7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

MỘT VIỆC THIÊNG LIÊNG ĐÍCH THỰC CẦN LÀM TRONG MÙA VỌNG



Doing some real Advent spiritual work

 

Bài của Đức Giám Mục Robert Barron. Nguyên bản tiếng Anh đăng trên Mạng Mục Vụ truyền thông Word on Fire ngày 1 tháng 12, 2020. Mùa Vọng này có lẽ là một Mùa Vọng âm thầm và giản đơn nhất từ trước tới nay vì hậu quả của đại dịch Covid-19. Nhưng không vì thế mà nó kém phần sốt sắng. Để cung cấp thêm bài viết về Mùa Vọng, Ban Thông Tin cộng đoàn xin giới thiệu bài này để mọi người có thể suy niệm thêm trong khi chuẩn bị đón mừng Con Chúa đến: điểm quan trọng nhất là ta phải nhận biết mình là kẻ tội lỗi đang cần ơn cứu độ của Chúa chúng ta.

 

Ta không thể sẵn sàng đón tiếp đấng Cứu Thế một cách đầy đủ trừ khi và trước khi ta cảm thấy từ tận đáy lòng rằng ta cần phải được cứu thoát khỏi một cái gì đó. Nếu ta không cần đến ơn cứu độ thì Giêsu sẽ nhanh chóng biến thành một trong những hiền nhân, một bậc thầy tình thần, trong một chuỗi dài những nhân vật tương tự trong lịch sử các nước. Lời ca từ cổ đại về Mùa Vọng. “Chúa ôi, Chúa ôi, xin đến cùng chúng tôi/ và cứu chuộc Israel bị giam cầm,/ đang cô đơn than khóc trong chốn lưu đầy này/ cho tới khi Con Chúa xuất hiện,” đã diễn tả rõ ràng chân lý căn bản này của đạo Kitô. Nếu ta không cảm thấy mình như những tù nhân bị giam cầm để đòi tiền chuộc, những người nam nữ bị kết án lưu đầy vô vọng, thì ta chưa thể hát những lời ca này với một tấm lòng gần như có thể gọi là xác tín.

 

Một đoạn trong Chương 63, Sách Tiên Tri Isaia cho thấy một loạt hình ảnh để giúp ta diễn tả cái ý nghĩa của tình trạng khốn đốn cần đến ơn cứu độ. Isaia than vãn, “Chúa ôi tại sao Chúa để chúng tôi lạc xa đường lối Chúa?” Cách dùng từ “lối đi” theo nghĩa bóng này thường thấy trong Kinh Thánh: có một lối đi được lập ra để cho ta đi trong trật tự thiên liêng nhưng phần lớn chúng ta có xu hướng bỏ quên mất.

 

Có một cái cảm giác mà ngày nay chỉ những ai đã đến tuổi nào đó mới có thể nhớ lại, và đó là cảm giác thấy mình tuy yên ổn nhưng thật sự đã bị lạc. Tôi giới hạn cảm giác này vào lớp tuổi khá lớn, vì ngày nay những máy chỉ đường tinh vi có thể cho ta tìm thấy điểm đến của mình một cách dễ dàng. Nhưng trước khi có những cái máy kỳ diệu này, khi mà chúng ta phải nhờ vào bản đồ, hay trường hợp xảy ra nhiều hơn, phải nhờ vào những chỉ dẫn đường đi viết nguệch ngoạc trên một miếng giấy, thì người ta dễ dàng lạc đường hơn nhiều. Khi tôi  mới 17 tuổi, và tất nhiên còn thiếu kinh nghiệm lái xe lắm, hôm ấy tôi đang chạy xe qua những đường phố ở Chicago, để tìm lối vào đường cao tốc. Nhưng tôi đã trật đường và ngay lập tức, khi bóng đêm đang tràn tới, tôi nhận thấy, với một cảm giác lo lắng ít có, rằng tôi thực sự không biết mình đang ở đâu và đang đi đâu.

 

Hài kịch Divine Comedy của Dante (một thi hào vĩ đại của nước Ý) bắt đầu với những dòng này: “Nửa đường trên cuộc nhân sinh/Ta đã tỉnh giấc và thấy mình đi lạc trong rừng tối/ Vì đã lạc xa con đường thẳng.” Dù cho bạn đã tìm được thành công lớn trong nghề nghiệp. Dù cho bạn khá mãn nguyện về gia đình và bạn bè và địa vị xã hội của mình, tôi vẫn đoán rằng trong cõi lòng sâu thẳm, bạn vẫn cảm thấy lạc hướng và thật sự không biết mình đang đi về đâu. Như Dante đã biết bằng trực giác rằng cảm tưởng này thường xảy ra vào lúc nửa đời. Nhưng tất cả chúng ta đều biết sự thật này ở những mức độ khác nhau. Dù có thể đau lòng đấy, nhưng bạn hãy đi vào không gian tâm linh đó trong Mùa Vọng này. Hãy để cho mình có cái cảm giác lạc đường, lạc hướng như thế nào. Rồi bạn sẽ có thể la lớn kêu cầu đấng đã nói, “Ta là đường đi, là sự thật và là sự sống.” (Gioan 14:6)

