giáo hội nhắm mục đích cho việc Chầu Thánh Thể là phải luôn luôn đặt trong mối tương quan với cử hành bí tích Thánh Thể trong Thánh lễ.


Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của thời gian dành cho việc Chầu Thánh Thể đối với sứ mạng của Hội Thánh: “Nếu không có những thời khắc lâu để thờ phượng, gặp gỡ Lời Chúa với tinh thần cầu nguyện, trò chuyện chân thành với Chúa, công việc của chúng ta dễ dàng trở thành vô nghĩa; không còn năng lượng dẫn đến những mệt mỏi và nguội lạnh, rồi nhiệt huyết của chúng ta tắt dần. Hội Thánh rất cần hít thở thật sâu bầu khí cầu nguyện.”14 Những khoảnh khắc quỳ gối trước Thánh Thể, một mình với Chúa, là quý giá và quan trọng. Nhưng, Đức Giáo hoàng tiếp, “Luôn luôn có nguy cơ lấy lý do dành thời giờ cầu nguyện để thoái thác việc dâng hiến cuộc đời cho công cuộc truyền giáo; lối sống cá nhân có thể khiến người Kitô hữu tìm cách trốn tránh trong một số hình thức linh đạo sai lạc.”15 Thời giờ chúng ta dành cho việc thờ phượng phải luôn tuôn tràn vào cuộc sống và hành động chúng ta, kéo chúng ta vào sâu hơn sự kết hiệp với Chúa Kitô và tha nhân. “Các vị thánh - chúng ta nhớ đến mẫu gương của chân phước Têrêsa thành Calcutta – không ngừng canh tân khả năng yêu thương của các ngài đối với tha nhân từ việc gặp gỡ Chúa trong Bí tích Thánh Thể và ngược lại sự gặp gỡ này giúp các ngài gặt hái được những thành quả và chiều sâu trong việc phục vụ tha nhân.” 16


Tôi rất ấn tượng về một trang nhật ký của vị tiền nhiệm đáng kính, Đức cha A.M.A. Blanchet, vị giám mục đầu tiên của giáo phận này. Giáo phận được thiết lập ngày 31 tháng 5, 1850, nhưng trong nhật ký của mình, Đức cha Blanchet lại chú ý nhiều hơn đến một ngày khác– ngày 23 tháng Giêng, 1851. Đó là lần đầu tiên Mình Thánh Chúa được cất giữ trong nhà tạm của Nhà thờ Chính tòa Thánh Giacôbê (St. James), đó là một nhà thờ khung gỗ đơn giản gần Fort Vancouver. Giám mục Blanchet viết, “Mình Thánh Chúa được đặt trong nhà tạm. Nhà thờ, sau này được cung hiến dâng kính thánh Giacôbê (St. James), tại thời điểm này, thực sự là Nhà của Thiên Chúa và là Cửa Thiên Đàng. Bây giờ chúng ta có thể nói, Thiên Chúa thánh hoá ngôi nhà này được xây dựng để thiết lập Danh Ngài ở đây, và con mắt, trái tim của Chúa sẽ luôn ở nơi đây.” Giám mục Blanchet biết rằng Thánh Thể là sự hiện diện liên lỉ của Chúa Kitô ở giữa chúng ta. Chúa Kitô vẫn hiện diện giữa chúng ta trong bí tích Thánh Thể hôm nay, và sự hiện diện này tiếp tục củng cố tất cả những gì làm nên chúng ta và mọi việc chúng ta thực hiện tại Tổng giáo phận này.


Một Màu Nhiệm Cả Thể


Có điều gì thật cả thể, thì đó chính là Thánh lễ. “Ngay cả khi Thánh lễ được cử hành trên một bàn thờ khiêm nhường của một nhà thờ miền quê, thì một cách nào đó, vẫn luôn đang được cử hành trên bàn thờ của thế giới. Bí tích Thánh Thể nối kết trời và đất. Thánh Thể ôm lấy và thấm nhập toàn thể thọ tạo.”17 Thánh Thể bao gồm cả nhân tính và thiên tính, trần thế và thiên quốc. Trong bí tích Thánh Thể, như trong mầu nhiệm Nhập Thể, trời và đất gặp gỡ nhau: “Đi đến tột đỉnh của mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa chạm đến chiều sâu tận cùng của chúng ta qua một mảnh nhỏ của vật chất. Người không đến từ bên trên, nhưng từ bên trong, để chúng ta có thể gặp gỡ Người trong thế giới của chúng ta. Trong bí tích Thánh Thể, sự viên mãn đã được hoàn tất; đó là trung tâm sống động của vũ trụ, tràn đầy tình yêu và sự sống bất diệt. Kết hợp với Ngôi Con Nhập Thể đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể, toàn thể vũ trụ tạ ơn Thiên Chúa. Thật vậy, bản thân bí tích Thánh Thể là một hành động tình yêu mang tính vũ trụ.”18


