7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

BƯỚC VÀO KHÔNG GIAN TÂM LINH CỦA GIOAN PHÉP RỬA

 


Entering the Spiritual Space of John the Baptist



BISHOP ROBERT BARRON

 

 

MÔNOVEMBER 22, 2022



Bài của Đức Giám Mục Robert Barron đăng trên mạng thông tin truyền giáo Word on Fire, kêu gọi chuẩn bị tinh thần cho Mùa Vọng qua ba việc làm: nâng cao lòng trí lên cùng Chúa, coi nhẹ việc trần thế và làm việc bác ái.


 

Một trong những nơi ưa thích của tôi trên thế giới là Nhà Thờ Chính Tòa Chartres, tọa lạc về phía nam của thành phố Paris, nếu đi xe lửa phải mất khoảng một giờ. Với tôi, nó tiêu biểu cho hình thái kiến trúc Gothic phong phú nhất. Cũng với tôi, kiến trúc Gothic là kiểu kiến trúc tôn giáo gợi cảm nhất. Khi còn là một nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Paris nhiều năm về trước, tôi thường đi tới Chartres mỗi khi có thể, và khi tôi đến gần tòa nhà ấy, tôi không đến với tâm trạng một du khách, nhưng với tư cách của một người tìm kiếm và sắp tới đích điểm của một của một cuộc hành hương.

 

 

Nhà Thờ Chartres nổi tiếng, tất nhiên rồi, với những cửa kính mang nhiều hình ảnh đẹp đẽ siêu việt, và vẻ uy nghi của nhà thờ còn nổi bật với hàng trăm pho tượng các nhân vật Kinh Thánh được chạm trổ tuyệt vời. Ở cửa bắc nhà thờ chính tòa có một pho tượng mà tôi đặc biệt hâm mộ. Đó là tượng Thánh Gioan Phép Rửa, cho thấy ông là một người gầy guộc. (Thánh Kinh cho biết ông thường ăn châu chấu và mật ong rừng) đang đứng với hình ảnh của Con Chiên Thiên Chúa. Nhưng nổi bật nhất của pho tượng là bộ mặt của vị Thánh Làm Phép Rửa, biểu lộ rõ ràng  sự khắc khoải trông đợi, tìm kiếm một cái gì ông chưa có nhưng rất trông mong. Một số các tương thánh khác chung quanh Nhà Thờ Chính Tòa Chartres có vẻ mặt diễm phúc, vì đã đạt được hanh phúc lớn lao mà các ngài mong ước. Nhưng Gioan Phép Rửa thì khác.  Ông vẫn còn khắc khoải mong ước, thèm khát một cái gì.

 

 

Và đây là một nét tuyệt vời biến ông thành một vị thánh của Mùa Vọng. Tất nhiên mùa thánh này có ý nói về việc Chúa Giêsu đã đến trong lịch sử, nhưng nó cũng  dự báo sự trở lại của Chúa vào ngày khánh chung, như thánh Phaolo đã nói, Chúa Kito sẽ xuất hiện toàn vẹn (1 Cor. 15-28). Sự kiện toàn này, rõ ràng là chưa xảy ra, vì thế giới vẫn còn đắm chìm trong chiến tranh, đói kém, lụt lội, động đất và các trận đại dịch. Và đời sống của ta vẫn còn đậm  dấu của trầm cảm, thất bại, tội lỗi và những kế hoạch bị giở giang. Nhưng không điều gì trong những điều này phủ nhận được sự thật là công trình sáng tạo của Chúa là tốt lành. Mặc dù phải nhìn nhận bằng trực giác rằng đời này là một tấm màn nước mắt, như Kinh Salve Regina đã nói lên. Do đó tất cả chúng ta, đều mang vẻ mặt của Gioan Phép Rửa của Nhà Thờ Chính Tòa Chartres, nghĩa là vẫn còn khao khát một điểu gì tốt đẹp còn vắng bóng.

