7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Vatican: Vì Không Có Thuốc Khác Để Thay Thế Các Loại Thuốc Chủng Ngừa Covid-19 Hiện Thời Có Thể Được Chất Nhận Là Hợp Đạo Lý


 

Bài của Carol Glatz, Catholic News Service. Nguyên bản tiếng Anh được đăng lại trên báo điện tử Northwest Catholic ngày 21 tháng 12, 2020. Sau cả năm trời chờ mong, hai thứ thuốc chủng ngừa Covid-19 đã ra đời. Nhưng các nhà chức trách vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc phân phối, tồn trữ và quản lý. Về mặt đạo đức cũng có nhiều quan ngại được nêu lên, vì những thứ thuốc chủng ngừa mới này được nghiên cứu và sản xuất bằng cách dùng những tế bào cấy trong phòng thí nghiệm, được rút ra từ những vụ phá thai (cell lines). Một bài nên đọc để hiểu rõ chính sách của giáo hội liên quan đến vấn đè này.


 

Vatican City - Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin (Doctrinal Office) nói rằng khi chưa có những thuốc chủng khác để thay thế, người ta có thể dùng các thứ thuốc chủng ngừa Covid -19 được bào chế hay thử nghiệm bằng những tế bào cấy trong phòng thí nghiệm, lấy từ những bào thai bị phá huỷ, việc này có thể chấp nhận được về mặt luân lý.

 

Tuy vậy, “việc dùng các thứ thuốc chủng như thế một cách hợp pháp không có hàm ý chính thức chấp thuận việc dùng các tế bào cấy trong phòng thí nghiệm, xuất phát từ các bào thai bị phá huỷ,”Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin cho biết như thế.

 

“Những công ty dược phòng cũng như những cơ quan sức khoẻ của chính phủ được khuyến khích sản xuất, chấp thuận, phân phối và cống hiến những loại thuốc chủng ngừa được chấp nhận hợp luân lý mà không gây ra những vấn đề lương tâm cho những nhà chăm sóc sức khoẻ cũng như những người được chích ngừa,” Bộ tuyên bố trong một văn thư công bố ngày 21 tháng 12.

 

Văn thư về “việc xử dụng một số thuốc chủng ngừa COVID -19” hợp luân lý đã được duyệt xét bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngày 17 tháng 12, và ngài đã ra lệnh cho công bố, Thánh Bộ cho biết.

 

Khi các thuốc chủng ngừa corona chủng mới, thứ siêu vi gây ra dịch bệnh COVID-19 đang được phân phối ở một số miền trên thế giới, thì Thánh Bộ đã nhận được nhiều yêu cầu hướng dẫn liên quan đến việc xử dụng những thuốc chủng mà trong tiến trình nghiên cứu và sản xuất, người ta đã dùng các mô lấy từ những vụ phá thai xảy ra vào thế kỷ trước.”

 

Thánh Bộ nói tiếp, “Những lời tuyên bố khác nhau và đôi khi tương phản của các giám mục, các hội đoàn Công Giáo và các chuyên gia trong các kênh truyền thông đại chúng đã nêu lên những câu hỏi về việc dùng những loại thuốc chủng ngừa này có hợp với luân lý không,”

 

Mặc dù đã có một số văn thư và huấn thị của Thánh Bộ và Giáo Hoàng Học Viện về Đời Sống liên quan đến những thuốc chủng đã được bào chế từ những tế bào cấy  như thế, “Thánh Bộ này vẫn muốn cung cấp thêm một số những chỉ thị mới để làm sáng tỏ việc này.”

 

Giáo Hội Công Giáo dạy rằng có nhiều mức độ trách nhiệm khác nhau liên quan đến trường hợp “đành phải hợp tác với điều ác” (passive material cooperation). Nghĩa là trách nhiệm của những người đưa ra quyết định dùng những tế bào cấy có nguồn gốc trái đạo đức, khác với trách nhiệm của những người  “không có tiếng nói trong quyết định như thế,” Thánh Bộ nói thế và viện dẫn huấn thị năm 2008 Dignitas Personae (Phẩm Giá Con Người) của Bộ.