Thánh Thể củng cố đời sống nội tâm của chúng ta, đồng thời đưa chúng ta vượt xa hơn để đi vào mối tương quan sâu xa với Thiên Chúa. Của ăn thiên đàng này gia tăng sức mạnh cho chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế cho đến khi chúng ta tìm thấy ngôi nhà đích thực của mình trên thiên quốc. Gần đây tôi có nhận được một ghi chép đáng yêu từ một trong các nữ tu của chúng ta, người đã đưa ra lời nhận xét ngắn gọn này: “Nhà chúng ta không ở đây. Nhà chúng ta ở trên thiên đàng, và thiên đàng thì tìm thấy trong bí tích Thánh Thể.”


Trên trần gian không gì sánh được với Thánh Thể: Mọi so sánh đều bất cập! Đây là của ăn, của uống, nhưng khác hẳn với của ăn và của uống khác. Đây là bữa ăn được chia sẻ, khác với mọi bữa ăn khác. Trong bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa nhận lấy sự khiêm tốn nhất của lễ vật trần thế chúng ta – bánh và rượu – và biến đổi chúng thành điều phi thường, là chính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Trong sự hiện diện của mầu nhiệm tuyệt vời này, tất cả những gì chúng ta có thể làm là khiêm tốn đến gần Thiên Chúa để lãnh nhận điều Ngài muốn ban cho chúng ta.


Chúng ta hy vọng mang theo những gì khi đến với Thánh lễ ngày Chúa nhật? Chúng ta nghĩ sẽ mang đến lời chào đón nồng ấm, bài hát hay, bài giảng xuất sắc (không quá dài), và phụng vụ được cử hành trang nghiêm và cung kính, hợp thời và nhẹ nhàng. Đúng là như thế, tất cả điều này đều quan trọng. Tuy nhiên, không gì quan trọng bằng cuộc gặp gỡ Thánh Thể của chúng ta với Chúa Kitô, điều này phải là trọng tâm của công việc mục vụ, của đời sống giáo xứ và đời sống đức tin hằng ngày của chúng ta. Như vậy, phụng vụ thực sự ở trong các cộng đoàn chúng ta “ là tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Giáo hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo hội.”19 Thánh Thể làm chúng ta mạnh sức và “lôi kéo người tín hữu vào trong tình yêu cuốn hút của Chúa Kitô và làm cho họ bừng cháy,” làm gia tăng động lực cho mọi hoạt động của giáo xứ, điều này sau đó phải hướng chúng ta trở lại với Thánh Thể để dâng lời chúc tụng và tạ ơn.


Thách đố đối với việc Hiệp Nhất


Thánh Phaolô từng nặng lời với tín hữu Cô-rin-tô đang chia rẽ vì óc bè phái. Thánh nhân rất đau đớn trước tình trạng chia rẽ này, rõ ràng nhất là khi họp nhau cử hành Thánh Thể: “Tôi nghe nói rằng khi họp cộng đoàn, anh em chia rẽ nhau… Tôi phải nói gì với anh em? Chẳng lẽ tôi khen anh em sao?” (1 Cr 11:18, 22). Chúng ta biết vẫn có sự chia rẽ trong Hội Thánh ngày nay. Thay vì nhận ra sự hiệp nhất đặt nền tảng nơi Thân Mình Chúa Kitô, thì một vài người Công giáo làm tăng thêm sự chia rẽ này bằng cách loại trừ hay thậm chí phỉ báng người khác. Phụng vụ cũng có thể dễ dàng trở thành một bãi chiến trường tranh luận về lý thuyết, khi có những người khăng khăng cho rằng cách làm của mình tốt hơn hoặc chỉ có mình mới đúng. Điều đó cho thấy Giáo hội chẳng khác một thể chế của loài người mà chúng ta có thể định hình theo suy nghĩ của mình. Nhưng Giáo hội là một mầu nhiệm, qua đó Thiên Chúa gọt giũa, đào luyện chúng ta thành dân thánh của Người. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đề cập điều này: “Chúng ta không ngừng bị cám dỗ uốn bí tích Thánh Thể theo kích thước riêng của chúng ta, trong khi đó, thực sự chúng ta phải mở lòng đón nhận những chiều kích của Mầu Nhiệm này”20 Khi chúng ta cử hành bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa huấn luyện chúng ta trở thành gia đình của Thiên Chúa, nhờ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu. Đó không phải là công việc của chúng ta, mà là của Thiên Chúa: “Xin Chúa thương nhận lời cầu của gia đình mà Chúa đã muốn tụ họp trước Tôn Nhan Chúa đây.”21


