7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

ÔNG GORBACHEV VÀ THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLO TỎ LÒNG NGƯỠNG MỘ LẪN NHAU

Pope John Paul II greets Soviet leader Mikhail Gorbachev at the Vatican Nov. 18, 1990. Gorbachev, who died Aug. 30, 2022, in Moscow after a long illness, met several times with Pope John Paul, and the two often exchanged words of appreciation for each other. (CNS photo/Luciano Mellace, Reuters)


Gorbachev, St. John Paul had great appreciation for each other


BYCATHOLIC NEWS SERVICE


AUG 31, 2022US/WORLD


Nguyên bản tiếng Anh của Catholic News Service được đăng lại trên nguyệt san điện tử Northwest Catholic của Tổng Giáo Phận Seattle. Đối với nhiều người Công Giáo Việt Nam cũng như trên toàn thể thế giới, những diễn biến xảy ra ở Liên Bang Sô-Viết và các nước cộng sản Đông Âu vào cuối của thế kỷ XX là những diễn biến hết sức bất ngờ và vô cùng kỳ diệu, khó có thể giải thích thỏa đáng  nếu không  tin rằng  lời tiên báo của Đức Mẹ hiện ra ở Fatima năm 1917: “Nước Nga sẽ trở lại,” đã được ứng nghiệm.


VATICAN CITY (CNS) —Nguyên lãnh tụ liên bang Sô Viết Mikhail Gorbachev, đã chết ngày 30 tháng 8 ở Moscow (Mạc Tư Khoa) sau một cơn bệnh lâu dài. Có nhiều lần ông đã gặp Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolo II và hai người thường trao đổi những lời ngưỡng mộ đối với nhau.

 

Hai nhà lãnh đạo đã gặp gỡ năm 1989 rồi lại gặp nhau năm 1990, khi Ô Gorbachev còn là chủ tịch Liên Bang Sôviet và đang thực hiện những cải cách về kinh tế và chính trị tại đất nước ông, cũng như họ đã gặp nhau vào nhiều dịp khác. Cả hai đã đóng vai trò chủ chốt trong vụ phá sập bức tường Bá Linh, và Gorbachev đã đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1990 nhờ những nỗ lực này của ông.

 

Joaquin Navarro-Valls, người đã phục vụ trong nhiệm vụ phát ngôn của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II và thường tường thuật các cuộc gặp gỡ của hai vị, về sau này đã gọi Gorbachev là nhân vật quan trọng nhất trong việc phá bỏ bức tường Bá Linh.

 

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày phá sập bức tường này, trong một bài báo xuất bản ngày 5 tháng 11, 2009 trong nhật báo La Repubblica, Navarro-Valls đã nói lên việc Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo ủng hộ công đoàn Đoàn Kết là biến cố chủ chốt trong phong trào ủng hộ dân chủ tại vùng này. Nhưng ông nói Gorbachev đã thấy trào lưu chính trị ở Đông Âu hợp lòng dân và không thể ngăn chận được, nên nhà lãnh đạo Sô-Viết đã tránh dùng quân đội để đàn áp, thậm chí cũng không phản đối bằng lời nói.

 

Navarro-Valls nói khi Gorbachev gặp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo lần đầu vào tháng 12, 1989, chưa đầy một tháng sau khi bức tường bị phá sập, hai nhà lãnh đạo hiểu ý nhau ngay lập tức.

 

“Cả hai vị đều hiểu chiều hướng của lịch sử lúc  ấy. Cả hai cảm thấy tự do không phải là một thực tế chính trị nhưng là một chiều hướng của con người tối cần thiết và không thể bị đàn áp,” Navarro-Valls nói thế.

 

Một biên bản của buổi họp năm 1989 cho thấy Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo và Gorbachev đã biểu lộ đồng tình mạnh mẽ về nhu cầu phải có nhiều tự do tôn giáo hơn ở Liên Bang Sô Viết và sự đổi mới các giá trị luân lý và đạo đức, và cải thiện các liên hệ giữa đạo Công Giáo và Chính Thống Giáo.

 

Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý rằng trong thời đại biến chuyển lớn tại Đông Âu, không nên trông đợi vùng này chỉ đơn thuần nhập cảng những giá trị văn hóa Tây Phương một cách ồ ạt.

