7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Một Bài Nên Đọc Trong Mùa Chay Thánh: LỊCH SỬ VẮN TẮT VỀ DẤU THÁNH GIÁ


 

Đoạn văn sau đây trích tử quyển sách “Dấu Thánh Giá: Phục Hồi Sức Mạnh của Kinh Nguyện Xưa” của tác giả Bert Ghezzi. Nguyên bản tiếng Anh đăng trong mạng Word on Fire của GM Robert Barron.

 

Trong thời kỳ các giáo hội Tin Lành được thành lập (Reformation) vào thế kỷ 16, một số Kitô hữu chối bỏ dấu thánh giá vì cho rằng điều này là dị đoan. Nhưng chính Martin Luther đã không từ bỏ đấu này và đề nghị nên làm dấu trong cuốn Sách Giáo Lý Nhỏ (Small Catechism) của ông, nằm trong một phụ bản về cầu nguyện trong gia đình. Ngày nay những vận động viên làm dấu thánh giá cầu may trong các sự kiện thể thao làm mạnh thêm ý kiến cho rẳng việc này là mê tín dị đoan. Nhưng những cầu thủ bóng rỗ đứng ở vị trí ném phạt đền không phải là những người đầu tiên lạm dụng cử chỉ này bằng cách gán cho nó những sức mạnh thần chú, có thể biến thành lợi thế cá nhân. Ngay tử thế kỷ thứ 6, Thánh Ceasarius (470-542), giám mục thành Arles và là một trong những tác giả ăn khách nhất của đạo Kitô, đã quở trách những kẻ làm dấu thánh giá trên đường đi ăn trộm hay phạm tội ngoại tình.

 

Nhưng không có dấu vết nào về mê tín dị đoan hay thần chú làm hoen ố dấu thánh giá từ thời nguyên thủy. Mặc dù không có bằng chức trực tiếp, nhưng suy đoán từ những hoàn cảnh dường như cử chỉ thánh thiện này từ đầu đã là một cách cầu nguyện trong thời các thánh tông đồ. Một Sư Phụ của Giáo Hội, Thánh Basil (329-379) nói rằng các tông đồ “đã dạy chúng ta làm dấu thánh giá trên những người đặt hy vọng vào Chúa” – nghĩa là những người đến chịu Phép Rửa.

 

Cho nên có lẽ những Kitô hữu thời sơ khai đã học làm dấu thánh giá khi chịu Phép Rửa khi đấng cử hành làm dấu thánh giá trên họ để dành lấy họ cho Chúa Kitô. Có vài bằng chứng về điều này trong Kinh Thánh. Thí dụ, Thánh Phaolo đã nhắc nhở các tín hữu Thành Epheso hãy nhận dấu thánh giá trong Phép Rửa khi ngài nói: “Con đã được đóng dấu ấn của Thánh Linh Hy Vọng.” (1 Cor. 1:13) Và có lẽ Phaolo cũng đã nói về việc nhận lấy dấu thánh giá khi được rửa tội khi nói với các tín hứu Epheso rằng “Tôi mang những dấu của Chúa Giêsu được đóng trên thân thể.” (Gal. 7:17) Tôi sẽ nói thêm về điều này trong phần sau, nhưng bây giờ tôi chỉ muốn cho các bạn thấy rằng dấu thánh giá đã bắt nguồn nơi những người không xa với chính Chúa Kitô lắm đâu.

 

Những Kitô hữu thời sơ khai thường dùng ngón tay cái hay ngón trỏ để vạch dấu thánh giá trên trán. Họ liên kết việc làm này với những đoạn trích dẫn trong Ezekiel 9:7 và trong Sách Khải Huyền 7:3, 9:4 và 14:1, những đoạn này mô tả tất cả các tín hữu mang dấu ấn của Chúa trên trán. Dấu đó là thánh giá – trong tiếng Hy Lạp, chữ tau, được viết thành T và tiêu biểu cho tên của Chúa. Một nhà thần học và nhà văn chuyên về tâm linh thế kỷ thứ ba là Origen (185-253) đã góp ý kiến về đoạn nói về Ezekiel bằng cách trích dẫn lời của một nhà văn nói rằng: hình dáng của chữ tau tương tự như hình thập giá, và đây là một lời tiên báo về dấu hiệu mà các Kitô hữu sẽ làm trên trán của họ. Bởi vì tất cả các tín hữu đều làm dấu này khi họ bắt đầu làm bất cứ việc gì, nhất là trước khi đọc kinh hay đọc Sách Thánh.

