7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

CÁC NHÂN ĐỨC CỦA THÁNH GIOAN XXIII



The Virtues of Saint John XXIII



Ngày nay không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng lớn lao của Công Đồng Vaticano II, nhưng ít ai biết đến tác giả của nó là Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, một người lên ngôi giáo hoàng vào tuổi đã cao. Công trình của ngài được tiếp tục và hoàn tất bởi người kế vị là Đức Phaolô VI. Công Đồng này mở ra một kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn cho Giáo Hội Công Giáo, cho nên sau khi Đức Phaolô VI qua đời, người ta không ngạc nhiên khi thấy cả hai vị giáo hoàng kế tiếp đều lấy danh hiệu của mình bằng cách ghép lại tên của hai vị tiền nhiệm đã có công làm nên Công Đồng. Đó là Đức Gioan-Phaolô I và Đức Gioan-Phaolô II.

Sau đây là bản dịch bài báo của Đức Giám Mục Robert Barron, đăng trên mạng mục vụ Word on Fire/The Saints.


 

Năm 2014, Angelo Giuseppe Roncalli (Giáo Hoàng Gioan XXIII) được nhìn nhận là một vị thánh của Giáo Hội Công Giáo, và ta hãy ngợi khen Chúa về việc này! Không ai, dù chỉ có một chút tinh ý về lịch sử, có thể nghi ngờ ngài không phải là một nhân vật quan trọng có ảnh hưởng thực sự trên thế giới. Nhưng làm một nhân vật lịch sử của thế giới và làm một vị thánh là hai việc khác nhau. Nếu chẳng đúng như vậy thì Therese Lisieux (Têrêxa Hài Đồng Giêsu), Gioan Vianney, Benedict Joseph Labre đâu có thể làm thánh được. Vậy điều gì đã làm cho con người này xứng đáng đặc biệt để được phong thánh, được “đưa lên bàn thờ” trên khắp thế giới Công Giáo?

 

May thay, giáo hội cho ta biết những tiêu chuẩn rõ ràng và khách quan để trả lời câu hỏi này. Một vị thánh là một ai đó đã sống một cuộc đời đầy đức độ anh hùng ở thế gian và bây giờ đang sống sung mãn đời sống bên Chúa trên thiên đàng. Để quyết định tình trạng của kiếp sống thứ hai ra sao, giáo hội phải cứu xét kỹ lưỡng khi có những lời quả quyết rằng có một phép lạ đã xảy ra nhờ lời bầu cử của con người được tôn kính. Nếu cần, có thể viết một bài báo khác để xem xét những phương pháp này, liên quan đến Giáo Hoàng Gioan XXIII. Trong bài này tôi chỉ muốn chú trọng vào những nhân đức phi thường của con người này, những đức tính về luân lý và tinh thần nổi bật đến nỗi được đề nghị nêu lên để cho mọi người bắt chước.                       ;

 

Khi giáo hội nói đến các nhân đức là có ý chỉ những đức tính chính yếu như công lý, thận trọng, tiết độ và can đảm, cũng như các nhân đức liên quan đến thần học như đức tin, niềm hy vọng và tình yêu. Trong phạm vi nhỏ hẹp của bài báo này tôi không thể xem xét Giáo Hoàng Gioan về tất cả bảy đức tính nêu trên, nhưng ít nhất ta cũng nên đi một bước đầu.

 

Công lý là trả lại cho người ta cái gì thuộc về người ta, hay nói theo một kiểu thông thường hơn, là làm cái gì đúng. Khi ngài làm khâm sứ tòa thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ, có nhiệm sở tại Istanbul trong những năm đầu của chiến tranh thế giới thứ hai, Tổng Giám Mục Angelo Roncalli đã cứu mạng sống của nhiều người Do Thái đang bị đe doạ bởi cuộc khủng bố của Đức Quốc Xã. Nhờ vào tình trạng trung lập của Thổ Nhĩ Kỳ và những liên hệ ngoại giao của Vatican, Đức Tổng Roncalli đã dàn xếp cho họ có được giấy thông hành, và trong một vài trường hợp, giấy chứng chỉ rửa tội giả để cho người Do Thái được di chuyển dễ dàng từ miền Đông Âu sang Palestine.  Trong quá trình này, ngài đã cứu được khoảng 24,000 người Do Thái, nếu không chắc chắn họ đã bị gửi vào các trại tử hình. Khỏi cần nói, ai cũng biết hành động vì công lý này cũng đòi hỏi một tinh thần can đảm lớn lao.

