7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

TÔN VINH CÁC VỊ TỬ ĐẠO BẰNG CÁCH GIỮ VỮNG ĐỨC TIN VÀ TRANH ĐẤU CHO MỘT NƯỚC IRAQ TỐT ĐẸP HƠN



Pope: Honor martyrs by remaining faithful, working for a better Iraq

 

 

Bản tin CNS/Cindy Wooden ngày 5 tháng 3, 2021

 

 

BAGHDAD – Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm nhà thờ chính tòa ở Baghdad, nơi “đã được vinh danh bởi máu của anh chị em chúng ta”, những người đã bị sát hại trong một cuộc tấn công khủng bố khiến cả thế giới phải run sợ. Ngài nói rằng sự hy sinh của họ phải thúc đẩy chúng ta có thêm đức tin và quyết tâm tranh đấu cho công ích.

 

Nhà Thờ Chính Tòa Đức Bà Giải Thoát, của Giáo Hội Công Giáo Syriac, đôi khi còn được gọi là Nhà Thờ Đức Bà Ơn Cứu Độ, nay đã trở thành đền thánh của 48 Kitô hữu tử đạo, chết ngày 31 tháng 10, 2010, khi quân phiến loạn thuộc một tổ chức có liên hệ với al-Qaida bao vây nhà thờ, nổ mìn và bắn giết. Có 48 người Công Giáo - trong đó có hai linh mục - đã chết bên trong và gây thương tích cho hơn 100 người khác.

 

Hình của những người chết, trong đó có một em bé 3 tuổi, được treo bên trên bàn thờ.

 

Theo tin Vatican, trước cuộc tấn công khủng bố này, và cuộc chiến chống quân khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo từ 2014 - 2017, có khoảng 5000 gia đình Công Giáo Syriac thường tới lui nhà thờ này, nhưng giờ đây, nguồn tin này cho biết, chỉ còn không tới 1000 gia đình thuộc cả ba cộng đồng Công Giáo Syriac chính ở tại thủ đô này.

 

Ngày 5 tháng 3 trong nhà thờ này Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp các giám mục trong nước và một đoàn đại diện của các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên. Họ thuộc cộng đồng Công Giáo Syriac, những Giáo Xứ Công Giáo Chaldean, Công Giáo Armenian, và Công Giáo theo phụng vụ Latinh.

 

Đức giáo hoàng nói với họ rằng trong khi tưởng nhớ 48 người này - hiện nay việc phong thánh đang tiến hành - và vô số các tín hữu khác đã bị giết trong thập niên sau đó phải “là nguồn cảm hứng để đổi mới lòng tin cậy của riêng ta vào sức mạnh của thánh giá với thông điệp tha thứ, làm hòa và tái sinh của thánh giá.”

 

“Các Kitô hữu được kêu gọi làm chứng cho tình yêu của Chúa Kitô ở mọi nơi mọi lúc,” ngài nói, “Đây là Phúc Âm cần phải được rao giảng và trở thành một phần cốt yếu của đất nước thân yêu này nữa.”

 

Đức Thượng Phụ Ignace Joseph III Younan đón chào đức giáo hoàng tới nhà thờ chính tòa này nói với ngài rằng “48 người này đã hòa máu của họ với máu của Con Chiên,” để cho “những anh chị em bị áp bức, sát hại hay bị gạt ra khỏi quê hương của họ ở Iraq và miền Trung Đông” thấy rằng Chúa Phục Sinh tiếp tục đồng hành với dân người.

 

Đức Hồng Y Louis Sako, giáo chủ Baghdad, thượng phụ của Công Giáo Chaldean, nói với đức giáo hoàng rằng Nhà Thờ Chính Tòa Công Giáo Syriac và những vị tử đạo của họ là một dấu chỉ mạnh mẽ và sắc bén về những gì các Kitô hữu ở khắp nước đã phải chịu đựng và vượt qua trong thập niên qua.

 

Trong khi số người theo đạo Kitô đã tụt xuống trong 20 năm qua, theo lời đức hồng y, có nhiều người vẫn ở lại và giữ gìn được đức tin, tinh thần bình thản và tình huynh đệ đùm bọc lẫn nhau của họ.”