 

Cho nên đến thế kỷ thứ ba, các Kitô hữu thường làm dấu thánh giá trên trán. Họ cũng làm dấu nhỏ nảy trên môi và ngực, như ngày nay ta vẫn còn làm khi Phúc Âm được loan báo trong thánh lễ. Và họ cũng làm dấu này trên không để chúc lành cho ngưởi và đồ vật. Thí dụ: Tertullian kể truyện một người đàn bà làm dấu này trên cái giường của bà, và thánh Cyril of Jerusalem mô tả các tín hữu làm dấu thánh giá trên “bánh ta ăn và chén ta uống” Dùng dấu thánh giá để chúc lành có thể đã thúc dục các Kitô hữu làm dấu thánh giá lớn hơn như ta biết ngày nay, nhưng cách làm ấy chỉ trở thành thông dụng về sau này.

 

Việc chống lại bè rối Monophysite vào thế kỷ thứ bảy và tám có lẽ đã góp phần làm cho dấu thánh giá lớn hơn được ưa chuộng. Để phản bác lại bè rối này – họ chủ trương rằng Chúa Kitô chỉ có một thiên tính - không phải hai bản tính, bản tính loài người và bản tính Thiên Chúa - các Kitô hữu ở phương đông bắt làm dấu  với hai ngón tay, hay với ngón cái và ngón trỏ. Họ phải vẽ dấu thánh giá lớn trên ngực, dùng hai ngón tay để bảo vệ sự thật (đấng Kitô có hai bản tính) cho mọi người thấy rõ. Hãy tưởng tượng một cuộc đọ sức xảy ra khi một Kitô hữu gặp một người bè rối Monophysite. Người Kitô hữu làm một dấu thánh giá lớn bằng hai ngón tay (chỉ hai bản tính của Chúa Kitô) rồi đi vội sang bên kia đường. Người bè rối Monophysite đáp lại bằng một dấu thánh giá lớn với một ngón trỏ (chỉ một bản tính của đấng Kitô) rồi nổi giận bỏ đi. Màn kịch này có thể làm ta mỉm cười, nhưng vào thời ấy, những người bình dân thường hay nổi nóng khi tranh cãi về thần học.

 

Tới thế kỷ thứ chín, các Kitô hữu ở phương đông thường làm dấu lớn với ngón cái và hai ngón nữa giơ ra, tượng trưng cho Chúa Ba Ngôi và bằng ngón đeo nhẫn và ngón út gấp lại, tiêu biểu cho hai bản tính của Chúa Kitô. Vào giữa thế kỷ thứ tám, ở thời đại mà các vị hoàng đế thường có nhiều quyền hành về các vấn đề giáo hội, hoàng đế Byzantine (đế quốc La Mã miền Đông) là Leo IV ra sắc chỉ dạy rằng tất cả các phép lành phải được ban với dấu thánh giá lớn từ bên phải – nghĩa là bằng một chuyển động hàng ngang từ phải sang trái. Mặc dù lệnh truyền này được áp dụng cho việc ban phép lành, nó thường được áp dụng vào cử chỉ làm dấu cho chính mình. Sắc chỉ này của hoàng đế thiết lập cách làm dấu lớn thành một lề lối chung ở phương đông. Các Kitô hữu của các giáo hội phương đông tự làm dấu với hai ngón và ngón cái giơ ra, chạm vào trán và chuyển xuống ngực, rồi chuyển từ vai phải sang vai trái.

Bằng cách nào các Kitô hữu phương tây đã đi tới chỗ chấp nhận dấu thánh giá lớn là một điều người ta không biết rõ lắm. Có vẻ như sau thế kỷ thứ chín một số Kitô hữu phương tây đã bắt chước lề lối của giáo hội phương đông và làm một dấu lớn từ vai phải, nhưng đồng thời những tín hữu khác ở phương tây đã bắt đầu vạch một dấu thánh giá lớn trên ngực chuyển bàn tay từ vai trái sang vai phải.

