7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

TẠI SAO TA ĐỌC KINH TIN KÍNH TRONG MỖI THÁNH LỄ CHÚA NHẬT?


Why do we say the Creed at every Sunday Mass?

 

LỜI GIỚI THIỆU – Nếu nói rằng có những người đọc Kinh Tin Kính như một thói quen, tự động tự phát, không cảm nghiệm được ý nghĩa sâu xa … có lẽ không phải là nói quá đáng! Bài viết của Đức Giám Mục Daniel Mueggenborg về Kinh Tinh Kính, mà phiên bản tiếng Việt được trình bày dưới đây, cho thấy lai lịch và ý nghĩa sâu xa, cũng như vị trí quan trọng của nó trong Thánh Lễ.

 

 Người ta có thể cảm thấy Kinh Tin Kính như một cái gì bình thường vì được đọc đi đọc lại hoài. Nhưng với những tín hữu thời sơ khai, Kinh Tin Kính chẳng phải bình thường chút nào. Đó là lời tuyên xưng đức tin mà họ sẵn sàng chịu chết để bảo vệ - và quả là có nhiều người đã chết. Có lẽ chúng ta có thể làm cho đức tin của mình sâu sắc hơn bằng cách nhớ lại lời chứng của họ mỗi khi ta đọc Kinh Tin Kính.

 

Để trả lời câu hỏi của bạn, chúng ta hãy duyệt lại một số diễn biến trong lịch sử và trong phụng vụ.

 

Mặc dù Kinh Tin Kính được phát triển qua nhiều thế kỷ - từ các Thánh Tông Đồ (thế kỷ thứ nhất) tới các Công Đồng Nicene (năm 325), rồi đến Niceno-Constantinopolitan (năm 381) và sau cùng là Chalcedonian (năm 45l) – nội dung cơ bản của nó vẫn y nguyên mặc dù có thêm những thay đổi để làm cho rõ ràng và chính xác hơn.

 

Trước khi Kinh Tin Kính, theo một hình thức nào đó, được dùng trong khuôn khổ phụng vụ, thường có những cách tuyên xưng đức tin đơn giản trong các Phúc Âm và Sách Tông Đồ Công Vụ (thí dụ Matthew 9:28, TDCV 16:31). Sau cùng Kinh Tin Kính được dùng trong Nghi Thức Rửa Tội. Thời đó, những người chịu Phép Rửa thường là người lớn. Kinh Tin Kính được dùng như lời tuyên xưng đức tin của cá nhân (Đó là lý do tại sao kinh bắt đầu bằng “Tôi”, thay vì “Chúng tôi”) và được gọi là biểu tượng của đức tin (Symbol of Faith).

 

Chữ symbolon trong tiếng Hy Lạp (có nghĩa là “ráp lại với nhau”) lúc đầu chỉ về một đồ vật bể vỡ thành hai, trao cho hai người khác nhau, mỗi người một mảnh. Khi hai người ấy gặp nhau và đem những mảnh vỡ của mình ghép lại, thì hai mảnh ăn khớp hn tn và chứng tỏ đích xác hai người này là ai. Kinh Tin Kính có tác dụng như vậy, vì người sắp được rửa tội tuyên xưng một đức tin thích hợp với đức tin của giáo hội. Nghĩa là bản ngã của họ được kiểm chứng như là một môn đệ của Chúa Giêsu, đấng yêu quý đức tin tn vẹn được lưu truyền qua một giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền. chỉ có ai tin tưởng điều mà hội thánh tin mới có thể đọc một lời tuyên xưng như thế.

 

Khi thời đại bách hại kết thúc với Sắc Chỉ Milan năm 313, giáo hội bắt đầu tung hô một cách cởi mở và công khai đức tin mà trước kia hội thánh đã phải giữ kín trong vòng bí mật. Cách tuyên xưng đức tin như một chiến thắng này mau chóng trở thành một phần của phụng vụ. ngay từ thế kỷ thứ sáu, Kinh Tin Kính được tuyên xưng một cách rộng rãi và công khai trong các thánh lễ trong một số vùng ở Châu Âu. Năm 1014, Kinh Tin Kính được chính thức chấp thuận bởi giáo quyền Rome như là một phần thích hợp của thánh lễ. Ngày nay ta tiếp tục truyền thống lâu đời tuyên xưng Biểu Tượng của Đức Tin (Kinh Tin Kính) nhờ đó ta đích thân nhìn nhận thông công trong một đức tin, một phép rửa và một Chúa Giêsu Kito (Thư gửi tin hữu Thành Epheso 4:5).

