7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

LÚC NÀO QUAN TRỌNG NHẤT TRONG THÁNH LỄ?



What’s the most important moment of the Mass?

 

Bài của Đức Giám Mục Daniel Mueggenborg. Nguyên bản tiếng Anh đăng trong nguyệt san Northwest Catholic tháng 5, 2021.

 

Người ta đã hỏi tôi câu này tại một buổi tĩnh tâm Mùa Chay tại xứ Thánh Monica, trên đảo Mercer Island (Seattle). Lúc ấy chúng tôi đã suy ngẫm nhiều về ý nghĩa sâu xa của những phần khác nhau trong Thánh Lễ, và những phần ấy có ý tác động vào đời sống tông đồ của chúng ta như thế nào. Có quá nhiều phần tốt đẹp và đầy ý nghĩa: truyền phép, rước lễ, những bài đọc Sách Thánh v.v…

 

Nhưng tôi đã làm nhiều người chới với khi nói: “lúc quan trọng nhất trong Thánh Lễ, tuyệt đỉnh mà Thánh Lễ tập trung vào là lời chúc lành kết lễ và sai đi.”

 

Chính chữ Mass (Thánh Lễ) rất có thể đã xuất phát từ cách nói lên lời chúc lành kết lễ bằng tiếng Latinh, khi linh mục hay thầy sáu tuyên bố, “ite, missa est”(Ra đi, anh em được sai đi). Các vị ấy không nói “Đi về”, “Đi xa”, hay “Đi uống cà phê với bánh doughnuts”. Đúng hơn, họ muốn nói với ta: “Giờ đây anh em đã sẵn sàng, vì đã tham dự Thánh Lễ và rước lấy Mình và Máu Chúa, để trở thành những nhà tạm sống động có Chúa Giêsu hiện diện trên thế gian.

 

Điều này làm thay đổi sự hiểu biết và cảm nghiệm của ta về Thánh Lễ để nhận ra tất cả là để sai ta đi, trở thành những chi thể sống động của Mình Chúa Kitô ở trong nhà, nơi sở làm, trong khu phố của ta, và bất cứ nơi nào khác có ta hiện diện. Đó là vì sao ta được giảng dạy bởi Kinh Thánh, đó là vì sao ta được kết hợp với Chúa Giêsu trong một hiến lễ toàn hảo đời đời dâng lên Chúa Cha. Đó là vì sao Chúa đã chia sẻ Mình và Máu của người với ta. Mọi việc ta làm, mọi điều ta cảm nghiệm đều có mục đích là sai ta đi.

 

Ta cũng thấy lời ủy nhiệm cao cả này trong Phúc Âm Thánh Gioan 20-21, khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong căn phòng trên lầu (Upper Room) “Như Chúa Cha đã sai thầy, thầy sai anh em đi.” Vào cuối lễ, ta được sai đi không phải để làm như ý ta muốn, nhưng là để tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu, tất nhiên với giả thiết rằng ta phải hiểu cho đúng sứ mạng của Chúa Giêsu để có thể tham gia một cách tích cực.

 

Mục đích tối hậu của Chúa Cha khi sai Chúa Giêsu đi là để làm cho người ta nhận biết Thiên Chúa để cho thế gian được tin và được cứu rỗi (Gioan 3:16). Đây là công trinh vĩ đại của Thiên Chúa (6:29). Để làm cho người ta được biết Thiên Chúa, Chúa Giêsu phải làm cho người ta biết tình yêu, vì Thiên Chúa là tinh yêu. Chúa chúng ta đã làm một cách hòan hảo sứ mạng mạc khải Thiên Chúa cho thế gian khi ngài bị treo lên thập giá trên đồi Calgary (3:14, 19-30).

 

Chúng ta không thể là những chứng nhân thụ động trước sự mạc khải vĩ đại về tinh yêu này mà ta cử hành và đón nhận trong Phép Thánh Thể. Hơn thế nữa, chúng ta được mời gọi trở thành những khí cụ sinh động và những nguồn mạch chuyên chở tình yêu ấy để cho thế gian có thể tiến tới niềm tin vào Thiên Chúa thông qua chúng ta.

 

Chúa Cha yêu thế gian đến nỗi ngài vừa sai đi, vừa cho ta người CON duy nhất của ngài. Chúa Giêsu cho ta chính mình ngài trên thập giá và tiếp tục ban mình ngài cho ta trong Thánh Thể. Nguồn suối tự hiến và tình yêu vĩ đại này được dự liệu chảy qua chúng ta mỗi ngày. Không bao giờ ta được chôn dấu ân sủng vĩ đại này, e rằng niềm hy vọng của Chúa sẽ bị cản trở khi ta tự tách minh ra khỏi sứ mạng.

 

Khi anh chị em nghe những lời kết lễ này: “Hãy ra đi, Thánh Lễ đã xong.”đừng nghĩ rằng đó là kết thúc nhưng là khởi đầu –  kiện tn mục đích mà anh chị em đã có ngay từ đầu, khi tới nhà thờ: để ta có thể trở thành Mình Chúa Kitô mà ta nhận lãnh và vun trồng Mình Chúa Kitô bằng cách dẫn dắt người khác đến với Giêsu, đấng đã biến ta thành tông đồ truyền giáo và thừa tác viên của ngài.

 

Vũ Vượng dịch