 

 

Tôi xin mạo muội đề nghị một vài cách tập luyện cho tất cả chúng ta, những người của Mùa Vọng, trong mấy tuần sắp tới. Trước hết ta phải làm cho đời cầu nguyện sâu sắc thêm. Như John Damacus đã nói từ lâu, cầu nguyện là nâng lòng trí lên cùng Chúa.” Nghĩa là phải chú tâm, tỉnh thức trước mặt Chúa, hiện diện trước mặt ngài. Dù cho ta có phần nào sầu thảm trong khi làm việc này, ta cũng phải chú tâm ngước mặt lên cùng Chúa, và khi cầu nguyện ta phải khơi dậy lòng mong ước Chúa. C S Lewis đã nói với ta rằng sự khắc khoải của trái tim đi tìm Chúa – và đây là sự đau đớn thực sự - được gọi một cách thích hợp là “niềm vui”. Cầu nguyện, hiểu theo một cách nào đó, đúng là vun trồng được thứ niềm vui tuyệt đỉnh ấy. Một trong những cách hay nhất để thực tập chú trọng tinh thần vào Chúa là chầu Thánh Thể liên tục trong một hay nửa tiếng đồng hồ. 

 

 

Một đề nghị thứ hai cho Mùa Vọng là coi nhẹ việc trần thế. Lý do khiến ta phải âu sầu trong tâm hồn là vì ước muốn sâu xa nhất trong lòng ta không thể được thỏa mãn bởi bất  cứ của cải vật chất nào. Ta đi tìm một cái gì vượt quá tài trí của ta chỉ vì ta nhận ra, vô tình hay cố ý, rằng sự khao khát của linh hồn ta không thể được thỏa mãn bởi bất cứ lời ca ngợi, của cải, quyền lực hay vui thú nào dù to lớn tới đâu. Đạt được bất cứ thứ nào trong những điều tốt đẹp này thường cho ta một hạnh phúc nhất thời, tiếp theo là sự chán nản và thất vọng. Nhưng không thể để cho sự thật này làm ta u sầu, trái lại nó phải thúc đẩy ta chấp nhận một tư thế tinh thần mà các bậc thầy về tâm linh gọi là “không thiết tha” (detachment), nghĩa là thưởng thức giàu sang phú quý, rồi để cho nó qua đi, dùng quyền lực làm việc tốt nhưng không bám chặt vào nó, tiếp nhận vinh dự nhưng rồi không tha thiết chút nào với nó. Như thế là chấp nhận thái độ mà Thánh Ignatious Loyola gọi là “hờ hững với trần thế” (indifference.) Mùa Vọng là thời gian đặc biệt để tập luyện nhân đức này.

 

 

Đề nghị thứ ba cũng là đề nghị sau cùng: ta phải quyết tâm tự mình làm một vài việc bác ái . Những việc này – cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, kẻ trần truồng mặc quần áo, đi thăm kẻ tù đầy v.v,-  là những việc bác ái cụ thể. Đối với những người có lòng đạo đức, nói vê tình yêu một cách trừu tượng là việc khá dễ dàng, nhưng thương yêu có nghĩa là muốn làm việc tốt cho người khác. Cho nên đây là việc làm thực sự cụ thể và dấn thân. – và thiên đàng – niềm vui tuyệt đỉnh mà ta mong ước – không phải là cái gì khác hơn tình yêu hiểu theo ý nghĩa đầy đủ nhất, tình yêu vô giới hạn. Aquinas nói rằng trên thiên đàng, đức tin sẽ phai mờ (vì ta sẽ diện kiến Chúa mặt đối mặt) và hy vọng sẽ biến mất (vì khi đó ta đã đạt được hy vọng), nhưng tình yêu sẽ tồn tại (vì thiên đàng là tình yêu). Do đó, khi ta yêu một người nào dưới thế này, dù chỉ là một tình yêu đơn giản nhất, chính là ta đang trông đợi chuyến đi trở về quê thật, ta đang khuấy động lòng khao khát thiên đàng của ta.

 

 

Cho nên khi ta bước vào không gian tâm linh của Thánh Gioan Phép Rửa,  khi ta bước vào Mùa Vọng, ta phải cầu nguyện, ta phải buông thả, và ta phải thực thi những việc bác ái.

 

Vũ Vượng dịch