7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

HỠI CÁC KITO HỮU TRỌNG SINH: BÂY GIỜ LÀ LÚC PHẢI HÔ TO TỪ TRÊN NÓC NHÀ

 

 


 Pro-Life Christians: Now Is the Time to Shout from the Rooftops

 


BISHOP ROBERT BARRON

 

Bài báo này phỏng theo bài giảng của Giám Mục Robert Barron trong ngày Chủ Nhật Tôn Vinh Mạng Sống năm 2024, đăng trên mạng Word on Fire.

 

 

Quyển sách tuyệt vời tựa đề Dominion của Tom Holland mô tả một cách chi tiết một điều tương đương với một lập luận đơn giản - nói cho rõ là: đạo Kito có công tạo ra nhiều giá trị căn bản mà người ta thường cho là điều tất nhiên và coi như những giá trị phổ quát. Trên thực tế, ông quả quyết chúng ta đặt nặng phẩm giá của cá nhân, những nhân quyền căn bản, nguyên tắc bình đẳng, và có lẽ trên hết là người nghèo, người bị gạt ra ngoài lề, và những nạn nhân phải được đặc biệt ưu ái, tất cả đều toát ra từ những niềm xác tín của đạo Kito.

 

 

Từ đầu điều thúc đẩy Holland điều tra về lời quả quyết này, một cuộc nghiên cứu rộng lớn của ông về lịch sử La Mã thượng cổ. Càng nhìn lâu và nhìn sâu vào xã hội La Mã thời ấy, ta thấy nó càng xa lạ và không giống như thời đại chúng ta. Và càng tìm hiểu vế những nhà anh hùng lớn của La Mã ta càng thấy họ xa lạ hơn, và đáng sợ hơn về mặt đạo đức. Để đơn cử một trong nhiều thí dụ, Holland thức dục ta xem xét một nhân vật thời thượng cổ La Mã, có lẽ một nhân vật kiệt xuất nhất, là Julius Caesar. Vì muốn nâng cao danh tiếng trên trường chính trị, Caesar khởi binh đánh chiếm miền Gaul (nay là nước Pháp), Sự thành công vẻ vang của ông trong việc đè bẹp vùng đất này và biến nó thành một tỉnh của La Mã đã khiến ông ta được bao bọc trong vinh quang và đã trở thành đề tài cho một quyển sách của ông The Gallic Wars (Chiến Chiếm Xứ Gaul), ngày nay vẫn còn được đọc. Nhưng điều ít khi được chú ý là sự thật kinh hoàng trong cuộc chinh phạt này: theo ước tính dè dặt, Caesar đã giết chết một triệu người và bắt làm nô lệ khoảng một triệu người khác hay hơn nữa.

 

 

 Này nhé, Caesar chẳng thiếu gì địch thủ ở La Mã, những người nghi ngờ ông ta thèm khát vương quyền. Nhưng điều mà Holland thấy lạ lùng là không ai trong những địch thủ của Caesar ca thán về cuộc chém giết lồng lộn khắp xứ Gaul. Thực sự tất cả La Mã đều khen ngợi ông ta về việc này. Cho nên câu hỏi nêu lên là:Tại sao ( ngày nay) ta gọi một kẻ chém giết và bắt người làm nô lệ trên một quy mô khủng khiếp như thế là một tên đồ tể thì trong xã hội La Mã thượng cổ, ngay cả những người tài giỏi và xuất sắc nhất đều gọi Ceasar là một anh hùng?  Câu trả lời tóm gọn lại là Đạo Chúa Kito.

 

 

 Điều  mà những người đạo Kito thời ban sơ đem đến cho nền văn hóa La Mã là niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, đấng đã dựng lên mỗi con người theo hình ảnh của ngài, giống như ngài và vì thế đã ban cho họ những quyền lợi, tự do và phẩm giá. Hơn nữa, những người theo Chúa dạy rằng Thiên Chúa, đấng tạo hóa đã trở thành người và tự ý đi vào những ranh giới của đau khổ và tủi nhục, theo lời Thánh Phaolo, “chấp nhận ngay cả cái chết, chết trên thập giá,” Họ tuyên xưng một đấng cứu thế vốn là nạn nhân của bạo quyền La Mã, và đã được Chúa cất lên từ trong kẻ chết. Và qua lời tuyên xưng này, họ đã đem tất cả những ai bị áp bức, những nạn nhân, những người yếu đuối, bị bỏ quên, và đem họ từ ngoài rìa vào trong lòng  xã hội. Lẽ tất nhiên những niềm tin này lúc đầu bị cho là vô lý và những Kito hữu thời sơ khai đã bị bách hại tàn nhẫn vì tin như vậy. Nhưng rồi với thời gian, và qua sự làm chứng và giữ đạo của những con người dũng cảm này, những niềm tin này đã thấm nhập vào từng “thớ thịt” của xã hội phương tây. Chúng thấm nhập sâu váo ý thức đến nối dần dần ta, theo lý luận của Holland, coi chúng như là cái gì tự nhiên và lầm tưởng chúng là những tư tưởng nhân bản phổ quát.