Là Giáo hội địa phương, hiệp nhất là mục tiêu trổi vượt hơn nhiều mục tiêu khác. Hiệp nhất là điều thiết yếu cho công cuộc truyền giáo. Vào đêm trước khi chịu chết, Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ, Người mong cho chúng ta được hiệp nhất: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.” (Gioan 17:20-21) Hiệu quả chứng từ của chúng ta tùy thuộc vào sự hiệp nhất. Không lúc nào sự hiệp nhất lại có ý nghĩa quan trọng hơn khi chúng ta cử hành Thánh Thể.

Khi cùng nhau kết đoàn làm nên một thân thể .

Lo sao đừng chia rẽ, sống hòa thuận bình an.

Đừng tranh chấp kêu ca, chớ nặng lời cãi cọ.

Nguyện Kitô Đức Chúa hằng ngự giữa chúng ta.22

 


Hiệp nhất không dễ dàng. Hiệp nhất đòi hỏi cho và nhận. Đức Giáo hoàng Bê-nê-đic-tô XVI viết, “Hiệp nhất với Chúa Kitô cũng là hiệp nhất với những người mà Chúa đã hiến mình cho họ. Tôi không thể sở hữu Đức Kitô chỉ cho bản thân mình; tôi chỉ có thể thuộc về Người khi kết hợp với tất cả những ai đã hoặc sẽ trở nên kẻ thuộc về Người. Sự kết hiệp kéo tôi ra khỏi chính mình về với Chúa, và như thế cũng hướng về sự hiệp nhất với tất cả các Kitô hữu khác.”23 Sự kết hiệp với Đức Kitô mà chúng ta cảm nghiệm khi tham dự Thánh lễ và Rước lễ hoàn toàn không chỉ là kết hiệp giữa Chúa và bản thân mình, vì Thánh Lễ không phải là sự sùng mộ mang tính chất cá nhân nhưng là một lời cầu nguyện chung. Vì lý do đó, các cuộc cử hành Thánh Thể của chúng ta không nên mang dấu ấn những biểu lộ của lòng sùng mộ mang tính chất riêng tư, mà bằng sự hiệp nhất.


Các bài ca, lời đáp, các tư thế chúng ta thực hiện trong Thánh Lễ - đứng, cúi đầu, quỳ gối – là những dấu chỉ rất quan trọng của sự hiệp nhất đó, và hơn nữa: Chúng thực sự có thể giúp xây dựng sự hiệp nhất mà chúng ta tìm kiếm. Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma nói với chúng ta rằng bài ca nhập lễ không những dẫn vào cử hành, mà còn “giúp cho các tín hữu đang tụ họp được hiệp thông với nhau.”24 Tương tự, “Ðiệu bộ chung mà mọi người tham dự phải giữ là dấu chỉ của sự hợp nhất giữa các thành phần của cộng đoàn Kitô hữu đang quy tụ để cử hành Phụng Vụ Thánh: nó biểu lộ và khích lệ tâm hồn cũng như tình cảm của các người tham dự.”25 Khi chúng ta tụ họp để cử hành Thánh Lễ, những gì chúng ta làm với tư cách cộng đoàn thực sự quan trọng. Các nghi thức trong Thánh Lễ, như khi linh mục bẻ bánh, nhắc chúng ta nhớ điều này. Một tấm bánh được bẻ ra thành nhiều phần nhỏ, để nhiều người có thể trở nên một thân thể Chúa Kitô. Thánh Phaolô viết, “Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10:17).

Sự hiệp nhất của chúng ta phải vươn ra ngoài cộng đoàn giáo xứ của mình. Khi cử hành Thánh Lễ, chúng ta là một phần của Giáo hội rộng lớn hơn – là Giáo hội địa phương ở đây, Tổng Giáo phận Seattle, và Giáo hội trên toàn thế giới. Vào thời Giáo Hội sơ khai tại Rôma, sự hiệp nhất này được diễn tả trong một nghi thức độc đáo, không còn dùng trong Thánh Lễ, gọi là fragmentum - chia phần tấm bánh. Mỗi Chúa nhật, vị giám mục Rôma gửi cho mỗi giáo xứ một mẩu bánh đã truyền phép trong Thánh lễ ngài cử hành. Sau đó mẩu bánh này được bỏ vào hòa trong chén thánh tại mỗi cử hành nghi thức Thánh Thể. Nó tượng trưng cho sự hợp nhất của các giáo xứ với Thánh Lễ được vị giám mục Rôma cử hành.


