7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Một Tấm Thảm Đạo Đức Được Thêu Dệt Trải Qua Lịch Sử & Các Truyền Thống Mùa Chay Của Nhiều Thiên Niên Kỷ - Ý Kiến Của Một Giáo Sư



Professor sees religious tapestry woven across the millennia in Lent’s history, traditions



BYPETER FINNEY JR., OSV NEWS, Tổng Biên Tập Báo Clarion Herald của Tổng Giáo Phận New Orleans


FEB 24, 2023US/WORLD


 

NEW ORLEANS – Khi Thomas Neal, một giáo sư thần học tâm linh ở Chủng Viện Notre Dame,  New Orleans, suy nghĩ về lịch sử và các truyền thống Mùa Chay, ông thấy một tấm thảm đạo đức được thêu dệt trải qua nhiều thiên niên kỷ: cầu nguyện, ăn chay và bố thí vốn bắt rễ trong đời sống Do Thái Giáo trước khi Chúa Kitô ra đời, đã trở thành – 2,000 năm sau- một cột trụ của đời sống Kitô Giáo trong 40 ngày trước Lễ Phục Sinh.

 

Và Neal nói chắc chắn rằng các việc làm của mùa chay không phải chỉ dành cho những người Công Giáo mà thôi.

 

“Ngay từ buổi ban sơ, cầu nguyện, ăn chay, và bố thí đã từng là một phần bình thường của đời sống Kitô Giáo hay Do Thái Giáo,” rồi ông nói tiếp, “Đó là ba cột trụ chính của đời sống tâm linh Do Thái Giáo, và cũng trở thành ba cột trụ chính của đời sống tâm linh Kitô Giáo.”

 

Có lẽ việc giữ chay trước Lễ Phục Sinh đã có từ thể kỷ thứ hai, Neal nói thế, nhưng nó đã được chính thức hóa và trở thành một thời kỳ ăn chay 40 ngày khi được công bố bởi Công Đồng Nicaea vào năm 325.

 

“Nó được dập theo mẫu 40 ngày Chúa Giêsu ăn chay trong hoang địa sau khi chịu phép rửa ở sông Jordan bởi Gioan Phép Rửa,” rồi Neal nói tiếp: “Cuối cùng thời kỳ 40 ngày đã trở thành tiêu chuẩn.”

 

Điều quan trọng đối với giáo hội sơ khai là Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho sứ mạng rao giảng công khai của ngài bằng 40 ngày ăn chay, Neal nói vậy.

 

Neal nói với báo Clarion Herald của Tổng Giáo Phận New Orleans, “Bất cứ việc gì Chúa Giêsu làm trong đời sống và đời mục vụ của ngài đều tạo thành kiểu mẫu cho giáo hội.”

 

Theo ý nghĩa về thần học, 40 ngày trong hoang địa của Chúa Giêsu là dư âm của lịch sử (dân Do Thái) vượt qua Hồng Hải để rồi lang thang suốt 40 năm trong sa mạc trước khi tới được đất hứa, Neal nói thế.

 

“Dân Israel bị cám dỗ và sa ngã trong sa mạc hết lần này đến lần khác – người Israel than thở và nổi loạn,” rồi Neal nói tiếp, “Chúa Giêsu cũng vào hoang địa để chịu cám dỗ, nhưng ngài không sa cơn cám dỗ. Ngài chiến thắng. Ăn chay cho ngài cảm nghiệm được sự yếu đuối của xác thịt, sự yếu đuối của con người, tuy vậy không bị nó đánh bại. Chúa Giêsu chỉ bắt đầu công cuộc cứu độ, chữa lành người bệnh, trừ quỷ sau khi chính ngài đã trực tiếp đối phó với Satan và đánh bại nó.”

 

So với những tiêu chuẩn ngày nay, việc ăn chay của các tín hữu thời sơ khai gay gắt hơn nhiều bởi vì nó bao gồm kiêng tất cả mọi thứ thịt, kể cả cá, các sản sẩm sữa và ngay cả trứng.

 

 “Cho nên, xét về cơ bản, họ giống như những ngưởi chỉ ăn rau.” Neal nói tiếp, “Rồi trải qua các thế kỷ, giáo hội cho phép giảm bớt sự gay gắt trong việc ăn chay khi thấy khó mà duy trì được tiêu chuẩn ấy luôn mãi.”

 

Sự đòi hỏi hiện thời cho người Công Giáo (tuổi 14 hay hơn) vào các ngày Thứ Sáu Mùa Chay là  phải kiêng thịt đỏ và thịt gà. Vào ngày Thứ Tư LTro và Thứ Sáu Tuần Thánh, luật  ăn chay cho phép người Công Giáo (tuổi 14 đến 59) được ăn một bữa no và hai bữa nhỏ hơn, mà nếu gom lại, sẽ không bằng một bữa ăn đơn lẻ bình thường.

 

Nhiều người có thể không biết rằng, Neal nói tiếp, bên ngoài nước Mỹ, người Công Giáo vẫn còn được đòi hỏi phải kiêng ăn thịt vào các ngày Thứ Sáu bên ngoài Mùa Chay.

 

“HK là một trong số ít nơi trên thế giới được cho phép miễn kiêng thịt vào các ngày Thứ Sáu, nhưng khi các giám mục HK được cho phép như thế, các ngài không loại bỏ việc phạt tạ vào các ngày Thứ Sáu,” Neal nói vậy, và tiếp, “Các ngài chỉ cho phép người Công Giáo được chọn cách đền tội vào mỗi ngày Thứ Sáu trong năm. Các ngày Thứ Sáu luôn luôn được coi là những ngày đền tạ, bởi vì những ngày ấy tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa.”