 

Ngài nói thêm với đức giáo hoàng, “Cuộc thăm viếng của đức thánh cha, cho chúng con sức mạnh để vượt qua nghịch cảnh, giúp chúng con vững tin rằng chúng con không bị bỏ quên và sinh ra trong lòng chúng con lòng tự tin và hăng hái để tiếp tục cuộc hành trình đức tin của những chứng nhân truyền giáo.”

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói ngài hiểu được hoàn cảnh khiến cho cộng đồng Kitô hữu nhỏ bé của đất nước này, vốn đã có mặt tại đây ngay từ thế kỷ thứ nhất, bị giảm sút tinh thần hăng hái.

 

“Chúng tôi biết con siêu vi của sự nản chí đôi khi có thể gây nhiễm khắp nơi quanh ta như thế nào rồi. Nhưng Chúa đã cho chúng ta một thứ thuốc chủng ngừa rất công hiệu để chống thứ siêu vi độc hại này. Đó là niềm hy vọng phát sinh từ lời cầu nguyện kiên trì và lòng trung tín với nhiệm vụ tông đồ của chúng ta.” rồi ngài nói tiếp:

 

“Nhờ thuốc chủng ngừa này, ta có thể tiến bước với sức mạnh mới, để chia sẻ niềm vui của Phúc Âm với tư cách là những môn đệ truyền giáo và những dấu chỉ sống động của vương quốc thánh thiện của Chúa, công lý và hoà bình.”

 

Nhiều lần các phụ nữ trong cộng đoàn đã hưởng ứng bài diễn văn của đức giáo hoàng bằng những lời ca ngợi vang dội.

 

Với sự hiện diện của nhiều cộng động Công Giáo khác nhau, đeo khẩu trang và giữ giãn cách xã hội bên trong nhà thờ, đức giáo hoàng cũng khuyến khích họ ra đi gặp gỡ lẫn nhau và gặp gỡ những Kitô hữu khác.

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói họ nên nghĩ đến một tấm thảm quý giá. “Những giáo hội khác nhau ở Iraq, với những di sản riêng về tinh thần, lịch sử, và phụng phụ từ lâu đời giống những sợi chỉ riêng biệt đủ màu sắc được dệt lại làm nên một tấm thảm xinh đẹp duy nhất, một tấm thảm trưng bày không những tình huynh đệ của chúng ta nhưng còn chỉ rõ cội nguồn của nó là ai.”

 

“Chính Chúa là người nghệ sĩ đã tưởng tượng ra tấm thảm này, kiên trì thêu dệt nên nó và thận trọng sửa sang nó, muốn cho chúng ta phải siết chặt lại với nhau như anh chị em,” đức giáo hoàng nói thế.

 

“Nhưng vì là con người dễ sa ngã, nhiều cá nhân cũng như đoàn thể có thể tạo ra những khúc rối ngăn chặn tiến trình thêu dệt,” ngài nói thế. Những khúc rối này có thể được cởi gỡ bằng ân sủng, bởi tình yêu rộng lớn hơn. Chúng có thể được cởi gỡ bằng thứ thuốc gọi là tha thứ và đối thoại trong tình anh em, bằng cách người này đỡ lấy gánh nặng của người kia một cách nhẫn nại và tăng cường sức mạnh cho nhau khi gặp khó khăn thử thách.

 

Sau bài diễn văn của đức giáo hoàng, cộng đoàn, giữ đúng giãn cách xã hội, đã cùng đọc kinh “Lạy Cha” bằng tiếng Ả Rập.

 

Đức giáo hoàng ký tên vào Sổ Danh Dự của nhà thờ, ghi lại một thông điệp cho các thành viên Cộng Đoàn Công Giáo Syriac.

 

Cuộc thăm viếng của đức giáo hoàng được hàng ngàn người xem qua truyền hình vệ tinh trực tuyến ở Iraq và khắp miền Trung Đông.

 

Vũ Vượng dịch