7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

DỊCH CÚM NĂM 1918 KHIẾN CHO THÁNH LỄ BỊ BÃI BỎ, CƯỚP ĐI MẠNG SỐNG CỦA NHIỀU LINH MỤC ĐỊA PHƯƠNG

A statue of the Sacred Heart of Jesus watches over the graves of three local priests who died during the 1918–19 influenza pandemic. 

Masses were canceled for five weeks during the health crisis. Photos: Brian LeBlanc and The Catholic Northwest Progress

 


Influenza of 1918 Caused Mass Cancelations, Claimed The Lives of Local Priests


 

Bài của Brian LeBlanc. Nguyên bản tiếng Anh đăng trong báo điện tử Northwest Catholic tháng 4 năm 2020. Có lẽ nhiều người nghĩ rằng COVID – 19 là đại dịch đầu tiên và ghê gớm nhất xảy ra tại vùng này và nhiều nơi khác. Nhưng không phải vậy, vào năm 1918 đã có một trận đại dịch cúm chẳng kém phần ghê gớm. Số tử vong tại miền tây bắc này vào hồi ấy lên tới 1400 người.Trong số nhiều linh mục, tu sĩ đã hy sinh cho giáo dân của mình, đáng chú ý nhất là 3 linh mục trẻ. Cả ba đều được đào tạo ở cùng một chủng viện bên Ái Nhĩ Lan (Ireland), Cả ba đều đến Seattle cùng một ngày hay chỉ cách nhau một thời gian ngắn. Cả ba cùng chết trong thời gian mấy tháng vào cuối năm 1918 và đầu năm 1919.



 

SEATTLE – Đại dịch hiện nay không phải là lần đầu tiên mà các thánh lễ công cộng bị đình hoãn ở miền tây Washington vì một cuộc khủng hoảng sức khoẻ - các thánh lễ đã bị bãi bỏ trong nhiều tuần lễ trong đại dịch cúm toàn cầu năm 1918 – 1919.


 

Vào ngày Thứ Bảy đầu tiên của tháng 10, 1918, không lâu sau khi những ca nhiễm bệnh cúm đầu tiên được báo cáo trong vùng, thị trưởng kiêm ủy viên y tế thành phố Seattle ra lệnh đình hoãn tất cả những cuộc tụ tập trong nhà - kể cả những nghi lễ trong nhà thờ. Ngày hôm sau, một số những nhà thờ Công Giáo địa phương, kể cả Nhà Thờ Chính Toà St. James, đã tổ chức các thánh lễ ngoài trời.


 

Tại nhà thờ chính tòa, “Những người không Công Giáo tụ tập để chứng kiến một cảnh tượng phấn khởi độc đáo,” đó là một tít lớn trên số báo 11 tháng 10, 1918 của báo The Catholic Northwest Progress (tiền thân của báo Northwest Catholic Magazine ngày nay), tức là tờ báo chính thức của Giáo Phận Seattle, lúc ấy chưa phải là tổng giáo phận.

 


Bên ngoài nhà thờ chính toà, “các ghế ngồi đã được sắp sẵn cho mọi người, đèn điện  giăng từ cây này đến cây khác và ca đoàn hoành tráng của nhà thờ chính toà hát  thánh nhạc vang dội trên không trung trong tiếng đệm của đàn organ,” tờ báo tường thuật.

 


“Trong khi những cái đầu trần cúi xuống dưới mưa rơi trong tiếng chuông leng keng, những khán giả không Công Giáo ấy chăm chú ngỡ ngàng. Cảnh ấy vượt quá sự hiểu biết của họ,” tớ báo nói thêm.

 


Nhưng sáu ngày sau, Đức Giám Mục Edward J.O’Dea loan báo không được tổ chức  nghi lễ nào, trong nhà hay ngoài trời, tại bất cứ nhà thờ nào trong vùng Seattle “cho đến khi có thông báo mới.”

 


Mãi đến giữa tháng 11, các tín hữu mới được dự Thánh Lễ Chủ Nhật trở lại.