 

Nhưng tại sao kiêng thịt đã trở thành cách đền tội tiêu chuẩn?

Neal nói: “ý tưởng cần biết là ăn chay phải loại bỏ tất cả những gì ta gọi là đồ ăn xa xỉ – bất cứ đồ ăn nào ta không coi là thiết yếu để bảo tồn sự sống. Thịt có lẽ đã được coi là một thứ xa xỉ. Ngày nay, người ta có thể dễ dàng kiếm được thịt ở khắp nơi và nó không đắt tiền như trong thế giới cổ  xưa. Ý tưởng muốn nói lên là bạn đang loại bỏ tất cả những thứ xa xỉ của đời sống và tự hạ mình xuống một đẳng cấp nghèo khó va đơn giản để ta có thể cảm thấy phải tùy thuộc vào Chúa nhiều hơn và tự tách mình ra khỏi những gì không tuyệt đối cần thiết cho ta.

 

Các truyền thống Tin Lành – nhất là Anh Giáo, Presbyterians, và Methodists là những hệ phái có nhiều nghi thức phụng vụ hơn – cử hành Mùa Chay từ Thứ Tư LTro đến hết Thứ Năm Tuần Thánh. Neal nói một vài chi phái Evangelical cũng quý trọng “thứ kỷ luật tâm linh mà Mùa Chay đem vào thời kỳ chuẩn bị cho Lễ Phục Sinh, nhưng một số người quá lo lắng nghĩ rằng phải thi hành đền tạ để ‘kiếm” được thiên đàng. Đôi khi có thể có một quan điểm lệch lạc trong cách nhận xét về Mùa Chay.

 

Cha Jeffrey Montz, linh hướng tại Chủng Viện Notre Dame nói chọn sống khắc khổ không phải chỉ có trong đạo Thiên Chúa, nhưng có nguồn gốc bên ngoài đạo Thiên Chúa.

 

“Đây là một trong những đặc điểm cố hữu của các tôn giáo -  chỉ ra rằng có nhiều kiểu sống khắc khổ,  nhưng đó chỉ là một hình thức kỷ luật có thể giúp người ta tập được những thói quen tốt.”  Cha Montz lại nói, “Trong trường hợp này đạo Thiên Chúa chúng ta dùng từ “nhân đức,” nhưng đó là nhìn nhận rằng ta cần làm việc đều đặn để có thể tạo được một thói quen tốt. Những nền văn hóa ngoại giáo – văn hóa La Mã và Hy Lạp – cũng có những thí dụ về sống khắc khổ. Ta cũng tìm thấy điều này bên ngoài thế giới La-Hy, trong các văn hóa Á Châu.” 

  

Tất nhiên ở miền nam Louisiana dồi dào hải sản, bỏ ăn thịt hầu như không phải là một hy sinh. Điều này khiến cho Cha Montz suy nghĩ phải ăn chay thế nào để đạt tới một mục đích cao đẹp hơn.

 

Cha Montz nói: “Mặc dù ta có xu hướng chỉ chú trọng vào những cách đền tội dựa vào đồ ăn, có những cách khác để đền tội, không phải chỉ dựa vào đồ ăn. Tôi nghĩ ngày nay có lẽ người ta thấy kiêng cữ mạng xã hội khó hơn (kiêng ăn). Từ bỏ Facebook trong Mùa Chay có thể khó hơn là chỉ ăn cá. Tìm ra những gì chúng ta quá dư thừa và đặt ra một thứ kỷ luật nào đó trong những thói quen của ta đối với chúng có thể là một thách thức lớn hơn nhiều so với câu nói, “Ồ, cứ ăn toàn hải sản là được rồi.”

 

Neal phụ họa thêm cho những nhận xét này.. mỗi mùa chay ông cố “kiêng cữ tiếng động và âm thanh của thế giới này.

 

 “Tôi cố gắng có một thời gian thinh lặng, tôi không nghe nhạc trong xe và không mở radio trong xe,” rồi ông lại tiếp “Tôi đổi màu sắc trong phone thành đen trắng. Tôi bỏ những ứng dụng đi để đơn giản hóa đời sống của tôi. Làm vậy giúp tôi nhận ra tôi tha thiết với cái gì, vì khi tôi không dùng những thứ này, tôi bắt đầu cảm nhận được chúng. Tôi chỉ nhận ra tôi đã ghiền chúng như thế nào sau khi đã cố gắng bỏ chúng đi.”

 

Khi con cái của Neal có mặt ở nhà, ông và gia đình chú trọng làm việc bố thí bằng cách cho người vô gia cư ăn hai lần trong mùa chay, ngắm chặng đàng mỗi ngày Thứ Sáu và đặt ra một lời hứa Mùa Chay bí mật mà không ai khác biết.

 

“Nó gần giống như một cuộc trao đổi quà nặc danh,” Neal nói thế, và tiếp, “Mổi người chúng tôi sẽ đưa ra một cam kết lựa chọn cách đền tội để thi hành và không cho ai biết. Đó là việc làm giữa chúng tôi và Chúa. Chúng tôi sẽ viết chúng trên một tờ giấy và bỏ vào trong một cái rổ nhỏ để trong phòng cầu nguyện ở trong nhà. Tôi luôn nghĩ rằng đó là một việc làm đặc sắc.”


Vũ Vượng dịch