7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

ĐỨC GIÁO HOÀNG NÓI VÀO NGÀY LỄ BA VUA: ĐỨC TIN BAO GỒM ĐẶT CÂU HỎI, CHẤP NHẬN RỦI RO, THỜ LẠY GIÊSU

Pope Francis accepts offertory gifts during Mass marking the feast of the Epiphany in St. Peter's Basilica at the Vatican Jan. 6, 2023. CNS photo/Paul Haring



Faith involves questioning, risks, adoring Jesus, pope says on Epiphany


BYCAROL GLATZ, CATHOLIC NEWS SERVICE

JAN 6, 2023US/WORLD

 

Nguyên bản tiếng Anh đăng trong báo điện tử Northwest Catholic của Tổng Giáo Phận Seattle. Bài này có nói đến cuộc rước kiệu Lễ Ba Vua. Đi sau cùng trong cuộc rước có Ba Vua đi trên lưng ngựa và bà phủ thủy Betana trong xe mui trần màu hồng. Theo truyền thuyết, Betana là một bà phù thủy cũng đi theo Ba Vua nhưng không bao giờ tìm được Chúa. Nhưng bà ta không bao giờ bỏ cuộc. Hàng năm, từ Lễ Giáng Sinh đến Lễ Ba Vua, bà ta bay lượn khắp nơi, ném bánh kẹo qua các cửa sổ và ống khói xuống cho trẻ con, với hy vọng trong số các em nhận được quà này, biết đâu chẳng có hài đồng Giêsu.

 

 VATICAN CITY – Đức tin bao gồm một cuộc hành trình đầy cảm hứng với những câu hỏi thao thức, đầy nguy hiểm, được thêm sức bởi lòng kiên trì cầu nguyện và công việc bác ái, mà đỉnh cao là được thờ lạy Chúa trong cảm giác ngỡ ngàng tuyệt diệu, Đức Giáo Hoàng Phanxico nói thế.

 

“Ta hãy thờ lạy Chúa, không thờ bản thân mình’’ ta hãy thờ lạy Chúa, không thờ những thần tượng giả dối, mê hoặc ta bởi sự quyến rũ của uy tín và quyền lực, với sự quyến rũ của tin giả, ta hãy yêu mến Chúa và không phủ phục trước những điều chóng qua đi và những ý nghĩ xấu, trống rỗng mặc dù hấp dẫn,” đức giáo hoàng nói vào ngày 6 tháng Giêng, ngày lễ Hiển Linh (hay lễ Ba Vua).

 

 Lúc mở đầu Thánh Lễ tại vương cung thánh đường Thánh Phêro, Hồng Y Luis Antonio Tagle của thánh bộ truyền bá Phúc Âm, chủ tế nghi lễ trên bàn thờ, xông hương tượng Hài Nhi Giêsu, đã được đặt tại bàn thờ chính vào chiều Vọng Giáng Sinh. Sau thánh lễ, Đức Giáo Hoàng Phanxico được đẩy trên xe lăn đến hôn Chúa Hài Nhi Kitô.

 

Trong bài giảng, đức giáo hoàng nói, “Giống như một vì sao đang mọc, Chúa Giêsu chiếu sáng tất cả mọi dân tộc và làm cho các đêm tối của nhân loại bừng sáng.”

 

Ngài nói tiếp, “Các tín hữu của thời nay được kêu gọi , như Ba Vua từ phương đông, lên đường đi tìm hài nhi Kitô.

 

Kinh nghiệm của Ba Vua cho thấy nơi đầu tiên mà Giêsu thích người ta đến tìm ngài là trong những câu hỏi thao thức, ngài nói thế. Đức tin là một món quà của Chúa, ngài ban ân sủng giúp ta giũ sạch tính lãnh đạm thờ ơ  và mở lòng trí ta đặt những câu hỏi quan trọng trong đời ta.

 

Tuy vậy, ngài nói, thế giới đầy rẫy những thuốc an thần nguy hiểm cho linh hồn, làm tê liệt lòng thao thức và trừ khử những thôi thúc tìm hiểu. Những thuốc an thần đó là những sản phẩm tiêu dùng mới mẻ, những hứa hẹn trống rỗng của khoái lạc và những cuộc bàn cãi không ngừng của truyền thông, sự tôn thờ sức mạnh cơ bắp. Mọi thứ dường như đang nói với ta: đừng suy nghĩ quá nhiều; nào ta hãy đi thưởng thức đời sống!

 

Ngài lại nói, cuộc hành trình đức tin bắt đầu khi ta cảm thấy không thỏa mãn với lối sống thường lệ hàng ngày và nghiêm chỉnh đối phó với những thử thách của mỗi ngày mới. Khi ta ra khỏi vùng êm ấm của mình và quyết định đối phó với những phương diện gay gắt của cuộc sống như mối tương quan của ta với người khác, những biến cố bất ngờ, những dự tính cần làm, những giấc mơ phải hoàn thành, những sợ hãi cần phải đối phó, những đau khổ thể xác và tinh thần.

