7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

VỤ LY GIÁO LỚN TRONG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO



(THE WESTERN SCHISM)

 

LỜI GIỚI THIỆU: Mới đây, trong một bài giảng, Cha Chính Xứ có đề cập đến cuộc khủng hoảng ngôi giáo hoàng xảy ra vào thế kỷ mười bốn tại Âu Châu. Một bài giảng ngắn gọn không thể nói hết về một chương lịch sử đau buồn của Giáo Hội Công Giáo. Để cung cấp thông tin cho những ai muốn tìm hiểu thêm về vấn đề này, Hiệp Nhất xin giới thiệu một bài lấy từ nguồn internet được dịch sang Việt ngữ. 

Từ xưa toà thánh của Giáo Hội Công Giáo vẫn đặt tại thành Rome, nước Ý. Nhưng từ năm 1309 đến 1377(68 năm), toà thánh được dời về thành Avignon, nước Pháp. Năm 1377, Giáo Hoàng Gregorio XI đưa tòa thánh trở lại thành Rome. Nhưng năm kế tiếp ngài qua đời. Từ đó những lộn xộn lớn đã xảy ra, làm chia rẽ giáo hội, với những cuộc bầu giáo hoàng và giáo hoàng đối lập xảy ra liên tiếp. Từ 1378 đến 1417 lúc nào cũng có hai hay ba giáo hoàng tranh chấp với nhau. Vì nhiều lý do, các vị này thường không được lâu, nên số giáo hoàng được bầu lên trong thời kỳ này rất nhiều. Đó là các vị: Urbano VI, Clemente VII, Benefacio IX, Benedetto XIII Innocente VII, Allessandro V, Giovanni XXIII, Gregorio VII, Benedetto XIV, Martino V, và Clemente VIII.

  Vụ ly giáo trong Giáo Hội Công Giáo Phương Tây, hay chia rẽ về ngôi giáo hoàng, là một đổ vỡ trong Giáo Hội Công Giáo kéo dài từ năm 1378 đến 1417 (39 năm). Trong giai đoạn đó ba người đồng thời tự xưng là giáo hoàng thực th. Động lực thúc đẩy có tính cách chính trị nhiều hơn là bất cứ bất đồng nào về thần học. Vụ ly giáo đã kết thúc nhờ Cộng Đồng Constantine (1414-1418). Trong một thời gian những người tranh ngôi giáo hoàng này đã làm tổn hại cho danh tiếng của chức vụ này.


NGUỒN GỐC

Vụ ly giáo trong Giáo Hội Công Giáo La Mã Tây Phương là hậu quả của việc chuyển toà thánh trở về thành Rome ngày 17 Tháng Giêng năm 1377 dưới thời Giáo Hoàng Gregorio XI, chấm dứt thời kỳ toà thánh được đặt tại Avignon (nước Pháp). Trong thời kỳ này toà thánh đã bị mang tiếng là tham nhũng, khiến cho nhiều thành phần trong Giáo Hội Công Giáo Phương Tây phải xa lánh. Tiếng xấu này có thể là do những cảm tưởng cho rằng nước Pháp có ảnh hưởng quá mạnh, và toà thánh cố mở rộng quyền bảo hộ để tăng thêm huê lợi.

Sau khi Giáo Hoàng Gregorio chết vào năm 1378, người La Mã nổi loạn đòi bầu cho bằng được một người thuộc phe Rome làm giáo hoàng. Ngày 8 Tháng Tư năm 1378, các hồng y đã bầu một người thành Naples, miền nam nước Ý, vì không có một ứng viên nào thuộc thành Rome có vẻ sáng giá. Urbano VI, tên khai sinh là Bartolomeo Prignano, tổng giám mục thành Bari đã được bầu lên. Urbano đã từng là một nhà quản trị được kính trọng trong tòa thánh tại Avignon. Nhưng khi làm giáo hoàng vị này tỏ ra đa nghi, có xu hướng đổi mới và dễ nổi nóng. Nhiều hồng y đã bầu ngài lên chẳng bao lâu hối tiếc vì quyết định của họ. Đa số đã tự rời khỏi Rome tới Anagni. Tại đây họ đã bầu Robert of Geneva lên làm một giáo hoàng đối lập ngày 20 Tháng Chín năm 1378, trong khi Urbano vẫn trị vì. Robert lấy danh hiệu Clemente VII, và tái lập tòa thánh tại Avignon. Cuộc bầu cử thứ hai này khiến cho giáo hội rối tung. Trước đó đã từng có những giáo hoàng đối lập rồi - nghĩa là những người tranh ngôi giáo hoàng - nhưng hầu hết họ được chỉ định bởi những phe phái khác nhau. Lần này chỉ có một nhóm lãnh đạo của giáo hội đã tạo ra một giáo hoàng và một giáo hoàng đối lập.