 

Ta cũng nên xem xét Kinh Tin Kính được đặt ở chỗ nào trong thánh lễ. Tại sao ta không bắt đầu phụng vụ bằng Kinh Tin Kính để xác nhận sự thông công trong đức tin mà ta sắp sửa cử hành? Hay đọc kinh này vào cuối Lễ để nhắc nhở ta hãy đem đức tin vào đời? Vị trí của Kinh Tin Kính ngay sau bài giảng cho  nó một ý nghĩa đặc biệt.

 

Phụng vụ là một cuộc đối thoại giữa Chúa và dân Chúa trong đó linh mục có vai trò như người đại diện của cả hai bên, và do đó nói thay mặt cho cả hai bên vào những lúc khác nhau. Điều  quan trọng là phải nhớ ai đang nói và điều gì đang được tuyên xưng. Trong những bài đọc Sách Thánh, Chúa đang nói truyện với dân người. Cuộc đối thoại này lên tới tuyệt đỉnh trong bài đọc Phúc Âm, trong đó Chúa Giêsu được tuyên xưng là Lời của Chúa nhập thể đang nói với thân thể của ngài là Giáo Hội. Do đó ta đứng lên trong khi đọc Phúc Âm và bày tỏ những dấu chỉ tôn vinh thích hợp khác.

 

Sau bài Phúc Âm, linh mục hay thầy sáu đọc bài giảng, cũng là tiếp tục lời Chúa được áp dụng vào đời sống hàng ngày của ta, đưa ta đi sâu hơn vào Màu Nhiệm Vượt Qua mà ta được kêu gọi đem vào đời sống và đi sâu vào việc tưởng niệm màu nhiệm này mà ta sắp sửa cử hành trong Phép Thánh Thể.

 

Đẹp thay cuộc đàm thoại mà Chúa đang nói với chúng ta!

 

Tuyên xưng đức tin là cơ hội để cho dân Chúa chúng ta đáp lại việc Chúa tỏ mình ra và ban ơn cứu rỗi của ngài. Lời Chúa phải được hiểu thấu và chấp nhận, nếu không ta chỉ là những khán giả thụ động, chứ không phải những thính giả hoạt năng (James 1:22).

 

Kinh Tin Kính là cách để ta nói với Chúa: Chúng con đã nghe Chúa nói và chúng con tin ngài! Kinh Tin Kính là tóm tắt của Kinh Thánh, phát biểu đức tin của chúng ta vào Chúa có Ba Ngôi, đấng đã hoạt động trong các biến cố lịch sử và được tỏ lộ đích thực nơi bản thân Chúa Giêsu. Sự mạc khải này tiếp tục trưởng thành và phát triển nhờ Chúa Thánh Thần hiện diện trong giáo hội. Chúng ta đang tuyên xưng chúng ta tin tất cả sự mạc khải này, không phải chỉ tin một phần, và tin rằng Chúa cống hiến sự mạc khải cho ta như một lời chứng đầy hiệu lực về ơn cứu vớt và cứu rỗi chúng ta.

 

Một cuộc đối thoại kỳ diệu thay! Một món quà đẹp thay! Một đặc ân cao quý được nói với Chúa, đấng vừa mới nói với ta! Còn cách nào hay hơn để chuẩn bị tâm hồn cử hành Thánh Thể, được mở ra cho ta nhờ phép rửa tội, trong đó Kinh Tin Kính lần đầu tiên kết hợp ta với Mình Chúa Kito là Giáo Hội.

 

Lần tới, khi bạn đọc Kinh Tin Kính trong Thánh Lễ, xin nhớ cho bạn đang nói chuyện với ai. Hăy nghĩ tới Chúa vừa nói với bạn điều gì trong các bài đọc Kinh Thánh và bài giảng. Hãy nghĩ mà xem được làm một thành viên của dân Chúa có nghĩa thế nào, khi được chấp nhận trọn vẹn điều Chúa đã tỏ lộ và mong ước được làm chứng nhân của Chúa Kitô ở dưới thế này - ngay cả khi làm vậy có nghĩa là đổ máu minh ra vì Chúa Giêsu, đấng đã đổ máu mình ra cho chúng ta.

 

Vũ Vượng dịch


Từ giã Đức Giám Mục Mueggenborg!

Trên đây là bài báo sau cùng trong mục “Hỏi Đức Giám Mục” của Giám Mục Mueggenborg. Ngày 20 tháng 7 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxico đã chỉ định ngài làm giám mục giáo phận Reno, Nevada, tại đây ngài sẽ được tấn phong ngày 24 tháng 9. Xin cùng chúng tôi cầu nguyện cho Giám Mục Mueggenborg khi ngài bắt đầu sứ mạng mục vụ mới của ngài.