 

 

Nhiều tín hữu khiếp nhược phải nín lặng trước luận điệu cho rằng tôn giáo là một vấn đề “riêng tư.”

 

 

Bây giờ xin hỏi: tại sao tất cả những điều này quan trọng đối với chúng ta ngày nay? Ta đang sống trong một thời đại mà đức tin Công Giáo bị hạ thấp khá nhiều bởi giới thượng lưu, giới tinh hoa, trong những trường đại học, vả trong giới truyền thông. Hơn nữa có rất nhiều người, nhất là trong giới trẻ, đang tách rời khỏi các nhà thờ, thôi không tham dự các nghi lễ tôn giáo và thôi giữ đạo. Bạn có thể nghĩ: việc này  không can chi lắm, hay nó còn có thể có lợi cho một xã hội đã trường thành và được thế tục hóa chăng? Nhưng xin nghĩ lại. Khi đức tin và việc giữ  đạo Thiên Chúa biến đi, những giá trị tư tưởng mà đạo Thiên Chúa đã in sâu vào văn hóa chúng ta cũng biến theo. Những bông hoa bị ngắt ra có thể tươi tốt một thời gian sau khi nhổ lên và cắm vào trong nước, nhưng chẳng bao lâu sẽ phai tàn. Ta tự dối mình nếu nghĩ rằng những giá trị tư tưởng thấm nhuần trong ta nhờ đạo Thiên Chúa sẽ tồn tại lâu dài nếu chính đạo Thiên Chúa không còn nữa. Có biết bao dấu hiệu cho thấy một thứ đạo tự nhiên kiểu mới (neo-paganism) đang nổi dậy. Trong nhiều bang trong nước chúng ta, cũng như ở Canada và nhiều nước Châu Âu một chế độ chọn lựa cái chết êm ái đang trở nên thịnh hành. Khi những người già cả và người bệnh tật trở thành bất tiện, họ có thể và cần phải bị loại bỏ. Và lẽ tất nhiên, trong hầu hết các nước Phương Tây, khi một đứa bé còn trong thai bị cho là một vấn đề rắc rối, nó có thể bị phá hủy ở bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ, ngay cả tới lúc sinh ra. Trong bang Minnesota của tôi một đề nghị đã được đưa ra đòi ghi quyền sát hại một đứa bé trong thai vào hiến pháp. Nhân tiện xin hỏi, việc này chẳng giống như tục lệ vất bỏ những trẻ sơ sinh ngoài ý muốn ra ngoài mưa nắng hay để cho thú vật ăn thịt ở La Mã thời thượng cổ hay sao? Và thật tuyệt vời, dưới ánh sáng của bài phân tích của Holland, những Kito hữu thời sơ khai đã được chú ý đến trong bối cảnh văn hóa của La Mã lúc bấy giờ, chỉ vì họ sẵn sàng cứu vớt và đón nhận những đứa bé bị bỏ rơi này.

 

 

Như vậy ta phải làm gì đây? Các Kito hữu phài hô to phản kháng thứ văn hóa thần chết này. Và phải làm vậy bằng cách đòi hỏi và công khai tuyên xưng những giá trị tư tưởng xuất phát từ đức tin của chúng ta. Quá lâu rồi, các tín hữu bị khiếp nhược phải nín lặng, trươc luận điệu cho rằng tôn giáo là một vấn đề riêng tư. Thật phi lý. Những giá trị tư tưởng đạo Thiên Chúa đã định hình xã hội chúng ta tử thuở ban đầu và đã tạo ra rường cột của một nền luân lý chặt chẽ mà phần lớn chúng ta cho là tự nhiên mà có. Bây giờ không phải là lúc im lặng. Bây giờ là lúc ta phải hô to những điều xác tín của chúng ta từ trên các nóc nhà.

 


Vũ Vượng dịch