 

Đức Roncalli trở thành khâm sứ tòa thánh tại Pháp vào một thời kỳ cực kỳ tế nhị và nguy hiểm trong lịch sử nước Pháp. Lúc ấy tướng Charles de Gaulle và các lực lượng giải phòng nước Pháp vừa mới giải phóng đất nước khỏi tay Đức Quốc Xã. Họ đang “tính sổ” ân oán với chính phủ của thống chế Pétain là người đã hợp tác với Đức và những cảm tình viên của họ, trong đó có những nhân vật cao cấp của giáo hội. Khi Roncalli tới thủ đô Paris, de Gaulle và Đức Giáo Hoàng Pio XII đang có những bất đồng gay gắt về cách nào tốt nhất để giải quyết tình hình lúc bấy giờ, khi mà ông tướng và đức giáo hoàng có quan điểm khác nhau về tình trạng lơ lửng giữa có tội và vô tội của một số đức giám mục. Tất cả tình hình như vậy cho thấy vị khâm sứ mới của tòa thánh đang bước vào một tình thế cực kỳ khó xử và rắc rối. Nhưng nhìn chung người ta thấy Roncalli đã giải quyết công việc một cách khéo léo và tế nhị, làm cho bên nào cũng được thỏa mãn hoặc ít hoặc nhiều. Và bằng cách giải quyết những khó khăn với sự đau đớn ở mức tối thiểu, ngài đã đáp ứng được những đòi hỏi của nhà nước Pháp và của Giáo Hội. Trong khi thi hành việc làm tinh tế và căng thẳng này, Roncalli chứng tỏ được đức tính thận trọng một cách phi thường, rõ ràng, nghĩa là biết được cách hay nhất để áp dụng những tiêu chuẩn luân lý vào những hoàn cảnh cụ thể. Thận trọng đắn đo là tìm ra được việc gì đúng để làm trong hoàn cảnh hiện tại, và rõ ràng khâm sứ Roncalli có đức tính đó.

 

Còn về các nhân đức lien quan đến thần học, tôi chỉ xin nói một chút về đức tin của Roncalli và niềm hy vọng của ngài. Bất cứ ai đọc nhật ký tâm linh của Gioan XXIII, gọi là Nhật Ký của Một Linh Hồn, đều ngạc nhiên vì đức tin đơn giản và sâu xa của vị giáo hoàng thời ấy. Cầu nguyện là rường cột của mỗi ngày, kể từ khi còn là một chủng sinh trẻ cho đến cuối đời. Chuỗi Mân Côi, chầu Thánh Thể,, tuần cửu nhật, năng tĩnh tâm, xưng tội, cầu xin cùng các thánh, chầu Thánh Thể, và tất nhiên cả Thánh Lễ nữa, là những điều cơ bản tuyệt đối. Châm ngôn giám mục của ngài – Obedientia et Pax (Vâng Lời và Bình An) là dấu chỉ niềm tin vững chắc rằng Chúa Thánh Thần nói rõ ràng qua các bề trên của ngài. Ngài luôn luôn đọc đời mình qua lăng kính của mạc khải, và đó là đức tin.

 

Đức Gioan XXIII cũng biểu lộ nhân đức hy vọng tới mức độ dũng cảm, và bằng chứng tốt nhất của việc này là những việc làm lớn lao vì công ích của ngài, thí dụ như triệu tập Công Đồng Vaticano II. Đức Gioan XXIII là một sử gia về giáo hội, và chính vì ngài không xa lạ gì với câu truyện vẩn đục liên quan đến các giáo sĩ - trong đó có những việc làm ngu muội, tội lỗi và nhũng lạm ghê gớm – nên ngài xác tín rằng Chúa Thánh Thần hướng dẫn giáo hội qua các thế kỷ. Ngài biết chắc dù cho người ta cố gắng tiêu diệt giáo hội, nhưng giáo hội vẫn trường tồn và sẽ tiếp tục trường tồn, bởi vì Thánh Thần luôn hiện diện với giáo hội. Và điều này làm cho ngài hy vọng. Khi trở thành giáo hoàng vào năm 1958, đức Gioan XXIII quyết chí làm cho giáo hội mà ngài yêu mến trở thành một cỗ xe thích hợp hơn để tuyên xưng Chúa Kitô trong thời đại mới. Do đó ngài triệu tập một Công Đồng toàn thể các giám mục của Giáo Hội Công Giáo thế giới. Ngài nói ngài muốn cuộc hội họp này trở thành một Lễ Hiện Xuống mới, một cơ hội để Chúa Thánh Thần tuôn trào ra. Nhiều học giả và chuyên gia, trong và ngoài giáo hội, đã can ngăn ngài thi hành một dự án đáng sợ như thế, nhưng ngài nhất quyết tiến bước, chính vì niềm hy vọng sáng ngời của ngài.

 

Vì những lý do này và nhiều lý do khác, vì những cách biểu lộ nhân đức dũng cảm như thế này, Đức Gioan XXIII đã là một vị thánh và sẽ mãi mãi là một vị thánh.

 

Vũ Vượng dịch