7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

ĐỨC GIÁO HOÀNG NÓI: CẢ HAI ỨNG CỬ VIÊN TỔNG THỐNG HK ĐỀU ẤP Ủ QUAN ĐIỂM CHỐNG SINH MẠNG


Both US presidential candidates espouse anti-life views, pope says


ByCindy Wooden, Catholic News Service

Sep 13, 2024US/World


Nguyên bản tiếng Anh đăng trên báo điện tử Northwest Catholic của Tổng Giáo Phận Seattle. Vì khổ báo HN có hạn, nên chúng tôi phải bỏ qua một phần của nguyên bản.


Trên chuyến bay của đức giáo hoàng từ Singapore trở về, người ta hỏi ngài một người Công Giáo Hoa Kỳ phải làm gì khi lựa chọn bầu cho một người ủng hộ phá thai hay một người ủng hộ đóng cửa biên giới và tống xuất di dân, Đức Giáo Hoàng Phanxico nói người ta phải chọn “điều xấu nào nhẹ hơn”.

 

Đức giáo hoàng đặt câu hỏi “Đâu là điều xấu nhẹ hơn, bà này hay ông kia? Ám chỉ PTổng Thống Kamala Harris, hay Cựu Tổng Thống Donald Trump. Ngài nói tiếp, “Tôi không biết. Mỗi người phải quyết định theo lương tâm của mình.”

 

Đức giáo hoàng dùng 45 phút để trả lời  cho 10 nhà báo trên chuyến bay ngày 13 tháng 9, từ Singapore trở về Rome, sau khi kết thúc chuyến đi 12 ngày. Ngài được hỏi về 4 nước ngài đã đến thăm, về nạn lạm dụng tình dục, về những chuyến đi tương lai, về chiến tranh ở thánh địa và mối bang giao giữa Vatican và Trung Quốc.

 

Một thông tín viên truyền hình Hoa Kỳ hỏi ngài về sự lựa chọn mà các cử tri Công Giáo phải đối phó giữa bà Harris, một người ủng hộ hợp pháp hóa phá thai, và ông Trump, người muốn giới hạn nghiêm ngặt di dân và đã nói ông ta muốn tống khứ hàng triệu di dân.

 

Cả hai thái độ ấy “đều chống lại sinh mạng: kẻ muốn tống xuất di dân và kẻ muốn giết các trẻ em. Cả hai đều chống lại sinh mạng.” Ngài nói thế.

 

Ngài nói, trong Cựu Ước, dân Chúa thường được nhắc đi nhắc lại phải chăm sóc cho các góa phụ, cô nhi và người xa lạ, nghĩa là di dân. Họ là ba loại người mà dân Israel phải bảo vệ. Ai không chăm lo cho các di dân là thiếu sót. Đó là một tội.

 

 Và phá một bào thai là giết chết một sinh mạng. Dù bạn có thích tử này hay không, nhưng đó là sát hại. Đó là ám sát. Và chúng ta phải minh bạch về điều này.

 

Đức giáo hoàng được hỏi có khi nào một người Công Giáo có thể bỏ phiếu cho một ứng cử viên ủng hộ phá thai hay không.

 

Ngài nói, “Nói chung, trong luân lý chính trị, người ta nói không bỏ phiếu là sai; ta phải bỏ phiếu, nên ta phải chọn điều xấu nào nhẹ hơn tùy theo lương tâm của mỗi người.

 

Cả hai vấn đề phá thai và chăm lo cho di dân là những vấn đề mà các giám mục Hoa Kỳ thúc dục người Công Giáo xem xét khi bỏ phiếu. Trong văn kiện Forming Consciences for Fathful Catholic (Vấn đề lương tâm cho các tín hữu Công Giáo) các ngài nói, “sự đe dọa của nạn phá thai vẫn là ưu tiên quan trọng nhất của chúng ta, vì nó trực tiếp tấn công những kẻ dễ bị hại và không có tiếng nói đáng thương nhất trong các anh chị em của chúng ta và nó tiêu hủy trên một triệu sinh mạng mỗi năm trên đất nước chúng ta mà thôi.

 

Vào đầu chuyến đi của đức giáo hoàng, một nhà văn Pháp đã loan đi một tin đồn đức giáo hoàng sẽ đi Pháp ngày 8 tháng 12 để tái khai mạc và thánh hiến bàn thờ trong nhà thờ chính tòa Notre Dame đã được xây lại sau vụ hỏa hoạn tàn phá vào năm 2019.

 

Khi được hỏi về chuyến đi ấy, đức giáo hoàng trả lời đơn giản: “Tôi sẽ không đi Paris.

 

Về ý tưởng vị giáo hoàng 87 tuổi sẽ về Argentina, quê hương ngài, ngài không nói rõ như thế.

“Đó là một điều chưa được quyết định. Tôi muốn đi. Đó là dân tộc tôi. Nhưng còn nhiều việc khác phải giải quyết trước đã.” Ngài nói vậy.

 

Tuy vậy nếu đi được, ngài nói thế, ngài muốn dừng chân trên quần đảo Canary, một vùng tự trị của Tây Ban Nha trên Đại Tây Dương, nơi có hàng ngàn di dân từ Senegal, Mali và nhiều nước Phi Châu khác – trong đó có nhiều trẻ vị thành niên không có người lớn đi theo.

 

Về bang giao với Trung Quốc, đức giáo hoàng nói, “Tôi hài lòng với cuộc đối thoại với Trung Quốc. Những kết quả tốt đẹp. Vả lại, việc chỉ định các giám mục, công việc tiến triển với thiện chí.”

 

Năm 2018, Vatican và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận phác họa những thủ tục để bảo đảm các giám mục Công Giáo được bầu lên bởi cộng đồng Công Giáo ở Trung Quốc và được chấp thuận bởi đức giáo hoàng trước khi được thụ phong hay bổ nhiệm. Tạm ước có giá trị hai năm, đã được gia hạn năm 2020 và 2022, sắp phải gia hạn lại vào tháng 10 này.

 

Văn bản này chưa bao giờ được công bố, nhưng Vatican đã phàn nàn mấy lần trong 6 năm qua khi Trung Quốc chỉ định hay thuyên chuyển các giám mục rõ ràng là vi phạm thỏa thuận này.

 

Đức giáo hoàng cũng nói ngài hoan nghênh những nỗ lực của Trung Quốc nhằm khuyến khích giải pháp hòa bình cho cuộc chiến tại dải Gaza.(miền Trung Đông).

 

“Tôi gọi giáo xứ ở Gaza mỗi ngày, mỗi ngày” ngài nói thế. Bên trong khuôn viên của Giáo Xứ Holy Family (Thánh Gia) có khoảng 600 người - Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo - đã tới để ẩn trú.

 

Giáo Hoàng Phanxico nói ngài không thể phán đoán phản ứng của Israel đối với cuộc xâm lăng tháng 10 của Hamas là thái quá hay không, “nhưng khi bạn thấy những thi thể của trẻ em đã bị giết chết – khi bạn thấy bởi vì người ta suy đoán có một số quân du kích ở đó rồi dội bom một ngôi trường thì thật ghê sợ, ghê sợ quá.”

 

Ngài nói tiếp, “Đôi khi, một cuộc chiến thật quá sức, quá sức.”

 

Vũ Vượng dịch