7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

ĐỨC GIÁO HOÀNG NÓI: ĐỂ SỐNG MÙA CHAY, BẠN NÊN HỎI ĐỜI TA ĐANG TẬP TRUNG VÀO CHÚA HAY VÀO CHÍNH TA?

   Pope Francis sprinkles ashes on the head of a priest during Ash Wednesday Mass in St. Peter's Basilica at the Vatican Feb. 17, 2021. (CNS photo/Guglielmo Mangiapane, Reuters)


For Lent, ask if one's life is centered on God or oneself, pope says


Bài của  Carol Glatz, Catholic News Service

Feb 17, 2021 US/World


Đức Giáo Hoàng Phanxicô xức tro trên đầu một linh mục trong Thánh Lễ thứ tư Lễ Tro tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, Vatican ngày 17 tháng 2 vừa qua.

 

Vatican City – Mùa Chay là thời gian để xét lại đường đời ta đang đi để rồi đáp ứng lời mời gọi của Chúa trở lại với ngài bằng tất cả tâm hồn, đức giáo hoàng nói thế.


 

“Cốt yếu cùa Mùa Chay không phải chỉ là những hy sinh nho nhỏ ta làm, nhưng còn là suy xét lòng ta đang hướng về đâu, về Chúa hay về chính ta?” đức giáo hoàng nói thế.


 

Đây là những nhận định của đức giáo hoàng trong bài giảng Thánh Lễ thứ tư Lễ Tro ngày 17 tháng 2, gồm có làm phép tro và xức tro để mở đầu mùa chay thánh theo phụng vụ Công Gíáo Latinh.


 

Vì những biện pháp hạn chế để ngăn ngừa siêu vi Corona hiện hành, Thánh Lễ và nghi thức xức tro đã diễn ra trong một cộng đoàn chỉ hơn 100 người một chút, tại Bàn Thờ chính của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.


Đức Giáo Hoàng Phanxicô không đi rước theo truyền thống từ Nhà Thờ Thánh Anselm tới Vương Cung Thánh Đường Santa Sabina trên đồi Avantine của Thành Rome, để người ta khỏi tụ tập đông đảo dọc theo lộ trình.


Trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, đức giáo hoàng được xức tro trên đầu bởi Hồng Y Angelo Comastri là tư tế chính của vương cung thánh đường này, rồi ngài xức tro cho mấy chục hồng y, cũng như các linh mục, thày sáu phụ tế với ngài trong Thánh Lễ.


Trong bài giảng đức giáo hoàng nói ta phải cúi đầu chịu tro để chứng tỏ lòng “khiêm hạ” trong khi suy gẫm về cuộc đời, những tội lỗi của mình và mối liên hệ với Chúa.


“Mùa Chay là hành trình trở lại với Chúa,” nhất là khi, trong cuộc sống mỗi ngày người ta thường làm lơ hay trì hoãn không muốn đáp ứng lời Chúa mời gọi cầu nguyện và làm một việc gì đó cho người khác.


“Đây cũng là thời gian để xét lại con đường ta đang đi, để tìm ra con đường đưa ta về nhà, và tái khám phá mối liên hệ sâu xa của ta với Chúa, đấng mà ta phải tùy thuộc trong mọi sự,” ngài nói.


“Hành trình Mùa Chay là cuộc vượt thoát khỏi kiếp nô lệ đi tìm tự do,” ngài nói, lưu ý ta về những cám dỗ dễ dàng dọc theo đường đi, như nhớ tiếc quá khứ, bị cản trở bời những “gắn bó không lành mạnh, bởi những cạm bẫy quyến rũ của tội lỗi, bởi sự vững chắc giả tạo của tiền bạc và vẻ bề ngoài hào nhoáng, bởi những bất mãn làm ta tê liệt. Để đăng trình ta cần phải gỡ bỏ mặt nạ của những thứ ảo tưởng này.”


Con đường trở lại với Chúa, ngài nói, bắt đầu khi ta nhận ra, như đứa con hoang đàng, thế nào  rồi ta cũng thành trắng tay với một trái tim đau khổ,” sau khi đã phung phí hết những phúc lộc Chúa ban “vào những việc nhảm nhí, rồi tìm kiếm sự tha thứ của Chúa bằng cách hối lỗi.


Một lần nữa đức giáo hoàng nhắc nhở những cha giải tội phải nên giống như người cha trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, không được dùng  “roi vọt” (để trừng phạt)  nhưng phải mở rộng vòng tay ôm ấp.


“Cuộc  hành trình này không dựa trên sức mạnh của riêng ta. Lòng hoán cải thâm sâu, kèm theo những việc làm và những phương thế để biểu lộ thống hối, chỉ có thể bắt đầu bằng việc làm của Chúa trước hết” và nhờ vào ơn Chúa, đức giáo hoàng nói tiếp.


Cái làm cho người ta nên công chính không phải là sự chính đáng mà người ta phô trương cho người khác biết, “nhưng là sự liên kết chân thành với Chúa Cha,” sau khi đã nhận ra ta không thể tự mình giúp mình được, nhưng cần phải có Chúa, lòng thương xót và ân sủng của ngài.


Đức giáo hoàng xin mỗi người suy niệm về Chúa Kitô chịu nạn mỗi ngày và nhìn thấy nơi những thương tích của ngài, sự “trống rỗng, những khiếm khuyết của ta, những vết thương do tội lỗi gây ra cho ta và tất cả những đau đớn mà ta đã trải nghiệm,”


“Ta thấy rõ ràng Chúa không giằn mặt bất cứ ai, nhưng trái lại luôn mở rộng vòng tay để ôm chúng ta vào lòng,” đức giáo hoàng nói thế.


Chính ở nơi những vết thương đau đớn nhất của cuộc đời mà Chúa chờ đợi với lòng thương xót vô biên, bởi vì chính ở nơi đó, “nơi mà chúng ta dễ bị thương tổn nhất, nơi mà chúng ta cảm thấy tủi hổ nhất” và nơi mà ngài đến để gặp lại con cái của ngài.


“Và giờ đây,” đức giáo hoàng nói tiếp, “ngài mời gọi chúng ta trở lại với Chúa, để tìm lại được niềm vui của kẻ được yêu thương.”

 

Vũ Vượng dịch