Innocent III (1160–1216), làm giáo hoàng vào đầu thế kỷ mười ba, chỉ thị rằng các Kitô hữu làm dấu với hai ngón tay và ngón cái giơ ra. Ngài cho phép một số người làm dấu bằng cách chuyển tay sang phải, nhưng có những người khác được phép chuyển tay sang trái, không cho thấy cách nào được ưa chuộng hơn. Nhưng trước khi hết thời trung cổ, các Kitô hữu phương tây tỏ ra ưa thích cách làm dấu lớn bằng cách đưa tay từ bên trái. Thí dụ: văn kiện Myroure of Our Ladye, vào cuối thế kỷ mười lăm dạy các nữ tu dòng Syon Abbey ở Middlesex, nước Anh, làm dấu làm dấu  đưa tay tử trái sang phải. Văn kiện này giải thích rằng đưa tay từ trán xuống ngực có ý chỉ Chúa Kitô từ trời xuống thế gian trong màu nhiệm nhập thể và chuyển tay từ vai trái sang vai phải chỉ Chúa Kitô khi chết xuống ngục tổ tông, rồi lên thiên đàng ngự bên hữu Đức Chúa Cha. Đến cuối thời trung cổ, có lẽ do ảnh hưởng rộng lớn của các dòng Benedictine, nơi có lề lối làm dấu thánh giá lớn, đưa bàn tay mở rộng tử trái sang phải, hầu hết các Kitô hữu phương tây (thời ấy) đều làm dấu thánh giá như chúng ta làm ngày nay.

 

Trong mọi thời đại, các Kitô hữu thường thường, nhưng nhất thiết, kèm theo  việc làm dấu bằng những lời nguyện. Nhưng những lời nguyện thay đổi rất nhiều. Trong thời kỳ đầu, người ta dùng những lời kêu cầu như “Dấu chỉ Chúa Kitô,” “Dấu ấn của Thiên Chúa Hằng Sống,” và “Nhân danh Chúa Giêsu.” Về sau người ta đọc, “Nhân danh Chúa Giêsu Nazareth,” “Nhân danh Chúa Ba Ngôi,” và  “Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần,” câu cuối cùng này là lời nguyên thông thường nhất mà ta dùng ngày nay. Các Kitô hữu cũng thường dùng những công thức được gợi ý bởi nghi thức phụng vụ, như “Lạy Chúa, xin đến phù trợ con” và “Ơn phù trợ chúng con ở nơi danh Chúa.” Những lời nguyện khác nhau này đi kèm theo dấu thánh giá nên được khuyến khích  đọc lên tự động tự phát sau khi làm dấu, một thói quen mà tôi sẽ đề nghị trong nhưng chương sau.

 

Các Kitô hữu thế kỷ hai mươi mốt đã thừa hưởng nhiều cách làm dấu khác nhau. Ngày nay ta có thể thấy người ta làm dấu lớn từ trái, làm dấu lớn từ bên phải, với bàn tay mở rộng hay với hai ngón tay và ngón trỏ chìa ra, vẽ thánh giá nhỏ trên trán, môi, và ngực với một ngón, hai ngón hay với ngón cái và ngón trỏ. Ta có thể thấy một thanh niên Mỹ Latinh làm dấu lớn từ bên trái, rồi hôn lên một thánh giá nhỏ làm bằng ngón cái và ngón trỏ, một việc làm bắt rễ từ thời xa xưa. Ta thường thấy một giáo sĩ trong nghi thức phụng vụ hay giáo dân trong hoàn cảnh thông thường chúc lành cho người ta hay đồ vật, với hai ngón tay và ngón trỏ hay một bàn tay mở rộng. Nhưng bất kể cách nào, lớn hay nhỏ, với một, hai, ba ngón tay hay một bàn tay mở rộng, tất cả những ai làm dấu thánh giá với đức tin là đang mở lòng mình tiếp rước Chúa.

 

Vũ Vượng dịch