OUR CATHOLIC
PRESIDENT AND THE MOST PRESSING ISSUE OF OUR TIME
Bishop Robert
Barron
August 5, 2022
Nguyên bản tiếng Anh đăng
trên mạng truyền giáo Word on Fire/articles của Đức Giám Mục Robert Barron.
Vào nhiều dịp
trong suốt sự nghiệp công quyền của ông, Tổng Thống Biden đã khẳng định niềm
tin Công Giáo của riêng mình rằng đời người bắt đầu từ lúc thụ thai và do đó phá
thai là sai về luân lý. Nhưng ông cũng luôn mau mắn nói thêm rằng ông không muốn
dùng luật pháp để áp đặt niềm xác tín của riêng mình vào bất cứ ai khác. Có thể
suy đoán rằng ông cảm thấy vì quan điểm này về sinh mạng con người là một điều
thuộc giáo thuyết hay tín lý độc nhất của đạo Công Giáo, cho nên nếu đòi hỏi mọi
người phải tin như thế thì không thể chấp
nhận được, chẳng khác nào đòi hỏi tất cả người Mỹ phải chấp nhận tín điều Đức Mẹ
Vô Nhiễm hay những điều khoản trong Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicene.
Nhưng thật là
vô lý. Chống phá thai không phải là một vấn đề giáo thuyết theo nghĩa hẹp của từ
này. Nói đúng hơn nó là kết luận rút ra từ những lý lẽ về luân lý và từ những
khám phá của khoa học khách quan [khoa học biết được rằng bào thai có thể cảm thấy đau đớn khi mới được mấy tuần].
Sự thật không thể chối cãi là đời người – nghĩa là một con người sống động với
một cơ cấu di truyền và bản ngã riêng biệt - nảy sinh ngay từ lúc thụ thai. Hơn
nữa, có một nguyên tắc đạo lý căn bản là không bao giờ được tấn công mạng sống
con người vô tội. Những hiểu biết và nguyên tắc này là nền tảng của lý lẽ để chống
lại phá thai và cần phải được đem vào diễn đàn đại chúng. Những nguyên tắc đó dứt
khoát không phải là vấn đề “tín lý đặc thù của đạo Công Giáo. Tôi hiểu hoàn toàn
rằng người ta có thể không đồng ý với kiểu lý luận mà tôi đề nghị. Không sao.
Ta cứ đem vấn đề ra thảo luận trên diễn đàn công khai để xem bên nào trong chúng
ta được sự ủng hộ của đa số. Xin đừng nói rằng tôi đang áp đặt một tín lý trên
quý vị. Nếu quả quyết rằng người ta có thể giữ một lập trường riêng nhưng không
bảo vệ nó một cách công khai, thì đó hoàn toàn không phải là lý luận hợp lý
Và trong khi nghĩ như vậy, có thể
nói tôi đã chán ngấy cách dùng từ “áp đặt” của Tổng Thống và các đồng minh của ông
ta. Họ cứ dùng hoài một cách nào đó để nói “Tôi không muốn áp đặt những niềm
tin của tôi lên người khác.” Bây giờ, sau khi đã xác nhận rằng chống phá thai
không phải là một vấn đề giáo thuyết của phe nhóm, ta có thể thừa nhận rằng bất
cứ luật nào, bởi chính bản chất của nó, đều “áp đặt” trên người khác. Nếu đa số
của các đại biểu quốc hội liên bang đã hình thành một đạo luật ấn định tốc độ tối
đa 65 dặm, và nều hành pháp đã đồng ý với quyết định này, thì luật sẽ có hiệu lực
và “áp đặt” quan điểm này trên toàn xã hội. Cùng một thể thức ấy được áp dụng cho
các luật về thuế khóa, các điều lệ về chống độc quền, các luật về lương tối thiểu,
các đạo luật dân quyền v.v… Luật không đề nghị. Nó áp đặt. Và đứng sau mỗi đạo
luật thực sự chính đáng đều có một nguyên tắc luân lý nào đó: bảo tồn mạng sống,
thiết lập công lý tốt hơn, bảo vệ người
nghèo, phát triển công ích v.v... Như vậy nếu người ta hỏi có phải tôi đang
tranh đấu để áp đặt trên toàn xã hội một đạo luật bảo vệ quyền của các trẻ chưa
sinh ra. Tôi xin thưa, “Đúng”. Và rồi tôi xin hỏi thêm” “Quan điểm của quý vị
thế nào?”