Tìm hiểu về tổng giáo phận này trong năm qua, tôi đã thấy một loạt các thực hành phụng vụ. Để diễn tả và củng cố sự hiệp nhất của chúng ta như một giáo hội địa phương, tôi muốn làm rõ vài khía cạnh trong Thánh Lễ, và để đưa chúng ta đi vào sự đồng nhất về tư thế và thực hành. Tôi nhận thấy nó sẽ đòi hỏi vài sự thay đổi cho hầu hết các cộng đồng giáo xứ chúng ta, cho đa số, nhưng sự hiệp nhất với tư cách Giáo hội địa phương trong cử hành phụng vụ chắc chắn bảo đảm cho nỗ lực từ phía chúng tôi. Về vấn đề này, chúng ta phải chú ý việc thực hành của Giáo hội Hoàn vũ, đặc biệt “những gì đem lại lợi ích thiêng liêng chung cho dân Chúa hơn là theo sở thích hay phán đoán của riêng mình.”26


Tư Thế Cầu Nguyện


Trong Thánh Lễ, chúng ta cầu nguyện không chỉ với tâm trí, trái tim và giọng nói, mà còn với thân xác con người chúng ta nữa. Chúng ta đứng – tư thế có từ xa xưa khi cầu nguyện và thể hiện sự tôn kính. Chúng ta ngồi – tư thế lắng nghe và chú ý. Và chúng ta quỳ - tư thế của khiêm tốn và thờ lạy. Tất cả tư thế này được đặt vào chỗ thích hợp trong cử hành phụng vụ của chúng ta: đứng trong nghi thức đầu lễ, công bố Tin Mừng, tuyên xưng Đức Tin và lời nguyện chung; ngồi trong phần Phụng vụ Lời Chúa và bài giảng.


Liên quan đến Kinh Nguyện Thánh Thể, tôi muốn chúng ta dùng tư thế chung cho toàn tổng giáo phận suốt phần Phụng vụ Thánh Thể và nghi thức Hiệp lễ, theo Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma và được thực hành rộng rãi trên toàn nước Mỹ. Vì vậy, chúng ta “sẽ quỳ gối bắt đầu từ sau lời tung hô Sanctus (Thánh! Thánh! Thánh!) cho đến sau lời thưa Amen, kết thúc Kinh Nguyện Thánh Thể.”27 Sau Kinh Nguyện Thánh Thể, chúng ta đứng để cùng nhau đọc Kinh Lạy Cha và chúc bình an. Chúc bình an không chỉ đơn thuần là một cử chỉ của thiện chí, mà chính là bình an của Chúa Kitô mà chúng ta lãnh nhận và chia sẻ trong khoảnh khắc này. Bình an của Chúa kéo chúng ta đi vào hiệp thông với Thiên Chúa và với người khác.


Ngoài ra, chúng ta nên “quỳ gối sau kinh Agnus Dei (Lạy Chiên Thiên Chúa)28 cho tới khi lên Rước lễ. Quỳ gối là tư thế của thờ lạy. Khi quỳ gối, chúng ta không thể “làm” điều gì khác! Trong giây phút này, chúng ta chuẩn bị Rước lễ bằng việc quỳ gối trước sự hiện diện của Chúa Kitô, đã ở giữa chúng ta trong bí tích Mình và Máu Thánh Chúa, cho tới khi đứng dậy để đi theo đoàn người lên Rước lễ.


Rước lễ là giây phút linh thiêng gặp gỡ Chúa phục sinh trong bí tích Mình và Máu Thánh Người. Đó là cuộc gặp gỡ thân mật, hoàn toàn không mang tính chất cá nhân: Đây là hành vi mang tính cộng đoàn. Khi tiến lên Rước lễ, chúng ta trở nên một phần của đoàn rước với toàn thể cộng đoàn được quy tụ. Chúng ta trở nên điều chúng ta lãnh nhận: Thân Thể của Chúa Kitô. Do đó, sự hợp nhất của tư thế cũng quan trọng trong đoàn người lên Rước Lễ nữa. Trong Tổng Giáo phận Seattle, chúng ta sẽ tuân theo các quy tắc dành cho Hoa Kỳ nhằm áp dụng những điều được nói đến trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma. Khi chúng ta di chuyển theo đoàn rước tiến đến bàn thờ, chúng ta cúi đầu trước khi đón nhận Mình hay Máu Thánh Chúa Kitô, và giữ nguyên tư thế đứng để Rước Lễ, bất kể bánh thánh hay chén thánh. Việc quỳ gối lúc này, hay thêm các cử chỉ khác, chỉ là cá nhân hoá việc Rước Lễ. Nhưng đây không phải là lúc để cá nhân bày tỏ lòng thành kính, nó làm người khác chia trí và kéo sự chú ý về mình. Tốt hơn, sự sùng kính trong niềm tin chúng ta về sự hiện diện thật của Chúa trong bí tích Thánh Thể, đây là lúc chúng ta cần phải hợp nhất như một cộng đoàn. Đón nhận Mình Thánh Chúa Kitô, chúng ta trở nên một với Chúa Kitô, và qua Chúa Kitô, nên một với anh chị em mình khi đón nhận cùng một Chúa Thánh Thể.


