(Why would Jesus curse a fig tree that was out of season for not producing fruit?)
Jenna Marie Cooper, Osv News – 10/7/2024
Nguyên bản tiếng Anh đăng trong báo điện tử NW Catholic của Tổng Giáo Phận Seatte.
ĐÁP: Các bậc tiền bối của Giáo Hội dạy rằng Kinh Thánh có thể được hiểu trên những bình diện khác nhau, và tôi nghĩ rằng đây là cách hay nhất để hiểu tình tiết đặc biệt này trong cuộc đời Chúa Giêsu.
Câu truyện Chúa Giêsu nguyền rủa cây vả được thấy trong Phúc Âm Thánh Matthêu và Thánh Macco. Trong cả hai truyện, sau khi Chúa Giêsu và các môn đệ đã đi được một đoạn đường, thì Chúa cảm thấy đói và đến gần một cây vả, nhưng không thấy có quả nào trên cây, Chúa nguyền rủa cây vả và nói: “Từ đây không ai còn ăn trái của ngươi nữa.” Rồi các môn đệ của Ngài kinh ngạc khi thấy cây vả úa tàn và chết đi ngay sau mệnh lệnh của Chúa Giêsu. Phúc Âm Thánh Macco cho ta thêm chi tiết rằng lúc ấy không phải là mùa vả, để giải thích ngay từ đầu tại sao cây ấy không có quả.
Tôi nghĩ người ta có thể cố gắng tìm hiểu trình thuật này của Phúc Âm theo cách thấy sao hiểu vậy. Ta biết không những Chúa Giêsu là Thiên Chúa hoàn toàn, nhưng cũng là con người hoàn toàn như chúng ta về mọi mặt chỉ trừ tội lỗi” (Hebrews 4:15) Và ta biết nhờ Phúc Âm rằng Chúa Giêsu có những nhu cầu thể xác; thí dụ, Ngài thường bị mệt và cần nghỉ ngơi và khát và xin nước uống. Chúa Giêsu cũng có những tình cảm con người, buồn sầu khi một người bạn chết và đôi khi còn nổi giận nữa.
Cho nên tôi cho rằng người ta không lầm khi xem tình tiết này như một cách để chứng minh nhân tính của Chúa Giêsu – nghĩa là, Chúa Giêsu bị đói và thất vọng khi thấy những cây vả không có trái. Nhưng ngay cả khi ta xem đoạn này chứng tỏ nhân tính của Chúa Giêsu, cái dường như đã gây ấn tượng cho các môn đệ là nó đã chứng tỏ quyền năng Thiên Chúa đối với thiên nhiên của Chúa Giêsu. Trình thuật của Matthêu nói cây vả, héo tàn ngay khi Chúa Giêsu nguyền rủa nó, và nói tiếp: “Khi các môn đệ thấy điều này, họ rất đỗi kinh ngạc và nói, ‘làm sao mà cây vả (có thể) héo tàn ngay lập tức được?’” Cho nên tôi thấy các thánh sử đã lồng truyện này một cách hợp lý vào Phúc Âm bên cạnh những phép lạ khác của Chúa Giêsu được kể lại.
Nhưng cũng có thể thấy một ý nghĩa tiên tri sâu xa hơn trong hành động của Chúa Giêsu ở đây. Nghĩa là Chúa Giêsu đang nói lên, qua dấu lạ có thể nhìn thấy này, sự cần thiết phải sinh hoa kết quả trong đời sống đức tin của ta, nghĩa là sự hiểu biết về Chúa và cách ta giữ đạo phải thực sự dẫn tới một đời sống đức độ và tình yêu chân thành đối với Chúa và những người quanh ta.
Ta có thể thấy nhiều chứng cứ cho ý nghĩa sâu xa hơn này trong những nơi khác của Kinh Thánh. Thí dụ, trong trình thuật của Thánh Macco, câu truyện Chúa Giêsu nguyền rủa cây vả được chia thành hai phần. Trước hết, Chúa Giêsu nhận thấy cây vả không cỏ trái và nguyền rủa nó, rồi Ngài đến gặp những kẻ đổi tiền trong đền thánh, biến nhà cầu nguyện thành sào huyệt của trộm cướp (Macco 14:17). Sau khi Chúa Giêsu và các môn đệ rởi khỏi đền thánh, họ đi ngang qua cây vả, và chỉ khi đó các môn đệ mới nhận thấy nó đã chết. Sự hàm ý rõ ràng là những kẻ đổi tiền giống như những người thường dùng những gì của Chúa để kiếm chác của cài vật chất, chẳng khác nào một cái cây không sinh quả tốt.
Và mặc dù Phúc Âm Thánh Luca không có một trình thuật tương tự, trong đó người ta kể lại Chúa Giêsu nguyền rủa một cây vả, nhưng Thánh Luca có ghi lại một dụ ngôn tương tự. Trong Luca 13:6-9, một người làm vườn quyết định để cho một cây vả không có quả một cơ hội chót, trước khi chặt nó xuống. Bài học luân lý của dụ ngôn này là Chúa sẽ luôn kiên nhẫn và giàu lòng thương xót chờ đợi người ta sinh hoa kết quả; nhưng ta cũng phải lưu tâm về ngày phán xét chung thẩm vào ngày tận thế nếu ta vẫn không sinh được hoa trái, bất kể ơn Chúa đã ban cho ta.
Vũ Vượng dịch