 


“Hàng trăm người Công Giáo chưa bao giờ bỏ Lễ Chủ Nhật kể từ khi mới biết đi đã phải trải qua kinh nghiệm không vui lần đầu của người không được tham dự Của Lễ Hy Sinh trong năm ngày Chủ Nhật vừa qua,” báo Progress viết khi các nhà thờ mở cửa lại vào tháng 11, 1918.

 


“Thế nhưng các giám mục, linh mục và giáo dân khắp nơi trong miền Tây Bắc không ngần ngại hợp tác với tất cả các biện pháp của nhà chức trách y tế công cộng,” bài báo cho biết vậy và lưu ý số tử vong ở miền Tây Bắc kể là nhẹ so với nhiều nơi khác trong nước , tại những nơi đó có một số người coi việc đóng cửa nhà thờ là quá đáng và không cần thiết. Có một số giám mục đã phản đối.


 

Ngay cả sau khi lệnh cấm tụ tập được  bãi bỏ, dân chúng miền Seattle vẫn bị bắt buộc mang mặt nạ bảo vệ trong nhiều tuần lễ.


 

Tổng cộng có hơn 1400 người chết bệnh cúm ở Seattle từ tháng 9, 1918  đến tháng 2, 2019, theo tự điển bách khoa điện tử về dịch bệnh toàn quốc được thu thập bời trường đại học Michigan.



 

Ba linh mục người Ái Nhĩ Lan ngã gục vì dịch cúm.


Trong mùa dịch, có ba linh mục trẻ người Ái Nhĩ Lan - được thụ phong tại Ái Nhĩ Lan cho giáo phận Seattle – đã chết vì bệnh cúm, người thứ nhất  chết ngày 14 tháng 10, 1918 là Cha Ailbe Heelan, 33 tuổi, là Cha Sở Xứ St. Anthony Parish ở Renton.


 

“Cái chết của ngài làm toàn thể giáo phận chới với và gây xúc động sâu xa cho Giám Mục O’Dea, các linh mục trong giáo phận, và giáo dân của hai giáo xứ (trong đó có St Patrick, Tacoma,) là hai nơi Cha đã cống hiến nhiều năm lao động quên mình.” Báo Progress tường thuật trong số tháng 10, 1918.


 

Không lâu sau, dịch cúm lại cướp đi mạng sống của Cha Daniel Kelly, 33 tuổi, của Giáo Xứ Wanatchee. Giáo xứ này thuộc Giáo Phận Seattle cho đến năm 1951.


 

Cha Heelan và Cha Kelly là bạn cùng lớp tại Đại Học St. Patrick ở Thurles, Ái Nhĩ Lan, được thụ phong cùng ngày và đến Seattle cùng một lần. Các ngài đã chết trong cùng một tuần lễ vì bệnh cúm Tây Ban Nha, mắc bệnh trong khi ban nhiệm tích cho người bệnh và chết cho giáo xứ của mình.” báo Progress cho biết.


 

Một linh mục thứ ba, cũng đã thụ huấn tại cùng một chủng viện, là Cha Thomas J. Deer, 28 tuổi, chết vì dịch cúm vào Tháng Giêng năm 1919. Sau khi đến Giáo Phận Seattle, trước hết ngài được bổ nhiệm tuyên úy tại Bệnh Viện St. Joseph tại Bellingham. Về sau cha làm cha phụ tá tại St Ann Parish, Seattle, rồi được bổ nhiệm về St.Antholy, Renton, để trám vào khoảng trống sau khi Cha Heelan chết.



 

Các linh mục dễ nhiễm bệnh cúm hơn người khác

 

Từ mùa thu năm ấy và qua năm mới, báo Progress tường thuật cả chục linh mục ở Aberdeen, Everett và thị trấn Orilla (ngày nay không còn nữa,) ở gần Kent đã ngã bệnh cúm nhưng được phục hồi.


 

Tờ báo lưu ý các linh mục thường hay bị bệnh cúm hơn người khác bởi vì các ngài tiếp cận với nó nhiều hơn do đặc tính của sứ vụ linh mục.