Tham gia vào bài ca Hiệp Lễ đang khi cộng đoàn tiếp tục lên Rước Lễ là một cách thức thờ phượng quan trọng khác và là nguồn hiệp nhất. Sau khi Rước Lễ, trở về chỗ của mình, thật thích hợp để “ngồi hoặc quỳ trong suốt thời gian thinh lặng thánh sau Rước Lễ.”29 Đây là lúc suy gẫm mầu nhiệm chúng ta đón nhận và dâng lời tạ ơn về món quá quý giá này.


Việc tráng chén sau khi Rước Lễ do linh mục hay phó tế thực hiện. Phải giữ tôn kính đối với Chúa ngự trong Thánh Thể, nên phải thực hiện nghi thức này cách cẩn thận, nhưng không nên kéo dài quá mức. Cần lưu ý Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma cho phép được đặt các chén thánh bên cạnh bàn thờ và phủ khăn, để sau Thánh Lễ sẽ được lau sạch, có thể chọn cách khác nếu việc tráng chén chiếm một khoảng thời gian đáng kể.


Tôi xin tất cả các linh mục dành thời giờ đọc kỹ các tài liệu và các bản văn về phụng vụ, để chúng ta có thể khiêm tốn xét mình về việc thực thi nhiệm vụ chủ tế và trung thành với việc cử hành bí tích Thánh Thể. Vì nhiều lý do khác nhau, theo thời gian, khi cử hành phụng vụ, chúng ta thực sự có thêm thắt chút ít, đưa thêm vào dù là lời kinh hay các cử chỉ và thực hành. Chúng ta hãy cam kết với chính mình sẽ trung thành hơn với các lời kinh và quy định chữ đỏ trong sách lễ Rôma, hãy nhớ rằng không có ai “dầu là linh mục, cũng không có quyền thêm bớt hay thay đổi một điều gì trong Phụng Vụ.”30


Cùng với lá thư mục vụ này, tôi sẽ ban hành hướng dẫn sửa đổi cho việc cử hành bí tích Thánh Thể trên toàn Tổng Giáo phận Seattle. Tôi xin tất cả các linh mục chính xứ xem lại bản hướng dẫn này cách cẩn thận và thực hiện những thay đổi cần thiết vào lúc bắt đầu Năm Phụng vụ mới, mùa Vọng 2020.


Thánh Thể và Đức Ái


Khi Giáo hội cử hành bí tích Thánh Thể, không chỉ bánh và rượu được biến đổi nên Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, mà chính chúng ta cũng phải được biến đổi nữa. Khi chúng ta dâng lễ vật bánh và rượu, cùng với mọi đóng góp, đều tượng trưng cho việc chúng ta đặt chính mình trên bàn thờ, (cùng với bánh và rượu) để được trở thành Thân Thể Chúa Kitô. Khi lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta trở nên Mình Máu Thánh chúng ta đã lãnh nhận – tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô. Thánh Augustinô nói với giáo đoàn của ngài, “Vậy, nếu anh em muốn hiểu thân thể Chúa Kitô, hãy lắng nghe vị tông đồ nói với các tín hữu, anh em là thân thể Đức Kitô và là các chi thể của Người (1Cr 12:27). Chính anh em là thân thể Chúa Kitô và là các chi thể của Người, đó là ý nghĩa mầu nhiệm anh em dâng chính mình làm của lễ đặt trên bàn tiệc của Chúa; anh em lãnh nhận mầu nhiệm khiến anh em trở nên có ý nghĩa.”31


Trở nên Thân Thể Chúa Kitô là mang lấy sứ mạng của Chúa Kitô trên trần thế. Điểm cốt yếu của sứ mạng này là loan báo Lời của Chúa Kitô, cử hành các bí tích của Người, và mở rộng tình yêu của Người qua cuộc sống bác ái.


