7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

ĐỨC GIÁO HOÀNG NÓI TRONG THÔNG ĐIỆP: SỨ MẠNG CỦA GIÁO HỘI ĐƯỢC BIỂU LỘ TRONG VIỆC CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH TẬT


Church’s mission is seen in care for the sick, pope says in message


BYCINDY WOODEN, CATHOLIC NEWS SERVICE


JAN 10, 2023US/WORLD


Nguyên bản tiếng Anh đăng trong báo điện tử Northwest Catholic của Tổng Giáo Phận Seattle


VATICAN CITY – Cách thức chăm sóc người bệnh tật của riêng từng người Công Giáo và của các giáo xứ của họ giúp ta đo lường chính xác về việc họ có tham gia hay tranh đấu như thế nào để chống lại “thứ văn hóa ruồng bỏ”, một thứ văn hóa làm lơ hay vứt bỏ bất cứ ai được coi là khiếm khuyết hay yếu đuối, đức giáo hoàng nói vậy trong thông điệp của ngài nhân ngày Người Bệnh Tật Thế Giới.

 

Chăm sóc những người đau ốm cho thấy chúng ta có phải là những người bạn đường hay chỉ là những cá nhân riêng rẽ trên cùng một đường đi, chỉ lo quyền lợi riêng tư của mình và để mặc người khác tự xoay sở lấy, đức giáo hoàng nói vậy trong thông điệp được Vatican công bố ngày 10 tháng Giêng (dương lịch). Giáo hội Công Giáo cử hành ngày lễ thế giới này vào ngày 11 tháng 2 cũng là Lễ Đức Bà Lộ Đức.

 

Vị giáo hoàng 86 tuổi viết: “Những trải nghiệm khốn đốn, bệnh tật, yếu đuối là một phần của cuộc hành trình nhân thế.”

 

Nhưng ngài nói, Thánh Kinh nói rõ “tình cảnh của những ngưởi dễ bị thương tổn này không thể gạt họ ra khỏi dân Chúa, trái lại “đem họ vào giữa sự quan tâm của Chúa, vì ngài là Cha chúng ta và không muốn mất dù chỉ một đứa con trên đường đi.”

 

Những ai tuyên xưng đức tin vào Chúa, ngài nói, cũng phải làm như thế, nghĩa là đặt những ngưởi bệnh tật vào chính giữa của sự quan tâm.

 

Để làm sáng tỏ điểm này, Đức Giáo Hoàng Phanxico dùng dụ ngôn Ngươi Samaria nhân hậu, một câu chuyện ngài thường nêu lên để làm sáng tỏ tầm quan trọng của cộng đồng và tình huyng đệ trái hẳn với sự tàn bạo, chỉ biết có mình mà thôi.

 

Sự thật về ngượi đàn ông bị đánh đập và cướp của, rồi bỏ rơi bên đường trong dụ ngôn tiêu biểu cho hoàn cảnh của quá nhiều người trong anh chị em chúng ta khi họ bị bỏ rơi trong lúc cần giúp đỡ nhiều nhất, đức giáo hoàng nói thế.

 

Hơn nữa, ngài lại nói, trong quá nhiều trường hợp không dễ gì phân biệt những trường hợp sinh mạng và nhân phẩm con người bị xâm phạm vì những nguyên nhân tự nhiên với những vụ xâm phạm gây ra bởi sự bất công và bạo lực. Đúng vậy, sự bất bình đẳng xảy ra càng ngày càng nhiều và lợi ích vượt trội của một số ít người ngày nay đang ảnh hưởng đến môi trường sống đến nỗi khó có thể coi bất cứ trải nghiệm nào xảy ra chỉ vì những nguyên nhân tự nhiên mà thôi.

 

Vấn đề này không những là bệnh tật, đức giáo hoàng nói, nhưng còn là sự đơn côi và cảm giác bị bỏ rơi, cả hai thứ này đều có thể vượt qua  dễ dàng hơn bất cứ thứ bất công nào khác, bởi vì – như dụ ngôn kia cho biết chỉ cần một chút lưu ý của ta, một chút lòng trắc ẩn của ta cũng có thể loại bỏ nó.”

 

Trong dụ ngôn này, ngài nói, “hai người đi qua, vốn được coi là đạo đức, trông thấy người bị thương nhưng không chịu ngừng lại. Rồi người thứ ba đi qua, một người xứ Samaria, một ngoại kiều bị dể ruôi, động lòng thương và chăm sóc người lạ mặt trên đường, đối xử với anh ta như anh em. Trong khi hành động như vậy, dù không suy nghĩ về việc ấy, anh ta đã thay đổi được tình thế, làm cho thế giới này dồi dào tình huynh đệ hơn.

 

Người ta cần đến tình yêu và sự hố trợ của người khác khi tuổi già đến gần và nhất là khi ngã bệnh, ngài nói thế.

 

Thông thường không ai sẵn sàng khi ngã bệnh, ngài nói, và  thường thường “ ta còn không muốn  nhận rằng tuổi già đang đến.”

 

“Thân phận yếu hèn làm ta sợ hãi, và thứ văn hóa trọng thành công đang lan tràn khiến ta phải che dấu nó đi, không chừa chỗ nào cho thân phận dễ bị hại của mình,” ngài nói. Ngay cả khi người khác không ngoảnh mặt làm ngơ, có nhiều người đau ốm nghĩ phải tránh xa người thân để khỏi trở thành gánh nặng.

 

Nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxico nói tiếp, “thế là cô đơn lẻn vào, và ta có thể bị ngộ độc vì cảm thấy một thứ bất công chua chát, như là chính Chúa đã bỏ rơi chúng ta. Thật vậy, ta có thể cảm thấy khó tìm được sự bình an với Chúa khi mối liên hệ của ta với người khác và với chính mình bị thương  tổn.”

 

Nếu Giáo Hội Công Giáo phải thực sự là một “bệnh viện dã chiến”, đức giáo hoàng nói tiếp, thì các thành viên của giáo hội phải hành động.

 

Sứ mạng của giáo hội “được biểu lộ trong những hành động chăm sóc, nhất là trong hoàn cảnh lịch sử của thời đại chúng ta. Tất cả chúng ta đều mong manh và dễ bị thương tổn và cần có lòng trắc ẩn làm cho ta biết ngừng lại, đến gần, cứu chữa và đỡ dậy.”

 

Đức giáo hoàng nhấn mạnh: “Tình cảnh bi đát của những người đau yếu là một tiếng gọi xuyên thủng lòng thờ ơ và làm chậm lại bước chân của những kẻ đi trên đường,  giống như họ không có người anh chị em nào.”

 

Ngài nói những người đau ốm “ở ngay trong lòng dân Chúa, và giáo hội cùng tiến bước với họ như một dấu chỉ về một nhân loại trong đó mọi người đều quý giá và không ai bị ruồng rẫy hay bỏ lại phía sau.”

 

Vũ Vượng dịch