 

Lời than vãn thứ hai của Tiên Tri Isaia là: “Tại sao ngài để … trái tim chúng tôi thành chai đá để chúng tôi không sợ ngài?” Đối với các tác giả Thánh Kinh, trái tim là nơi ở của tình cảm, tư tưởng và hành động - cốt lõi của nhân thân. Đúng ra nó phải mềm dẻo để Chúa có thể uốn nắn dễ dàng theo đúng mục đích của ngài. Trái tim chai đá giống như đất sét khô, giòn dễ bể nát khi người thợ gốm thần linh chỉ mới chạm tay vào. Khi ta quá ham mê về những kế hoạch và dự án riêng tư, khi ta quá coi trọng những đặc quyền của cái “tôi”, trái tim của ta hóa ra chai đá. Trong thư gửi tín hữu Thành Galatia, Thánh Phaolô thốt lên lời kêu van ngây ngất này: “Không còn phải là tôi sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2:20). Đây là ngôn từ của một người đã để cho Chúa uốn nắn trọn vẹn trái tim mềm dẻo của mình, một người đã đem kịch bản tự tại của mình đổi lấy kịch bản của Chúa. Trong Mùa Vọng này, ta phải tìm hiểu phẩm chất của trái tim mình. Vì sao chúng ta cứ chống lại kiểu cách Chúa muốn uốn nắn chúng ta? Chỉ có những ai biết được mình có trái tim chai đá mới biết trông mong Thánh Tâm Chúa đến một cách đích thực.

 

Lời than vãn thứ ba và sau cùng của Isaia là: “Kìa, ngài đang giận dữ, vì chúng tôi tội lỗi; tất cả chúng tôi đã thành ra như kẻ ô uế.” Nếu đọc bất cứ hai trang liên tiếp nào của Kinh Thánh, Cựu cũng như Tân Ước, thật khó mà không gặp một câu nói về cơn thịnh nộ của Chúa. Gạt qua một bên ý tưởng này thì không ổn rồi, vì dường như đó là một điều bất hạnh còn lại sau một thời gian tăm tối. Nhưng ta phải thận trọng đừng khích động ý tưởng này đến độ có thể gợi ý rằng Chúa bay (trên không) giống như một người cha nổi trận lôi đình một cách hỗn độn trong một cơn thịnh nộ vì bị khinh dể. Tôi thiển nghĩ cơn giận của Chúa là một cách nói ám tỷ mỹ miều để chỉ lòng tha thiết chỉnh đốn mọi việc cho ngay thẳng của Chúa. Khi tội lỗi vả bất công xóa nhoà vẻ đẹp của những tạo vật được yêu thương của Chúa, khiến họ phải đau khổ; thì Chúa không thể ngồi yên. Ngài điên lên, có thể nói như vậy, để chỉnh đốn lại tình thế. Cho nên trong Mùa Vọng này, tất cả chúng ta phải phát hiện những hành động và thái độ của ta làm Chúa phải nổi giận. Tôi nhận thấy rõ nền văn hóa này dạy ta bằng cả ngàn cách rằng ta vô tội: “Tôi có tội gì đâu, anh có tội gì đâu.” Nhưng Thánh Kinh lại dạy ta phải nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi. Xin nói lại một lần nữa đây không phải là một bài tập trị bệnh tự trách mình, một bệnh tâm thần trầm trọng, nhưng là một ý chí can đảm phó dâng sự yếu đuối của ta cho vị lương y là Chúa, để cho Thiên Chúa của công lý chỉnh đốn mọi việc nơi ta. Bao lâu chưa làm điều này, ta không bao giờ hiểu thấu được đấng đã nói, “Ta đã đến để thắp nên một ngọn lửa trên trái đất này.” (Luca 12:49), cũng là đấng, trong một cơn thịnh nộ hiên ngang, đã lật nhào những cái bàn (của bọn lái buôn) trong đền thờ.

 

Cho nên để cho Lễ Giáng Sinh không trở thành một ngày hội thế tục vô vị, tất cả chúng ta hãy làm một việc đích thực của Mùa Vọng: cố tìm hiểu ta bị sa lạc như thế nào, trài tim ta bị chai đá thế nào, và ta đã khơi dậy cơn thịnh nộ của Chúa như thế nào.

 

Vũ Vượng dịch