Bí tích Thánh Thể đưa chúng ta đến với người nghèo.32 Các vị giáo hoàng gần đây đã nối kết giữa Thánh Thể với công việc từ thiện rất rõ ràng. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc chúng ta luôn giữ cho đời sống thiêng liêng của mình gắn với cuộc sống trần thế, để “loại trừ cơn cám dỗ đề ra loại linh đạo cho riêng mình, có tính chất cá nhân, không đúng với những đòi hỏi của đức ái.” 33 Trong tông thư về Năm Thánh Thể, ngài viết: “Chúng ta không thể dối lòng được đâu: nhờ biết yêu thương nhau, cụ thể là, biết quan tâm đến những người túng thiếu, chúng ta mới được nhìn nhận là môn đệ của Đức Kitô… Đó cũng là tiêu chí xem xét chúng ta có cử hành Thánh Thể một cách đích thực hay không.”34 Đức Giáo hoàng Bê-nê-đic-tô XVI nhắc lại mối liên kết chính yếu giữa thờ phượng và phục vụ, giữa Thánh Thể và bác ái: "Sự thờ phượng", sự hiệp thông trong bí tích Thánh Thể, tự nó bao gồm được yêu thương, và tiếp đến, là yêu thương. Sự Hiệp thông Thánh Thể nếu không được nối tiếp bằng sự thực hành yêu thương cụ thể thì tự nó đã là chắp vá.”35


Khi chúng ta xúc tiến việc củng cố đối với cử hành Thánh Thể và để đào sâu linh đạo Thánh Thể của mình trong những ngày tháng sắp tới, chúng ta hãy dốc lòng sẽ cử hành bí tích Thánh Thể cách thực sự xứng hợp, để bí tích này tràn thấm trong những hoạt động bác ái qua việc phục vụ người nghèo nhất và người dễ bị tổn thương nhất.


Năm Thánh Thể


Với lá thư mục vụ này, tôi công bố Năm Thánh Thể, bắt đầu từ lễ mừng Kính Trọng Thể Mình và Máu Thánh Chúa Kitô ngày 14 tháng 6, và kết thúc cũng dịp lễ trọng này vào Chúa Nhật, mùng 6 tháng 6, 2021.


Năm này là thời gian dành cho việc dạy giáo lý và giảng huấn cho mọi người dựa trên chủ đề Thánh Thể. “Những mục tử chăn dắt các linh hồn phải chú trọng và kiên tâm theo đuổi việc huấn luyện phụng vụ cho các tín hữu và cho họ tích cực tham dự bên trong lẫn bên ngoài.”36 Các linh mục và phó tế nên tận dụng mọi cơ hội dùng phần Bài Đọc Lời Chúa trong năm này mà giảng về Thánh Thể. Đây là lúc thích hợp dành cho các giáo xứ trong việc huấn luyện bổ túc cho các thừa tác viên phụng vụ, cũng như dạy thêm giáo lý cho tất cả các tín hữu. Mục tiêu của chúng ta là: tất cả các tín hữu Công giáo, khi đi vào mầu nhiệm chúng ta cử hành, biết trân trọng các cử hành này cách đầy đủ hơn, và chúng ta hy vọng rằng các tín hữu cũng có thể nhận ra ý nghĩa hàm chứa trong nghi thức sai đi cuối lễ như một sự ủy thác hãy sống sự sống Thánh Thể trong thế giới, thực hiện sứ mạng của Chúa Giêsu trong đời sống hằng ngày của chúng ta.


Tổng giáo phận sẽ giúp các vị trong ban điều hành giáo xứ xác định các tài liệu tốt và các thuyết trình viên cho các hội đoàn trong giáo xứ và học hỏi tại nhà. Các giáo xứ được khuyến khích mở các buổi tĩnh tâm và hội thảo để mang lại không chỉ các cơ hội cầu nguyện, mà còn dạy giáo lý về bí tích Thánh Thể và nguồn ân sủng sâu xa giúp hoán cải và sống thánh thiện.


Trên hết, tôi mong rằng việc dành thời giờ tập trung vào cầu nguyện và học hỏi sẽ nuôi dưỡng và củng cố cuộc quy tụ của chúng ta trong các ngày Chúa Nhật để cử hành bí tích Thánh Thể, hồng ân cao vời, công trình cứu chuộc của Thiên Chúa.