 

Khi chưa có những thuốc chủng COVID-19 không đáng trách, nghĩa là hợp đạo lý hoàn toàn– thí dụ trong những nước mà những thuốc chủng ngừa hợp luân lý không được cung cấp cho các thầy thuốc và bệnh nhân, hay những nơi việc phân phối gặp khó khăn, hay có những trở ngại về lưu trữ hay những khi có nhiều loại thuốc chủng được phân phối trong một nước, nhưng các cơ quan sức khoẻ không cho phép các công dân được chọn thứ thuốc muốn dùng, thì việc tiếp nhận thuốc chủng COVID-19 cũng được chấp nhận là hợp luân lý, mặc dù thuốc chủng ngùa ấy đã dùng những tế bào cấy lấy từ bào thai bị phá hủy trong giai đoạn nghiên cứu hay sản xuất,” văn thư mới của Thánh Bộ viết như thế.

 

Dùng các thuốc chủng ngừa này được kể là hợp luân lý khi việc “đành phải hợp tác với điều ác” (passive material cooperation) chỉ có một liên hệ xa xôi đối với tội ác của một vụ phá thai “từ đó người ta lấy ra những tế bào cấy này”.

 

“Bổn phận tránh trường hợp ‘đành phải hợp tác với điều ác’ không còn tính cách bắt buộc, nếu có sự nguy hiểm trầm trọng như khi không còn cách nào khác để kiềm chế sự lây lan của một mầm bệnh (pathological agent) – trong trường hợp này đó là sự lan tràn của siêu vi SARS-CoV-2, thứ siêu vi gây ra COVID-19,”

 

Cho nên trong trường hợp như thế, văn thư viết tiếp, “tất cả mọi việc chích ngừa được nhìn nhận có an toàn lâm sàng và hữu hiệu có thể được xử dụng với lương tâm trong sáng, với sự hiểu biết vững chắc rằng dùng thuốc chủng ngừa như thế không tạo thành sự hợp tác chính thức với việc phá thai.”

 

Tuy nhiên, Thánh Bộ nhấn mạnh rằng “việc xử dụng hợp luân lý những kiểu thuốc chủng ngừa này, trong những hoàn cảnh riêng biệt được phép làm như thế, tự nó không tạo thành sự hợp pháp hoá nghề phá thai, dù chỉ là gián tiếp và giả định rằng những người dùng thuốc chủng ngừa phải có lập trường chống phá thai,”

 

Thánh Bộ nhắc lại lời kêu gọi những công ty dược phòng và các cơ quan chính phủ phải sản xuất, chấp thuận và phân phối những thuốc chủng ngừa được chấp nhận hợp luân lý, nghĩa là hoàn toàn không dùng những tế bào cấy bị ô nhiễm về luân lý.

 

Thánh Bộ cũng nói rằng “việc chủng ngừa, theo thông lệ, không phải là một nghĩa vụ luân lý, do đó nó phải là việc tự nguyện.”

 

Thánh Bộ nói thêm, theo quan điểm đạo lý, “Tính cách đạo lý của việc chủng ngừa không những tuỳ thuộc vào bổn phận bảo vệ sức khoẻ của riêng mình, nhưng còn vào bổn phận theo đuổi công ích.”

 

Nếu không còn cách nào khác để chận đứng, ngăn ngừa một đại dịch, Thánh Bộ nói, “công ích có thể khuyến cáo chủng ngừa, nhất là để bảo vệ những người yếu nhất và những người gặp nguy hiểm nhiều nhất.”

 

Những ai muốn từ chối vaccine được sản xuất với tế bào cấy lấy từ bào thai bị phá huỷ “vì lý do lương tâm phải cố gắng tối đa để tránh trở thành phương tiện truyền nhiễm siêu vi bằng những phương pháp phòng ngừa, và hành động thích hợp.

 

Họ phải tránh, không gây nguy hiểm cho sức khoẻ của những người không thể chủng ngừa vì lý do bệnh tật khác hay lý do khác, cũng như những người dễ bị lây nhiễm nhất.

 

Sau hết, Thánh Bộ nói “một mệnh lệnh luân lý cho các công nghiệp dược phòng, các cơ quan chính phủ và các tổ chức quốc tế là phải bảo đảm rằng những thuốc chủng ngừa an toàn và hữu hiệu về mặt y khoa, đồng thời được chấp nhận là hợp đạo lý phải được cung cấp cho những nước nghèo với giá cả không quá đắt cho họ.”

 

Nếu không, sự thiếu sót trong việc cung cấp này sẽ tạo thêm một dấu hiệu nữa về nạn kỳ thị và bất công, khiến cho những nước nghèo phải tiếp tục sống cảnh nghèo khó về phương diện sức khoẻ, kinh thế và xã hội.

 

Vũ Vượng dịch