7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

ĐỨC GIÁO HOÀNG BENEDICTO XVI TỪ TRẦN; SẼ CỬ HÀNH TANG LỄ NGÀY 5 THÁNG GIÊNG TẠI QUẢNG TRƯỜNG THÁNH PHÊRO


Pope Benedict XVI dies; funeral will be Jan. 5 in St. Peter’s Square


BYCINDY WOODEN, CATHOLIC NEWS SERVICE

DEC 31, 2022US/WORLD

(Trích dịch)


Nguyên bản tiếng Anh được đăng lại trên báo điện tử Northwest Catholic của Tổng Giáo Phận Seattle.


VATICAN CITY — Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, người có một thành tích như một thầy dạy và bảo vệ những điều cơ bản về đức tin Công Giáo có lẽ sẽ được ghi trong sử sách là vị giáo hoàng đầu tiên đã từ chức trong gần 600 năm.

 

Ngài từ trần ngày 31 tháng 12 ở tuổi 95, gần 10 năm sau khi rời chức vụ giáo hoàng để sống, theo lời ngài, một cuộc sống cầu nguyện và nghiên cứu.

 

Theo chương trình Đức Giáo Hoàng Phanxico sẽ cử hành tang  lễ của vị tiền nhiệm ngày 5 tháng Giêng tại Quảng Trường Thánh Phêro. Giám đốc sở báo chí Vatican, Matteo Bruni, nói những nghi thức tang lễ sẽ đơn giản theo đúng nguyện ước của vị giáo hoàng quá cố.

 

Khi vị giáo hoàng hưu trí sắp chết, ngài đã được ban phép xức dầu cho kẻ liệt tại cư sở của ngài, ngày 28 tháng 12, Bruni cho biết như vậy.

 

Thi hài của ngài sẽ được quàn trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêro bắt đầu từ 2 tháng Giêng để người ta có thể đến chiêm bái và dâng lời cầu nguyện, ông nói tiếp.

 

Là người đã hợp tác chặt chẽ với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II và là chuyên viên thần học        đứng sau nhiều giáo huấn và hành động chính của ngài, Giáo Hoàng Benedicto đã lên ngôi sau 24 năm đứng đầu thánh bộ Học Thuyết Đức Tin với nhiệm vụ giám sát những giáo huấn của đạo Công Giáo về đức tin và các vấn đề luân lý, sửa chữa việc làm của một số nhà thần học Công Giáo và bảo đảm sự vững chắc  vể thần học của các văn kiện được công bố bởi các cơ quan của  Tòa Thánh Vatican.

 

Trong thời kỳ làm giáo hoàng, ngài tiếp tục viết như một nhà thần học và cũng thực hiện nhiều viẹc làm mang tính lịch sử đối với những người Công Giáo gặp khó khăn trong việc chấp nhận tất cả những giáo huấn của Công Đồng Vatican II, đặc biệt là về phụng vụ. Năm 2007, ngài mở rộng việc cho phép dùng thể thức cử hành thánh lễ của thời kỳ trước Vatican II, và một thời gian ngắn sau đó, xích lại gần Hội Giáo Hoàng Pio X, một tổ chức đề cao truyền thống. Ngoài việc tháo gỡ vạ tuyệt thông cho bốn người trong số các giám mục của Hội đã được phong chức bất hợp pháp năm 1988,  ngài đã phát động một cuộc đối thoại  dài và căng thẳng với nhóm này. Dù vậy, sau cùng các cuộc nói truyện đã đổ vỡ.

 

Giáo Hoàng Benedicto là vị giáo hoàng đầu tiên đã gặp các nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục. Ngài làm sáng tỏ các luật giáo hội để đẩy mạnh giải quyết các vụ việc và chỉ thị cho các hội đồng giám mục phải áp dụng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt  để chống lại nạn lạm dụng.