Điểm tập trung chính yếu của Năm Thánh Thể này là gia tăng sự hiểu biết của chúng ta và nâng cao chất lượng cách cử hành bí tích Thánh Thể trong Thánh Lễ, do đó việc chúng ta tin Chúa Kitô đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể dẫn dắt chúng ta một cách tự nhiên đến với những giây phút cầu nguyện trước Thánh Thể. Tôi mong tất cả các mục tử hãy giúp các tín hữu siêng năng Chầu Thánh Thể, và mong các tín hữu hãy tận dụng các cơ hội này. Trong lúc đang lo toan các công việc hay lúc chờ đợi đón con sau giờ học, anh chị em có thể tập thói quen tốt lành dừng lại vài phút ở một nhà thờ nào đó để cầu nguyện trước Thánh Thể.


Thật tuyệt vời biết bao nếu, suốt năm tới, mỗi người chúng ta được thêm lòng ước muốn và ngày càng biết cầu nguyện trò chuyện với Chúa Kitô đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể! Thiên Chúa mong được nghe chúng ta nói, để qua những lời chính chúng ta nói ra, Chúa biết điều gì đang xảy ra trong cuộc đời chúng ta: hy vọng, sợ hãi, hân hoan, lo lắng, băn khoăn. Như lời trích dẫn từ đầu lá thư này, Giáo hội sống nhờ Thánh Thể, 37 và chúng ta cũng vậy, vì chúng ta là chi thể của Thân Mình Chúa Kitô, là Giáo hội. Thật đẹp thay khi chúng ta học sống như Chúa Kitô, khi chúng ta để cho Chúa Kitô sống trọn vẹn hơn trong và qua chúng ta. Đó là ý nghĩa lớn lao của sự sống Thánh Thể!


Tôi biết lúc này không phải là lúc tốt nhất dành cho việc nâng cao đời sống phụng vụ của chúng ta, khi bệnh dịch vi-rút corona dường như vẫn tiếp tục làm gián đoạn khả năng chúng ta quy tụ nhau để cử hành bí tích Thánh Thể như thường lệ. Tuy nhiên, việc cử hành Năm Thánh Thể là mong muốn của tôi từ lâu rồi, vì vậy chúng ta tín thác vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa, để nhờ ân sủng của Người, chúng ta sẽ hưởng lợi ích từ việc canh tân cầu nguyện và học hỏi về bí tích Thánh Thể.


Đức Maria, Người Mẹ Thánh Thể


Ngay từ giây phút đáng nhớ của biến cố Nhập Thể, Đức Mẹ đã chấp nhận kế hoạch của Thiên Chúa với một tình yêu và sự tùng phục thánh ý tuyệt vời. Sứ thần Gabriel loan báo về Con Thiên Chúa sẽ được Mẹ cưu mang nơi cung lòng bởi phép Chúa Thánh Thần, và tiếp nhận ngai vàng trị vì một vương quốc vô cùng vô tận (x. Lc 1:26-38). Cụ già Simeon cũng nói tiên tri rằng qua Chúa Giêsu, tâm tư nhiều người sẽ được tỏ lộ, và một lưỡi gươm sẽ đâm thấu trái tim Mẹ Maria (x. Lc 2: 33-35). Từ giây phút sinh con, trong yêu thương và vâng phục, Mẹ Maria đã dâng lại người con của Mẹ, Chúa Giêsu, lên Chúa Cha, đến giây phút đứng dưới chân thập giá, trái tim Mẹ tan nát cùng với con của Mẹ, vì thế “hiệp nhất chính mình … dự phần với hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra.”38


Maria là Mẹ của ân sủng, vì Mẹ là nữ tỳ của Chúa Kitô trong việc dành lại cho chúng ta hồng ân cao trọng nhất: chuộc tội và cứu độ, sự sống thần linh và vinh quang bất tận.39 Mẹ nhân lành của chúng ta đã liên kết chặt chẽ với Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Đứng dưới chân thập giá, Mẹ Maria chứng kiến cái chết của Chúa Giêsu và nhận lấy thân thể đầy thương tích của Người trên đôi tay Mẹ. Mẹ Maria vui mừng đón lấy Chúa Kitô phục sinh. Mẹ hiện diện trong ngày Hiện Xuống. Cho đến hôm nay, Mẹ Maria vẫn hiện diện trong mỗi Thánh lễ, vẫn đang cầu nguyện cùng với Giáo hội và cho Giáo hội.