 

Nhiều câu hỏi có thể dẫn ta tìm đến Chúa, ngải nói thế, như: Ở đâu ta có thể tìm được hạnh phúc chân thật, sự sung mãn của đời sống và tình yêu vững bền? Có những cơ hội nào ẩn khuất giữa những khủng hoảng và đau khổ của tôi?

 

Đức giáo hoàng nói tiếp: sau những câu hỏi thao thức, chỗ thứ hai để gặp Chúa là khi ta chấp nhận rủi ro lên đường đi tìm dung nhan Chúa và sự tốt đẹp của lời ngài.

 

Nếu không có một hành trình liên tục, đối thoại thường xuyên với Chúa, nếu không biết chú ý lắng nghe lời ngài, nếu không biết kiên trì, đức tin không thể lớn mạnh, ngài nói. Ta cần phải trở thành những môn đệ đi theo Chúa Giêsu và Phúc Âm của ngài, đem mọi việc thưa với ngài trong lời cầu nguyện, tìm kiếm ngài trong những diễn biến của đời sống hàng ngày, và trong sắc mặt của anh chị em chúng ta.

 

Đức Giáo Hoàng Phanxico nói các tín hữu phải hỏi: “Giêsu, ngài là ai đối với con?  Ngài muốn gọi con đi đâu, và ngài đang đòi hỏi gì về đời con? Những quyết định nào ngài đang mời gọi con làm cho người khác?

 

Sau cùng, ngài nói tiếp, nơi thứ ba để gặp Chúa là trong sự tuyệt diệu của giờ thờ phượng Chúa.

 

Đây là điều thật sự quan trọng: lòng thao thức của ta, những câu hỏi của ta, những hành trình tâm linh của ta và việc thực thi đức tin của ta, tất cả phải quy tụ lại trong việc thờ lạy Chúa, ngài nói vậy.

 

Mục tiêu của mọi việc làm không phải là đạt được mục tiêu cá nhân hay nhận được vinh quang cho chính ta, nhưng là để gặp Chúa, ngài nói thế. Mục đích là để cho ta được bao bọc trong tình yêu của ngài, đó là nền tảng của niềm hy vọng của ta, khiến ta thoát khỏi tội lỗi, mở lòng yêu tha nhân và biến ta thành một dân tộc có thể xây dựng một thế giới chính đáng hơn, giàu tình huynh đệ hơn.

 

Ngài lại nói: hãy tập  đứng trước mặt Chúa và không xin gì hết, “nhưng chỉ ngừng lại trong thinh lặng và buông thả mình cho tình yêu của ngài, để ngài nắm lấy tay ta và chữa lành ta bằng lòng thương xót của ngài”.

 

Sau thánh lễ, Đức Giáo Hoàng Phanxico chào đón khoảng 60’000 người tụ họp tại quảng trường thánh Phêro để nghe ngài nguyện Kinh Truyền Tin buổi trưa sau khi xem một buổi rước kiệu Ba Vua, gồm có những đội kèn đồng bước theo hành khúc, đội múa cờ và những người trong trang phục Thời Phục Hưng diễn hành trên đại lộ chính dẫn tới quảng trường, theo sau là Ba Vua ngồi trên lưng ngựa và bà phù thủy Lễ Ba Vua, thường gọi là “Befana” ngồi trong một xe mui trần màu hồng.

 

Không những Ba Vua mang quà đến cho Giêsu mà họ còn nhận được quà của Chúa nữa, đức giáo hoàng nói trong diễn từ của ngài.

 

Món quà họ nhận được là lời kêu gọi “vượt xa hơn nữa” và không thỏa mãn với nguyên trạng (status quo), món quà biết suy xét và phân biệt “giữa mục tiêu của chuyến đi và những cơn cám dỗ gặp trên đường đi,” và món quà được cảm nghiệm sự ngạc nhiên và gặp gỡ Chúa  “với lòng hứng khởi thờ lạy ngài,” đức giáo hoàng nói.

 

Bình thường người ta thích đi tìm sự vĩ đại, nhưng món quà thực sự là biết làm cách nào để tìm được nó – nghĩa là biết làm sao để tìm sự vĩ đại trong sự bé mọn mà Chúa yêu thích. Vì người ta gặp Chúa trong những nơi như thế này: trong khiêm nhường, trong thinh lặng, trong lòng thờ kính, trong những kẻ bé mọn nhất và trong những người nghèo,” đức giáo hoàng nói vậy.

 

Vũ Vượng dịch