 

Mặc dù lúc đầu ngài không dự tính sẽ đi nhiều nơi, nhưng sau cùng ngài cũng đã thực hiện được 24 chuyến đi tới sáu lục địa và ba lần chủ tọa Ngày Giới Trẻ Thế Giới, những cuộc họp mặt vĩ đại: ở Đức năm 2005, ở Áo năm 2008, và ở Tây Ban Nha năm 2011.

 

Trong một cuộc thăm viếng có tầm quan trọng lịch sử tại Hoa Kỳ năm 2008, ngài đã cho người Mỹ thấy rõ hơn bản ngã của ngài. Ngài nêu lên những  thách đố về luân lý, từ công lý kinh tế đến nạn phá thai. Ngài cũng thay mặt giáo hội nhìn nhận nạn lạm dụng tình dục của giáo sĩ ở một mức độ mới, bày tỏ sự tủi hổ của chính mình ví những gì đã xảy ra và đích thân cầu nguyện cùng các nạn nhân.

 

Khi mới được ba mươi mấy tuổi ngài đã là một cố vấn có nhiều ảnh hưởng trong Công Đồng Vatican II, 1962-1965, và khi làm giáo hoàng, ngài đặt ưu tiên cho việc chấn chỉnh những gì ngài coi là những cách giải thích quá rộng về Vatican II, và bênh vực những cách đọc nhấn mạnh sự liên tục của các truyền thống ngàn năm của giáo hội.

 

Dưới sự giám sát của ngài, Vatican tiếp tục làm sáng tỏ những biên giới luân lý về các vấn đề như  việc chăm sóc y tế giai đoạn cuối đời người, hôn nhân và đồng tình luyến ái. Nhưng thông điệp của Đức Giáo Hoàng cho quảng đại quần chúng không chú trọng nhiều vào những vấn đề đơn lẻ cho bằng sự nguy hiểm khi người ta làm mất đi mối liên hệ cơ bản giữa con người và Đấng Tạo Hóa.

 

 Ngài làm ngạc nhiên những ai tưởng triều đại giáo hoàng của ngài, một người đã đứng đầu cơ quan học thuyết đức tin nhiều năm như thế, phải là một triều đại gắn liền với sách luật, nhưng không, Giáo Hoàng Benedicto nhấn mạnh rằng Kito Giáo là một tôn giáo của tình yêu, chứ không phải một tôn giáo của luật lệ.

 

Một số những lời phát biểu đáng ghi nhớ nhất của Giáo Hoàng Benedicto đã xảy ra khi ngài áp dụng những giá trị đơn giản của Phúc Âm vào các vấn đề xã hội như bảo vệ mạng sống con người, môi sinh và các vấn đề kinh tế. Thí dụ: khi cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu trở thành tồi tệ hơn năm 2008, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng các cơ quan tài chánh phải đặt người ta trước lợi nhuận. Ngài cũng nhắc nhở mọi người rằng tiền bạc và thành công trần thế là những thực tại mau qua, ngài nói: “Ai xây dựng đời mình trên những thứ này – trên những gì vật chất, trên sự thành công, trên vẻ bề ngoài – là xây nhà trên cát.”

 

Ngài không ngớt cảnh báo Phương Tây rằng nếu xã hội tục hóa của họ không tái khám phá những giá trị tôn giáo, họ không thể hy vọng tham gia đối thoại thực sự với những người Hồi Giáo và những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác.

 

Trong các thư luân lưu và trong tác phẩm “Giêsu Thành Nazareth”,  Đức Giáo Hoàng đã nói lên thông điệp ấy, ngài xin các độc giả khám phá những liên quan mật thiết giữa tình yêu hy sinh, hành động bác ái và lòng tận tụy với sự thật và Phúc Âm của Chúa Kito.

 

Joseph Ratzinger (tên thật của Đức Giáo Hoàng Benedicto) sinh ngày 16 tháng 4, 1927, trong tỉnh Marktl, miền Bavaria, nước Đức, là con trai thứ ba và nhỏ nhất của một sĩ quan cảnh sát, Joseph Sr., và bà Maria. Cậu bé Joseph cùng với người Anh là Georg vào tiểu chủng viện năm 1939.

