7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang bị lạm dụng?

 

Is Pope Francis being abused?

Lm Giuse Tuấn Việt, O.Carm.



Bài 1: Khi nghe hay đọc những lời của một vị Giáo Hoàng, ta cần hiểu thế nào?


Đôi điều nhanh như sau:


1/ Chỉ khi ngài ngồi trên tông tòa Thánh Phêrô trong tư cách đấng kế vị Thánh Phêrô (ex cathedra) để công bố một giáo huấn về đức tin hoặc luân lý, sau khi đã cùng với tất cả các giám mục trên thế giới cầu nguyện – nghiên cứu – thảo luận và thống nhất theo quy định chặt chẽ của truyền thống và giáo luật, lời công bố ấy mới trở thành điều buộc phải tin (tín điều) cho các tín hữu Kitô Công Giáo. Đây gọi là quyền bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng.


2/ Khi ngài giảng dạy bằng các tông huấn chính thức, sau khi đã cầu nguyện - nghiên cứu - tham vấn các hội đồng chuyên môn trợ giúp cho ngài, thì tín hữu được mời gọi (chứ không bắt buộc như trường hợp 1 ở trên) có thái độ chân thành lắng nghe, vâng lời và đem ra thực hành trong hoàn cảnh của mình.


Lưu ý: Cả hai hình thức giảng dạy trên đều viết ra thành văn bản chính thức, có ký tên, đóng dấu,…


3/ Khi ngài bình luận, đưa ra ý kiến về các vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa,…. chẳng hạn trong một cuộc phỏng vấn của báo giới hoặc ký giả hoặc nhà làm phim nào đó, thì chúng ta cần xem ngài trong tư cách một người bình thường như mọi người vì: a/ ngài không đang giảng dạy từ tông tòa thánh Phêrô, b/ ngài cũng có quyền là một người bình thường, nêu lên ý kiến (có thể đúng hoặc sai) của mình về các vấn đề của xã hội mình đang sống. Trong trường hợp này, người tín hữu không buộc phải đồng ý và có thể thảo luận cho vấn đề ngày càng sáng tỏ hơn.


Cần lưu ý thêm rằng có một hiện tượng (ngẫu nhiên hay cố ý?) khá phổ biến là những người trích lại lời của Đức Thánh Cha nhiều khi trích sai, trích không đầy đủ, tách nó ra khỏi ngữ cảnh cụ thể và toàn bộ, hoặc đặt lời của họ lên miệng ngài,…. từ đó làm méo mó ý ngài muốn nói. Điều này không công bằng cho ngài và làm hại người đọc, rất đáng tiếc nhưng nó vẫn thường xảy ra, nhất là trong môi trường truyền thông có nhiều khuynh hướng đánh tráo khái niệm như hôm nay.



Bài 2: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang bị lạm dụng?

 


Rất nhiều kênh tin tức đã dùng một đoạn phim tài liệu tựa đề Francesco để tung tin rằng Đức Giáo Hoàng Franxicô đã tách mình khỏi giáo huấn của Giáo Hội và ủng hộ hôn nhân đồng tính. Điều này có đúng không?


Lm Agustino Torres CFR phân tích rằng các kênh truyền thông đã dịch sai và trình bày sai về Đức Giáo Hoàng một lần nữa. Đức Giáo Hoàng nói bằng tiếng Tây Ban Nha và dùng thuật ngữ “convivencia civil”, nghĩa là “sự đồng hiện hữu [trong xã hội] dân sự”, chứ không có nghĩa là “hôn nhân [đồng tính] dân sự” như ai đó đã dịch và các kênh truyền thông đã rầm rộ loan tải. Vì thế, những lời của Đức Phanxicô không hề mang nghĩa ủng hộ cho hôn nhân đồng tính và tách rời ra khỏi giáo huấn Giáo Hội như họ đã đưa tin.


Câu hỏi mà mỗi chúng ta cần đặt ra là: “Tại sao họ lại dịch sai và trình bày sai về Đức Phanxicô VÀO LÚC NÀY, lúc đang diễn ra lễ kính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 và ngay trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ?”


Thứ nhất, chúng ta biết Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 viết khá nhiều về đề tài đồng tính. Vậy phải chăng truyền thông đang có ý tấn công Đức Phanxicô bằng cách làm cho ngài có vẻ mâu thuẫn với Đức Gioan Phaolô 2? Nếu điều này là thật thì rất nguy hại cho sự hiệp nhất và bình an của Hội Thánh.


Thứ hai, một trong những vấn đề lớn của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ liên quan đến quyền phá thai và đồng tính mà hai ứng cử viên có quan điểm rất khác nhau. Vậy phải chăng các kênh truyền thông đang cố tình tạo ra một ấn tượng sai lạc rằng Đức Phanxicô đồng ý với ứng cử viên ủng hộ phá thai và đồng tính, và cách nào đó ngài đang khuyến khích các cử tri Công Giáo cứ việc dễ dàng đi theo hướng này như ngài? Nếu điều này là thật thì rất nguy hại cho hình ảnh của Đức Phanxicô và nguy hại cho việc phân định luân lý của các cử tri Công Giáo.


Tóm lại, trong ngữ cảnh của phim tài liệu này, điều Đức Phanxicô muốn nói là: những anh chị em đồng tính là một phần của gia đình nhân loại chúng ta giống như tất cả mọi người. Họ có quyền hiện hữu bên cạnh chúng ta, và luật pháp phải bảo vệ, chăm sóc họ như đối với tất cả mọi người.


(Ghi chú: hiện nay có nhiều luồng giải nghĩa ý của Đức Phanxicô khác nhau. Có lẽ tạm thời cá nhân mỗi người sẽ chọn cách giải nghĩa nào mình cho là hợp lý nhất cho đến khi ngài đích thân giải nghĩa. Nhưng dù là giải nghĩa thế nào thì điều nền tảng vẫn là: Đức Phanxicô đã không dùng quyền tông tòa của mình để giảng dạy về vấn đề đang tranh cãi này nên điều ngài nói không thay đổi gì về đức tin và giáo lý Công Giáo).