7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

BUỔI HỘI THẢO TẠI VATICAN ĐỂ TÌM HIỂU TẠI SAO NGƯỜI TA BỎ XƯNG TỘI



‘Forgive me, father’: Vatican seminar looks at why people avoid confession


BY CAROL GLATZ, CATHOLIC NEWS SERVICE

OCT 20, 2022US/WORLD

 

Nguyên bản tiếng Anh đăng trên báo điện tử Northwest Catholic của Tổng Giáo Phận Seattle

 


VATICAN CITY — Mỗi năm, trong hơn ba thập kỷ qua, tòa đặc trách các vấn đề lương tâm tại Vatican đã đề ra một khóa học để giúp các linh mục về “mục vụ lòng thương xót” của các cha giải tội.

 

Con số lớn người tham dự, từ 500 đến 800 các vị đã được thụ phong hay sắp được thụ phong linh mục theo học khóa học được bảo trợ bởi Tòa Cáo Giải mỗi năm chứng tỏ tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đào tạo đầy đủ liên quan đến nhiệm tích hòa giải, nhất là khi việc xưng tội cũng như “ý thức về tội lỗi đang trải qua khủng hoảng, Đức Giáo Hoàng Phanxico đã nói như vậy với các người tham dự năm 2019.

 

Đúng là có một cuộc khủng hoảng ở cả hai bên tấm màn của  tòa giải tội.

 

Các linh mục cần được đào tạo tốt hơn để những ai đang tìm kiếm ơn tha thứ của Chúa thực sự cảm nghiệm được “một cuộc gặp gỡ thực sự với ơn cứu độ trong đó người ta cảm nhận được vòng tay ôm ấp mạnh mẽ của Chúa, có khả năng biến đổi, cải hóa, chữa lành và tha thứ,” đức giáo hoàng nói vậy.

 

Và giáo dân cần hiểu rõ hơn tầm quan trọng và niềm vui của xưng tội, theo Tòa Cáo Giải cho biết, và cơ quan này đã quyết định đáp ứng  bằng cách đề ra một buổi hội thảo đặc biệt dành riêng cho giáo dân. Cuộc hội thảo này được tổ chức tại Rome và trên mạng từ ngày 13 đến 14.

 

Trong gần một chục cuộc nói chuyện đề cập đến những khía cạnh thông thường về kinh thánh, thần học và tâm linh trong nhiệm tích này, phần trình bày của Đức Ông Krzysztof Nykiel, chánh Tòa Cáo Giải, là phần có giá trị thực tế nhất.

 

Đức Ông Nykiel đưa ra một danh sách mười lý do  “hay nhất” người ta thường viện ra để không đi xưng tội, tiếp theo là câu trả lời của ngài cho mỗi lời từ chối.

 

Nổi bật trong danh sách của đức ông liệt kê các lời chống chế “Tôi không đi xưng tội bởi vì…” được tóm tắt như sau:

 

1.“… Tôi muốn nói trực tiếp với Chúa.” Nói chuyện với Chúa thì tốt rồi. Và nên làm như vậy suốt ngày bằng những lời cầu nguyện để biết ý Chúa. Tuy không phải là người ta không thể được ơn tha thứ của Chúa bằng cách này, nhưng “ta không bao giờ biết chắc có được tha hay không.”. 

 

 

Ngài nói tiếp chỉ có Chúa có thể tha tội. Cho nên trước khi Chúa Kito ra đời, khi người ta sống trong cảnh không có Chúa, nhân loại chỉ có thể “hy vọng” được Chúa tha tội. “Với Chúa Kito, lòng thương xót này đã được ban xuống thế gian và mọi người có thể lãnh nhận,  Chỉ nhờ xưng tội với một linh mục mà người ta có thể biết chắc đã được ơn thứ tha…

 

2.“... Tôi không thích nói về đời tư của tôi” với một ngưởi khác. Một linh mục không phải chỉ là một con người khác, nhưng còn là một người được Chúa trao quyền tha tội ở dưới thế gian.

Nói lên và nhìn nhận tội lỗi của mình có thể là điều khó khăn và ghê sợ, nhưng ta “cảm thấy được yêu mến thực sự khi mọi thứ thuộc về ta được yêu mến, không phải chỉ những điều tốt lành hay khả ái mà ta trình bày mà thôi”, mà cả những lời dối trá hay những điều không đúng hoàn toàn mà ta tin. Khi người ta trình bày cái “tôi” thật sự của mình một cách đầy đủ với Chúa, người ta dãi bày mình ra để Chúa yêu thương đầy đủ hoàn toàn.