 

Cũng như những học sinh trẻ khác ở nước Đức vào thời ấy, người ta tự động ghi danh vào Đoàn Thanh Niên của Hitler, nhưng chẳng bao lâu sau đó cậu thôi không đi dự các buổi họp nữa. Trong thế giới chiến tranh thứ hai, cậu bị động viên vào quân đội, và vào mùa xuân năm 1945, cậu bỏ đơn vị, trở về nhà. Phải sống mấy tháng trong một trại tù binh của quân Đồng Minh (Mỹ, Anh, Pháp). Cậu trở lại chủng viện cuối năm 1945 và được thụ phong linh mục sáu năm sau đó cùng với người Anh.

 

Trong một buổi họp với thanh niên năm 2006, Đức Giáo Hoàng nói rằng chứng kiến sự tàn bạo của chế độ Đức Quốc Xã đã góp phần thuyết phục ngài trở nên một linh mục. Nhưng ngài cũng phải vượt qua một vài nghi ngại, ngài nói vậy. Một đàng ngài tự hỏi mình có thể sống độc thân một cách trung thành trọn đời chăng. Đàng khác, ngài cũng nhìn nhận xu hướng thực sự của ngài là thần học và  không biết mình có những phẩm tính của một mục tử tốt lành  và khả năng “sống đơn sơ với những người đơn sơ hay chăng.

 

Sau một thời gian ngắn ngủi làm cha sở, vị giáo hoàng tương lai bắt đầu một sự nghiệp giảng dạy và có được danh tiếng như một trong những nhà thần học quan trọng nhất của giáo hội. Tại Công Đồng Vatican II ngài có những đóng góp quan trọng như một chuyên viên thần học và hân hoan tham gia công việc ban đầu của công đồng. Nhưng rồi ngài bắt đầu có những ngờ vực về một  thiên kiến phản lại truyền thống giáo hội La Mã đang nổi lên. Đó là ý kiến về một giáo hội được xây dựng từ dưới lên, theo kiểu mẫu của một chế độ nghị viện, và chiều hướng sưu tầm (phê phán) thần học trong giáo hội – sự phê phán này sẽ trở nên gay gắt hơn nữa trong những năm về sau.

 

Năm 1977, Thánh Giáo Hoàng Phaolo VI chỉ định ngài làm Tổng Giám Mục Munich và Freizing, và bốn năm sau,  Giáo Hoàng Gioan Phaolo mời ngài đứng đầu Thánh Bộ Học Thuyết Đức Tin. Tại đây, ngài tạo ảnh hưởng lớn về các vấn đề như thần học giải phóng, tách ra khỏi  giáo huấn của giáo hội và áp lực  đòi phong chức linh mục cho phụ nữ. Ngài phục vụ trong cương vị này trong gần một phần tư thế kỷ.

 

Một lời kêu gọi trực tiếp với chính phủ cộng sản Trung Quốc yêu cầu họ tôn trọng tự do tôn giáo của nhân dân là một phần quan trọng trong một lá thư Giáo Hoàng Benedicto gửi cho những người Công Giáo Trung Hoa, năm 2007. Thư này cũng xin các tín hữu trên lục địa này xây dựng hòa giải  giữa các cộng đồng đã chấp nhận để cho chính phủ kiểm soát phần nào để được hoạt động công khai và những cộng đồng tiếp tục thi hành đức tin trong vòng bí mật.

 

Sau những cuộc tấn công khủng bố vào Hoa Kỳ, biến cố 11 tháng 9, 2001, và trong khi có những tin tức về bạo động gia tăng với cảm hứng từ tôn giáo trong nhiều nơi trên thế giới, Giáo Hoàng Benedicto hết lần này đến lần khác mạnh mẽ lên án tất cả những cuộc bạo động người ta đã nhân danh Chúa mà làm.

 

Vũ Vượng dịch