7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

DÙ CAM GO NHƯNG ĐỨC GIÁO HOÀNG NÓI CÓ NHIỀU LÝ DO ĐỂ TA PHẢI BIẾT ƠN

 Pope Francis is helped down the steps during a prayer service in St. Peter's Basilica at the Vatican March 29, 2019. Recurring bouts of sciatica, a painful back ailment, often mean the pope needs assistance walking up and down steps. (CNS photo/Remo Casilli, Reuters)



Despite Hardship, Pope Says There Is Much for Which To Be Thankful


 

Bài của Juno Arocho Eteves. Nguyên bản tiếng Anh đăng trong CNS ngày 31 tháng 12, 2020.  Đức Thánh Cha đang bị đau thần kinh tọa. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm bản thân về bệnh này, ít ra bạn cũng đã từng nghe ai đó mô tả nó đau đớn khó chịu như thế nào rồi. Ngài đành phải bỏ lỡ hai nghi lễ quan trọng mà ngài thường chủ tọa vào dịp hết năm cũ đầu năm mới, tuy vậy ngài vẫn gắng sức nguyện kinh Truyền Tin từ trong thư viện của ngài.


 

Ngày 31 tháng 12, 2020

 

Sự vắng mặt đáng chú ý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong nghi lễ phụng vụ cuối cùng của năm 2020 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô đã kết thúc một năm đầy khó khăn của Tòa Thánh Vatican và của toàn thế giới.

 

Tuy vậy Đức Giáo Hoàng Phanxicô , qua những nhận định của ngài được Hồng Y Giovanni Batista Re, người đứng đầu hồng y đoàn, đọc lên, đã thúc dục người ta tìm ra ý nghĩa trong cơn đại dịch.

 

Đức giáo hoàng nói cảm tạ Chúa sau một năm như thế này có vẻ như “miễn cưỡng, rùng mình”

nhất là đối với những ai đã phải mất đi người thân yêu, bị ngã bệnh hay mất việc làm.

 

“Đôi khi người ta có thể hỏi, “Đâu là ý nghĩa của tấm thảm kịch này?” Ta chớ vội vã  trả lời câu hỏi này. Đối với những câu hỏi  “tại sao” của chúng ta, ngay cả Chúa cũng không trả lời bằng cách chỉ ra những lý do cao xa, đức giáo hoàng viết như thế.

 

Ngài nói tiếp Chúa không phải là một ai “muốn hy sinh con người cho một chương trình vĩ đại,” nhưng trái lại ngài là một người cha chăn dắt đàn chiên, đầy tình yêu thương.

 

“Chúa là một mục tử, và có mục tử nào lại muốn bỏ rơi dù chỉ một con chiên, mặc dù biết rằng trong khi đó (trong khi đi tìm) anh ta đang để cho những chiên khác phải bơ vơ? Không, không có một Thiên Chúa ích kỷ và tàn nhẫn như thế. Đó không phải là Chúa mà chúng ta ngợi khen và “tuyên xưng ‘Lạy Chúa’”, Đức Hồng Y Re đọc tiếp.

 

Người Kitô hữu, đức giáo hoàng viết, có thể tìm thấy ý nghĩa trong gương sáng của Người Samaria nhân hậu, vì động lòng thương mà chăm sóc cho người xa lạ.

 

“Có lẽ tại đây ta có thể tìm thấy ý nghĩa của thảm kịch đại dịch này, cũng như những thảm họa khác đã tàn phá nhân loại: ý nghĩa đó là khơi dạy trong ta lòng cảm thương và những thái độ, cử chỉ gần gũi, chăm sóc, tương thân tương ái.,” đức hồng y đọc tiếp.

 

Mấy giờ trước, người phát ngôn của Vatican là Matteo Bruni nói Đức Giáo Hoàng Phanxicô, năm nay đã 84, sẽ không chủ toạ buổi cầu nguyện truyền thống vào cuối năm, cũng như thánh lễ đầu năm ngày hôm sau vì bệnh thần kinh tọa đau đớn. Tuy vậy Bruni xác nhận rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ xướng kinh Truyền Tin trong thư viện của Tông Tòa ngày 1 tháng 1 như đã lên lịch.

 

Khoảng 150 tín hữu và 25 hồng y, đã tham dự nghi thức cầu nguyện ngày 31 tháng 12 tại Bàn Thờ Tông Tòa (Alter of the Chair) trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Nghi lễ bắt đầu với Lời Nguyện Kinh Chiều trong buổi tối trước lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.

 

Các tín hữu được hòa điệu bởi tiếng hát thanh thoát của ban hợp ca Nguyện Đường Sistine vang khắp ngôi vương cung thánh đường có tuổi đời nhiều thế kỷ, với những lời ca bằng tiếng Latinh và tiếng Ý. Phụng vụ gồm có bài hát Te Deum (Lạy Chúa, Chúng Con Ca Ngợi Chúa) để cảm tạ vì những hồng ân trong năm qua, cũng như giờ Chầu Thánh Thể và nghi thức Chúc Lành.

 

Đức Hồng Y Re đọc bài giảng đã soạn sẵn của đức giáo hoàng, nói rằng bất kể những cam go ta đã phải chịu suốt năm qua, người Kito hữu phải cảm tạ Chúa về nhiều điều tốt lành đã xảy ra, và vì nhiều người đã âm thầm cố gắng làm cho gánh nặng của cuộc thử thách này được nhẹ bớt.

 

Các bác sĩ, y tá, và những công nhân y tế tình nguyện, cũng như các linh mục, tu sĩ nam nữ, phải luôn luôn được chúng ta cầu nguyện cho và đáng được chúng ta biết ơn,” đức giáo hoàng viết thế.

 

Ngài cũng biểu lộ lòng biết ơn đối với những ai “đang phấn đấu hàng ngày để gìn giữ gia đình và tiếp tục phục vụ công ích bằng tất cả khả năng của mình”.

 

“Chúng tôi đang nghĩ cách riêng đến những người quản trị học đường, các thầy giáo đang đóng một vai trò thiết yếu trong xã hội và đang phải đối phó với một tình thế phức tạp,” Hồng Y Re đọc tiếp, “Với lòng biết ơn, chúng ta cũng nghĩ đến những quản lý viên nhà nước biết sử dụng một cách tốt đẹp nhất những nguồn lực có sẵn trong thành phố, trong lãnh thổ, tự tách rời khỏi những nhóm quyền lợi riêng,  xa rời ngay cả những thành viên trong đảng của họ, thực sự theo đuổi công ích, giúp đỡ trước tiên cho những người bị thiệt thòi nhất.”

 

Khi đọc xong bài giảng của đức giáo hoàng, Hồng Y Re nói “tất cả những ai biết đặt nặng nhu cầu của người khác đều được thúc đẩy bởi sức mạnh của Chúa, mãnh liệt hơn lòng ích kỷ của chúng ta.”

 

“Đây là lý do để ta ngợi khen Chúa, bởi vì ta tin và biết rằng tất cả những gì tốt lành được hoàn thành mỗi ngày trên mặt đất, xét cho cùng, đều đến từ ngài. Và hướng về tương lai đang chờ đợi trước mắt, một lần nữa chúng ta van xin: “Nguyện xin lòng thương xót Chúa ở với chúng con luôn mãi, chúng con hy vọng nơi ngài.”

 

 

Vũ Vượng dịch