 

“Vì đi thăm bệnh nhân ngày cũng như đêm, một gánh nặng đè trên sức khoẻ các ngài, khiến các ngài dễ nhiễm bệnh,” Báo Progress viết. “Khi nghe xưng tội và cho người bệnh chịu các phép, các ngài thường phải làm việc trong khi không có sẵn mặt nạ chống nhiễm trùng và các biện pháp phòng ngừa khác mà các thầy thuốc và y tá thường dùng.”


 

(Ngược lại, trong khi dịch bệnh COVID - 19 bộc phát năm nay, các linh mục có đồ bảo vệ trong khi ban các phép cho người bệnh và người hấp hối. Tính tới nay, bốn linh mục Tổng Giáo Phận Seattle đã phải chịu cách ly 14 ngày, nhưng không có cha nào được xét nghiệm dương tính. Tuy nhiên ở Giáo Phận Yakima hai linh mục đang hồi phục từ bệnh corona.)


 

Hết cách ly, nhưng vẫn phải đeo mặt nạ

 

Ngày  11 tháng 12, 1918 - tức là ngày hôm sau của ngày ký hiệp định đình chiến kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, lệnh cách ly vì bệnh cúm ở Seattle được bãi bõ. Các cuộc tụ tập công cộng lại được tiếp tục, và các trường và nhà thờ Công Giáo được mở cửa. Nhưng quan chức y tế thành phố ra lệnh cho mỗi người phải mang mặt nạ ở những nơi tụ họp công cộng.

 


Mặc dù lệnh cách ly được bãi bỏ, sự đe doạ của dịch cúm vẫn tiếp tục.


 

Có nhiều giáo sĩ và tu sĩ khác đã chết, gồm có cha Dòng Tên John Neander ở Spokane và soeur Dòng Chúa Quan Phòng Mary Dympna, phục vụ tại Bệnh Viện St. Elizabeth ở Yakima. Sr Mary đã “cung cấp dịch vụ chăm sóc cho những nạn nhân dịch bệnh, và chính bà cũng trở thành nạn nhân,” theo tường thuật của Báo Progress. “Trong chức năng của một dược sĩ, bà đã làm hết khả năng để làm nhẹ bớt sự đau đớn của người bệnh.”

 


Ở Tacoma, Cha Peter F. Hylebos, một linh mục được bổ nhiệm làm cha sở đầu tiên của St Leo Parish năm 1880, đã chết vì bệnh sưng phổi thuộc loại cúm, có ghi trong giấy khai tử. Quê quán ở nước Bỉ, Cha Hylebos đến miền Washington năm 1870. Tại Nhà Thờ St. Leo, những người tiếc thương chật đầy nhà thờ trong tang lễ của ngài, nhiều người phải đứng ngoài lề đường. Đám đông hiện diện cho thấy “anh chị em thương ngài biết mấy.” Đức Giám Mục O’Dea nói vậy trong bài giảng. Cha Hylebos được chon cất ở Nghĩa Trang Calvary ở Tacoma.

 


Trong những tháng có đại dịch, những trang cuối của Báo Progress có đăng những bài báo tin tang lễ của nhiều giáo dân chết vì bệnh cúm. Nghĩa Trang Calvary ở Seattle có trung bình là 34 đám chôn cất mỗi tháng, nhưng con số đó tăng vọt lên 85 mỗi tháng bắt đầu từ tháng 10, 1918, Quản Đốc Nghĩa Trang Calvary, Martin Murphy, cho biết thế trong một điện thư. Mãi đến tháng 2, 1919, số chôn cất ở Calvary mới trờ lại mức của thời kỳ trước đại dịch cúm. Martin Murphy cho biết thế.

 


Còn về ba linh mục người Ái Nhĩ Lan, các Cha Heelan, Kelly và Deere – đã chết sau khi chăm lo nhu cầu thiêng liêng của những người bệnh và người hấp hối - người ta có thể tưởng nhớ sự hy sinh của các ngài bằng cách đến thăm các phần mộ tại Nghĩa Trang Calvary, ở dưới chân của một bức tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu đang chăm chú nhìn xuống.

 


Vũ Vượng dịch