 

“Nếu ai đó quả quyết rằng những thay đổ ở Châu Âu và trên thế giới phải theo kiểu mẫu Tây Phương thì người ấy đã lầm rồi. Điều này đi ngược lại với niềm tin sâu xa của tôi,” vị giáo hoàng thời ấy nói vậy.

 

“Châu Âu, trong khi tham gia vào lịch sử thế giới, phải thở bằng hai lá phổi,” vị giáo hoàng nói thêm, dùng một trong những kiểu ám tỷ ưa thích của ngài để chỉ sự hòa hợp giữa Đông và Tây trên lục địa này.

 “Đó là một hình ảnh rất thích hợp,” Gorbachev trả lời.

Giáo Hoàng Gioan Phaolo thúc đẩy Gorbachev về khả năng trao đổi đại diện ngoại giao giữa Vatican và Liên Bang Sô Viết mà ngài cảm thấy là điều sẽ giúp giải quyết những vấn đề tự do tôn giáo và nhiều vấn đề khác. Gorbachev trả lời đồng thuận, nhưng nói rằng “chúng tôi chấp nhận một đường lối như thế” nhưng cảnh giác không nên hành động quá nhanh.

 

Trong năm tiếp theo cuộc hội kiến với đức giáo hoàng, Gorbachev đã theo đuổi tiến hành nhiều vấn đề mà đức giáo hoàng đã nêu lên: Liên Sô đã làm một đạo luật bảo vệ tự do tôn giáo, cho phép Giáo Hội Công Giáo Ukraine được ra hoạt động công khai, và tiếp đón một đại sứ Vatican tới Moscow.

 

Sau khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo chết năm 2005, Gorbachev gọi ngài là “một con người có tư tưởng nhân bản số 1 trên hành tinh.”

 

Gorbachev, 91 tuổi, trước kia đã là Tổng Thư Ký đảng cộng sản Liên Bang Sô Viết , từ 1985 đến 1991, và Chủ Tịch Nhà Nước Sô Viết 1990-1991. Vào thời kỳ cao điểm của nó, Khối Sô Viết bao gồm 15 nước ở miền Đông và miền Trung Châu Âu, và trong hầu hết các nước này, đạo Công Giáo bị đàn áp.

 

Nhưng năm 1988, Gorbachev tiếp đón một phái đoàn cao cấp của giáo hội đến  Moscow để dự lễ kỷ niệm một ngàn năm của đạo Thiên Chúa tại đó. Đầu năm 1989 người ta thấy hàng giáo phẩm của nước Lithuania được tái lập, nhà thờ chính tòa Vilnius trở lại sinh hoạt và một tổng giám mục của Lithuania bị quản thúc tại nhà được trả tự do.

 

Trong thời kỳ đó, quốc vụ khanh tòa thánh (thủ tướng) là Đức Hồng Y Agostino Casaroli, đã tóm tắt tầm quan trọng của Gorbachev đối với giáo hội như sau: “Chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng đối thoại. Nhưng thiếu một người đối tác. Bây giờ đã có người đối tác rồi.”

 

Dưới quyền lãnh đạo của Gorbachev vào năm 1990. Liên Bang Sô-Viết đã thông qua một đạo luật tự do tôn giáo, đảo  ngược lại mấy chục năm siết chặt các nhà thờ, trong đó giảng dạy về tôn giáo và tự do lập hội bị hạn chế. Luật ấy cũng hợp pháp hóa Giáo Hội Công Giáo Ukraine gồm 5 triệu thành viên và phục hồi một số các nhà thờ và tài sản khác của họ.

 

Nhiều giám mục được phong chức tại các nước Cộng Hòa Sô-Viết mà không có sự can thiệp của chính phủ. Chính phủ đã gửi thư mời đức giáo hoàng qua thăm – nhưng cuộc viếng thăm này đã không xảy ra – và nhiều lời tuyên bố về chính sách của các nhà chức trách Sô-Viết cho thấy có sự nhìn nhận ngày càng gia tăng rằng tôn giáo tiêu biểu cho sức mạnh của văn hóa.

Vũ Vượng dịch