Sau
cùng, chúng ta hãy huỷ bỏ cái lập luận ngớ ngẩn được dùng lần đầu bởi ông thống
đốc Mario Cuomo ba mươi lăm năm trước, rồi được lặp lại một cách nhàm chán bởi
quá nhiều nhà chính trị Công Giáo kể từ đó, nói rằng “Riêng tôi, tôi chống phá
thai, nhưng một cách công khai, tôi ủng hộ nó.” Vả lại, người ta có thể phân biệt
đối với một vấn đề tín lý chặt chẽ và lý luận, thí dụ như, “Riêng tôi, tôi tin
rằng cần phải dự lễ mỗi ngày Chúa Nhật, nhưng tôi không bao giờ mơ tưởng
về việc ủng hộ một đạo luật có hiệu
lực như thế.” Tuy vậy, như ta vừa mới chứng minh, chống phá thai không phải là
một điều xác tín phát sinh từ tín lý nhưng từ lý lẽ của luân lý, nếu cả quyết rằng
người ta có thể giữ một lập trường cho riêng mình, nhưng không bảo vệ nó một cách
công khai, thì đó là một lập luận hoàn toàn lỏng lẻo và vô lý. Có thể nói như
trường hợp một người nào đó sống vào thế ký 19 nói rằng mặc dù riêng anh ta thấy
chế độ nô lệ là ghê tởm, nhưng không làm gì để bãi bỏ nó, hay dù chỉ để ngăn chặn
sự lan tràn của nó. Cũng y như một người nào đó vào giữa thế kỷ 20 nói rằng riêng
anh ta thì tin chắc rằng những luật của Jim Crow ghê gớm về luân lý, nhưng anh
ta vẫn công khai tranh đấu để bảo tồn chúng.
Với
sự hiểu biết này, bạn có thấy tại sao có quá nhiều người Công Giáo, trong đó có
kẻ viết bài này, thấy những lời tuyên bố của ông Tổng Thống về chính sách phá
thai là rùng rợn chăng? Con người ấy quyết đoán rằng ông ta chống phá thai, coi
nó là sai lầm về luân lý, thế mà hết lần này đến lần khác, bằng cách bộc trực
nhất, mạnh mẽ nhất, ông ta cố gắng, qua lời nói và việc làm, làm cho nó sẵn sàng
hơn, được chấp nhận hơn và được pháp luật bảo vệ nhiều hơn. Vào thế kỷ 19,
Abraham Lincoln, người có tâm huyết chống chế độ nô lệ, đã không theo đuổi chính
sách chống chế độ nô lệ được cổ võ bởi phe đòi bãi bỏ hoàn toàn; thay vào đó, ông
đã lựa chọn một lập trường ôn hòa hơn, cố ngăn chặn, không cho nó lan tràn, với
hy vọng đặt nó vào lộ trình đi tới tiêu vong. Việc này, đối với vị tổng thống
thứ 16, là một vấn đề phán đoán chính trị thận trọng và khôn ngoan. Nếu vị tổng
thống hiện thời của chúng ta tin chắc phá thai là sai lầm như ông ta vẫn cả quyết,
nếu ông ta có những biện pháp tiến tới cắt giảm phá thai, hoặc nếu ông ta có thể
tìm được những lời lẽ tích cực để nói về quyết định của vụ án Dobbs - là quyết định
ít nhất cũng cho mỗi bang quyền được giới hạn phá thai, [vâng nếu thế] tôi có
thể xem như ông nằm trong khuôn mẫu của Lincoln. Nhưng không, ông ta đẩy mạnh,
cổ võ một chính sách phá thai quyết liệt nhất có thể tưởng tượng được. Tìm cách
biến những quyết định trong các vụ án Roe v. Wade và Casey thành luật - cốt yếu của những quyết định này là làm cho phá
thai – ngay cả khi bào thai đã tới giờ sinh ra - trở thành một vấn đề không thể
bị án phạt trong đất nước chúng ta.
Tổng Thống Biden thường nói về đức
tin Công Giáo của mình, tham dự Thánh Lễ đều đặn và lần hạt Mân Côi. Tôi không
có lý do gì để nghi ngờ lòng thành thật giữ đạo của ông. Nhưng tiếc thay, tôi
phải nói rằng đối với một vấn đề luân lý bức bách nhất của thời đại chúng ta, ông
ta đi ngược lại cả lẽ phải và giáo huấn minh thị của Giáo Hội.
Vũ Vượng dịch