 

3.“...Vị linh mục ấy có thể là kẻ tội lỗi hơn tôi.” Đúng, các linh mục không phải là Chúa, và “chắc chắn xưng tội với một linh mục thánh thiện như Thánh John Vianney và Thánh Padre Pio thì dễ dàng hơn và hứng khởi hơn.

Nhưng “tình trạng đạo đức của vị linh mục vào lúc ban ơn xá giải hoàn toàn không liên quan gỉ đến giá trị của ơn xá giải, “bởi vì đấng xá giải là Chúa, thông qua linh mục. Lý luận kiểu này  chằng khác gì khi người ta từ chối chăm sóc y tế của một bác sĩ  chỉ vì không biết tình trạng sức khỏe của ông ta ra sao.

 

4.“...Tôi không biết phải nói gì đây.” Lời phân trần này “người ta thường nghe nhiều nhất, nhưng cũng dễ khắc phục nhất. Bạn chỉ cần nói với linh mục, “Con muốn xưng tội nhưng con không biết nói gì. Xin Cha giúp con.”

Học cách xét mình cho tốt sẽ giúp bạn. Nhưng điều thật sự quan trọng là phải có ý muốn thành thật suy nghĩ về sự thực của đời mình trước mặt Chúa.

 

5. “... Tôi cảm thấy lúng túng.” Cảm thấy xấu hổ vì tội lỗi của mình đã là dấu hiệu lành mạnh đầu tiên của một lương tâm chưa bị chai cứng hay mù quáng vì tội lỗi. Cũng có thể xem đây như là một phần của thống hối và một hình thái hối lỗi có thể làm cho ý muốn cải hóa mạnh mẽ hơn.

 

6. “... Lần nào tôi cũng nói những điều giống nhau.” Trong  khi đây có thể là một điều hay vì không có tội nào mới để thêm vào danh sách, xưng tội đúng là cần thiết để khiêm nhường xin Chúa thương xót giúp chiến đấu và thắng trận trong trận chiến hàng ngày với các nết xấu của mình.

 

7. “... Tôi không phạm những tội nặng.” Ta có thể không phạm tội ăn trộm hay giết người, nhưng còn tám điều răn khác phải tuân giữ thì sao? Tin rằng chỉ có những tội nặng mới đáng là tội có thể là một thứ tội “tự biện minh cho mình” hay một kiểu ơn cứu rỗi tự mình làm lấy.

Khi ta càng ở gần Chúa ta lại càng cảm thấy mình không xứng đáng trước mặt Chúa, cho nên những vị thánh lớn nhất luôn luôn cảm thấy như mình là kẻ tội lỗi nhất. Nếu ta không cảm thấy như mình là kẻ có tội, thì ta chưa phải là thánh.

 

8. “... Tôi không thích lần xưng tội mới đây của tôi.” Các cha giải tội có thể bị chia trí, không được chuẩn bị, quá nghiêm khắc, muốn gửi tôi thẳng xuống hỏa ngục, hay quá lỏng lẻo và gần như muốn phong thánh cho tôi bất kể những tội trọng của tôi.

 

Lúc nào ta cũng có thể đi tìm một cha giải tội khác. Nhưng cũng có thể người ta trông đợi một cái gì vượt ra bên ngoài ý nghĩa của nhiệm tích này: xóa bỏ tội lỗi và cảm nghiệm được ơn chữa lành của Chúa nhờ ơn tha tội. Nó không có mục đích sửa chữa những khó khăn của ta hay làm cho cảm giác về tội biến mất.

 

Đức Ông Nykiel kết luận rằng mỗi lời phản đối (như trên) đều có chung một nguồn gốc: “sự từ chối tình yêu.”

 

Ngài nói, “nhiệm tích hòa giải quá quan trọng và thiết yếu nên không thể từ bỏ vì bất cứ lý do gì. Lòng thương xót Chúa luôn chờ đợi ta. Chúng ta đừng chạy đi như những đứa trẻ ngỗ nghịch, tạo ra những lời biện bạch ngay cả chúng ta cũng không tin.”


Vũ Vượng dịch