Cuộc xung đột nhanh chóng leo thang thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao làm cho Châu Âu thành chia rẽ. Các nhà lãnh đạo thế quyền phải lựa chọn người tranh chức giáo hoàng nào để thừa nhận. Các nước như Pháp, Aragnon, Castile và Léon, Cyprus, Burgundy, Savoy, Naples, Scotland, và phe phiến loạn của Owain Glyndwr ở Wales thừa nhận người tranh chức giáo hoàng ở Avignon. Trong khi Đan Mạch, nước Anh, Flanders, đế quốc Holy Roman Empire, Hungary, Ái Nhĩ Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Balan, Thuỵ Điển, Cộng Hoà Venice và các tiểu quốc ở miền bắc nước Ý thừa nhận người tranh ngôi giáo hoàng ở Rome. Ở bán đảo Iberian đang có cuộc chiến tranh của Vua Ferdinand và cuộc khủng hoảng 1383-1385 ở Bồ Đào Nha, trong thời kỳ này, những phe chống đối nhau cũng (chọn lựa) những người tranh ngôi giáo hoàng nào để ủng hộ


HẬU QUẢ

Được ủng hộ bởi những quốc gia và phe phái đối nghịch trong khắp nơi của Giáo Hội Công Giáo, cuộc ly khai tiếp tục cho đến khi cả hai người tranh ngôi giáo hoàng đầu tiên đã chết. Benefacio IX lên ngôi ở Rome năm 1389 và Benedetto XIII, lên ngôi ở Avignon từ năm 1394, vẫn duy trì hai tòa thánh đối lập với nhau. Khi Benefacio chết năm 1404, tám hồng y của Hội Đồng Hồng Y của Rome tự nguyện hoãn lại cuộc bầu cử giáo hoàng mới, nếu Benedetto chịu từ chức, nhưng khi những sứ giả của vị này từ chối thay cho ông, phe Rome liền tiến hành bầu ra Innocente VII. Trong tinh thần phe phái đặc biệt của thời trung cổ, cuộc ly khai đã sinh ra thù hận cuồng nhiệt giữa các phe phái.

Đã có nhiều nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc ly khai bằng vũ lực hay ngoại giao. Vua nước Pháp còn cưỡng bức Benedetto XIII mà họ ủng hộ trên danh nghĩa, phải từ chức. Không có phương thuốc nào trong số này đem lại kết quả. Mặc dù đã có đề nghị triệu tập một công đồng giáo hội từ năm 1378, nhưng lúc đầu không được chấp nhận vì giáo luật đòi hỏi chỉ có một giáo hoàng mới có thể triệu tập công đồng. Sau cùng, các nhà thần học như Pierre d’Ailly và Jean Gerson, cũng như các luật gia giáo luật như Francesco Zabarrella, đã chấp nhận lý luận rằng luật công bằng (một thứ luật thường được dùng để sửa chữa những khiếm khuyết của thường luật) cho phép giáo hội hành động vì sự ổn định của chính mình, không cần theo sát mặt chữ của luật (thường luật.)

Sau cùng các hồng y của cả hai phe đã đạt được thỏa thuận rằng Benedetto và Gregorio XII sẽ gặp nhau tại Savona. Họ đã chùn lại vào phút chót, rồi cả hai hồng y đoàn đã bỏ rơi giáo hoàng của họ. Một công đồng giáo hội họp tại Pisa năm 1409 dưới sự bảo trợ của các hồng y cố giải quyết vụ tranh chấp. Vào khoá họp thứ mười lăm ngày 5 Tháng Sáu năm 1409 Cộng Đồng Pisa đã truất ngôi hai giáo hoàng của họ vì lý do ly giáo, lạc đạo, bội ước và lũng đoạn. Nhưng việc này lại gây rắc rối thêm khi họ bầu lên một vị đương nhiệm khác là Allessandro V. Vị này trị vì ngắn ngủi từ 26 Tháng Sáu năm 1409 cho đến khi chết vào năm 1410, người kế vị là Giovanni XXIII (Gioan XXIII, không phải Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII của công đồng Vaticano II). Vị này được một số người ủng hộ, nhưng không được tất cả ủng hộ.


 KHỦNG HOẢNG ĐƯỢC GIẢI QUYẾT

Sau cùng một công đồng được triệu tập tại Constance (ở miền tây nam nước Đức) bởi Giáo Hoàng Giovanni XXIII năm 1414 để giải quyết vấn đề này. Sự việc được chấp thuận bởi Gregorio XII và người kế vị của Innocente VII ở Rome, do đó bảo đảm được tính hợp pháp của bất cứ cuộc bầu cử nào. Cộng đồng này, với sự cố vấn của nhà thần học Jean Gerson, đã đạt được sự từ chức của Giovanni XXIII và Gregorio VII  năm 1415, đồng thời phạt vạ tuyệt thông người tranh ngôi giáo hoàng không chịu rút lui là Benedetto XIII. Cộng đồng bầu lên Giáo Hoàng Martino V năm 1417, chấm dứt được cuộc ly giáo về cơ bản. Tuy vậy ông hoàng xứ Aragon không nhìn nhận Martino V và tiếp tục thừa nhận Benedetto XIII. Các tổng giám mục trung thành với Benedetto XIII sau đó bầu lên một giáo hoàng đối lập là Benedetto XIV, và đồng thời một giáo hoàng đối lập nữa là Clemente VIII được bầu lên bởi ba người ủng hộ, nhưng tới đó vụ ly giáo trong Giáo Hội Phương Tây trên thực tế đã kết thúc. Clemente VIII từ nhiệm năm 1429, có vẻ như đã thừa nhận Giáo Hoàng Martino V.


Vũ Vượng dịch.