Pursuing common good in economics is part of being pro-life, pope says
ByCindy Wooden, Catholic News Service
Nov 15, 2024US/World
Khi nghe nói đến phong trào bảo vệ quyền sống, người ta thường nghĩ đến
chống phá thai, chống trợ tử vv...Điều ấy đúng nhưng chưa đầy đủ, vì thế Đức
Giáo Hoàng Phanxico, trong bài sau đây, còn lưu ý đến hệ thống kinh tế và xã
hội cần phải thay đổi để bảo vệ công ích cho moi người, nhất là những người yếu
ớt và cô thế.
VATICAN
CITY — Bảo vệ phẩm giá và sự thánh thiện của cuộc đời mỗi người
đòi phải phấn đấu để tạo ra những hệ thống kinh tế và xã hội đề cao công ích cho tất cả mọi người, Đức Giáo Hoàng Phanxico nói thế.
“Nếu bảo vệ sự sống chỉ giới hạn vào một vài phương diện hay trường hợp, hay
từ chối bàn về bối cảnh xã hội và văn hóa hiện thời, việc này có nguy cơ trở
thành vô hiệu và sa vào sự cám dỗ của đường lối bàn luận về tư tưởng, trong đó những nguyên tắc trừu tượng được bảo vệ, hơn là những con người
cụ thể,” đức giáo nói vậy trong một thông điệp phát đi ngày 14 tháng 11.
“Sự tìm kiếm công ích và
công lý là những phương diện thiết yếu và không thể thiếu của bất cứ nỗ lực nào
nhằm bảo vệ đời sống của mỗi người, nhất là những người yếu đuối và dễ bị
thương tổn nhất, có liên hệ với toàn thể hệ thống kinh tế, nơi chúng ta sinh
sống,” đức giáo hoàng nói thế.
Thông điệp này được đọc
lên khi bắt đầu buổi hội thảo được bảo trợ bởi Giáo Hoàng Học Viện về Đời Sống
(Pontifical Academy for Life,) trong đó có nhà kinh tế Mariana Mazzucato và thủ
tướng Mia Mottley của Barbados.
Hai phụ nữ này đã từng
làm việc cho sáng kiến Bridgetown, một dự án cải tổ hệ thống tài chánh thế giới
với công ích là mục tiêu chính, hơn là lợi nhuận cá nhân. Nó nhìn nhận hệ thống
tư bản là hệ thống tài chánh có cơ hội lớn nhất để trợ giúp hầu hết mọi người,
nhưng nhấn mạnh rằng các chính phủ có vô vàn khí cụ trong tay không những dễ sửa chữa những sai lầm hay
lấp đầy những cách biệt, nhưng còn điều hướng chi tiêu và đầu tư.
“Chúng ta có thể tìm ra
cách để đặt một người lên mặt trăng, nhưng chúng ta không thể tìm ra cách phân
phối đồng đều đồ ăn và nước uống dồi dào trên trái đất,” Mottley nói thế. Những
vấn đề này cũng như thay đổi khí hậu, di dân và những nỗ lực cứu trợ “đòi hỏi
sự lãnh đạo có sách lược đạo đức trên
bình diện toàn cầu”.
Mazzucato nói khởi điểm có thể là bàn về những hợp đồng về cung cấp tiếp liệu và mua
sắm của chính phủ, những thứ này chiếm một phần quan trọng trong chi tiêu của chính
phủ cấp địa phương, miền và trung ương.
Bà nói các hợp đồng này
có thể và cần phải nhấn mạnh rằng các công ty làm việc với chính phủ phải thiết
tha với môi trường, trả lương công nhân xứng đáng và tái đầu tư một phần tiền
lời vào việc nghiên cứu hay chế tạo, chứ không phải chỉ mua lại cổ phiếu hay
trả nợ.
Đức Giáo Hoàng Phanxico đã gặp riêng hai bà này trước đó trong ngày, ngài nói với
những người sẽ tham dự buổi hội thảo vào buổi chiều rằng “công ích trước hết và
trên hết phải là một việc làm bao gồm sự tiếp đón thân tình và cùng nhau đi tìm
chân lý và công lý.”
Nổi bật trên thế giới
chúng ta, là những cuộc xung đột và tranh cãi. Đó là hậu quả của tình trạng bất lực không thể nhìn xa hơn những lợi
ích riêng,” ngài lại nói tiếp “điều hết sức quan trọng là phải nhớ công ích là
một trong những nền tảng của học thuyết xã hội của giáo hội.”
Ngài nói thế giới cần
“những lý thuyết kinh tế vững chắc để đưa ra và khai triển đề tài nay một cách
chi tiết, để nó trở thành một nguyên tắc tạo hứng khởi cho những lựa chọn chính
trị - như tôi đã nói trong thông điệp ‘Laudato si’- và không phải chỉ là một vấn đề được nêu lên nhiều lần bằng lời nói,
nhưng ít được lưu tâm trong việc làm.”
Trong một văn kiện đăng
trong Báo Cải Cách Chính Sách Kinh Tế, Mazzucato lý luận rằng “công ích không
phải chỉ liên quan đến làm sao đạt được
tiền lời tích lũy tối đa của cá nhân, nhưng liên quan đến công ích và sự quan
tâm lẫn nhau.”
Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, chủ tịch Giáo Hoàng Học Viện Bảo Vệ Sự Sống và là người
bảo trợ cuộc hội thảo, nói với đám đông rằng “những bất bình đẳng ghê gớm giữa
những người giàu nhất và những người nghèo nhất trên thế giới không phải là kết
quả của sự tình cờ, nhưng là trái đắng của chủ nghĩa tư bản phiền phức này, nó
đã sản sinh ra thứ văn hóa cực kỳ duy cá nhân.”
Một nền văn hóa như thế đang phá hoại từ gốc rễ đà tiến tới thống nhất, vì
thế đang đập tan khái niệm về “chúng ta”, một khái niệm căn bản về công ích để
chung sống hòa bình và đời sống tốt lành cho mọi người, vị tổng giám mục nói thế.
Vũ Vượng dịch