Mẹ Nhân Lành của chúng ta chỉ cho tất cả những kẻ tin biết sống làm người môn đệ Chúa Giêsu thế nào, làm cho cuộc đời chính chúng ta trở nên của lễ yêu dấu dâng lên Thiên Chúa. Vậy, chúng ta hãy phó dâng cho Mẹ chính bản thân chúng ta và những Thánh lễ chúng ta cử hành trong Năm Thánh Thể sắp đến. Chúng ta hãy xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta được biết sống trọn vẹn hơn cuộc sống của Đức Kitô, sự sống và tình yêu được thông ban cho chúng ta trong mỗi Thánh lễ. Nhờ sự chuyển cầu của Đức Mẹ, xin Chúa ban cho chúng ta được ơn biết cộng tác trọn vẹn hơn với Con của Mẹ, Đấng hằng ở trong mỗi người chúng ta, qua mỗi Thánh Lễ thực hiện công cuộc cứu chuộc của Người.


Cho phép tôi kết thúc với những lời của thánh Catarina thành Siena về Thánh Thể nuôi dưỡng chúng ta thế nào, và của ăn này thêm sức cho chúng ta ra sao, để biến cuộc sống chúng ta trở nên món quà yêu thương cho mọi người:

Bí tích này không bị giảm đi vì bị phân chia, chẳng có gì hơn ngọn lửa bừng cháy để làm ví dụ. Nếu con có ngọn đèn bừng cháy, và cả trần gian tuôn đến với con để xin thắp đèn, thì ánh sáng ngọn đèn của con không vì thế mà bị hao hụt, còn mọi người thì lại được trọn vẹn ánh sáng. Thực vậy, đèn của mỗi người sáng nhiều hay ít là tùy ở chất liệu của đèn mang tới tốt hay xấu để tiếp nhận lửa…

Con được ban cho sự sống để con sống yêu thương, và qua bí tích Thánh tẩy, con nhận được ánh sáng nhờ Thần lực của Máu Ngôi Lời, con phải sẵn sàng chia sẻ ánh sáng ấy…

Vì vậy, nếu muốn mang ánh sáng, con phải nhận tim đèn là đức tin. Và với ân sủng con nhận được trong bí tích Thánh tẩy, con phải gắn kết vào tình yêu của chính tâm hồn con. Vì Cha dựng nên cho con một linh hồn có khả năng yêu thương – đến mức con không thể sống mà không có tình yêu. Quả thật, tình yêu là lương thực của con.40

 

   + Lễ thánh Catarina thành Siena, ngày 29 tháng 4, 2020

   Kỷ Niệm Một Năm Được Bổ Nhiệm Làm Tổng Giám Mục Phó TGP Seattle

 

  Paul D. Etienne, DD, STL

  Tổng Giám Mục Seattle

 

Cảm Tạ

Xin đặc biệt cám ơn Viện Phụ Jeremy Driscoll, OSB, đã quảng đại giúp ý kiến và Chị Corinna Laughin đã hết lòng giúp đỡ việc soạn thảo thư mục vụ này.

 

______________________________________

1 Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể, 1.

2 Hiến chế Phụng Vụ Thánh, 2.

3 Cf. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, 571.

4 Công bố Phục Sinh, “Exsultet,” Sách lễ Roma.

5 Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Niềm vui Tin Mừng, 120.

9 Bài giảng lễ Phục Sinh được coi là của Thánh Gioan Kim Khẩu, Bài đọc Kinh Sách, Thứ Hai, Tuần Thứ Hai Phục Sinh.

10 Dẫn vào Sách Bài Đọc, 13.

11 Dẫn vào Sách Các Bài Tin Mừng, 4.

12 Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, 55.

13 Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể, 5.

14 Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 262.

15 Ibid.

16 Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, 18.

17 Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể, 8.

18 Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’, 236.

19 Hiến chế Phụng Vụ Thánh, 10.

20 Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Mane Nobiscum Domine, 14.

21 Kinh Nguyện Thánh Thể III, Sách Lễ Rôma.)

22 Điệp ca “Ubi caritas,” Ca Tiến Lễ, Thứ Năm Tuần Thánh, Sách lễ Rôma.

23 Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, 14.

24 Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, 46.

25 Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, 42.

26 Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, 42.

27 Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, 43. 28 Ibid.

29 Ibid.

30 Hiến chế Phụng Vụ Thánh, 22.

31 Thánh Augustinô, Bài Giảng 272.

32 Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1397.

33 Tông thư Tiến Tới Thiên Niên Kỷ Thứ Ba, 52.

34 Tông thư Mane Nobiscum Domine, 28.

35 Thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, 14.

36 Hiến chế Phụng Vụ Thánh, 19.

37 Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể, 1.

38 Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân, 58.

39 Cf. Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân, 61.

40 Thánh Catarina Siena, Đối Thoại, 110.