Để gìn giữ văn hóa truyền thống của người Việt, Cộng Đoàn Công Giáo tại Tacoma đã tổ chức cho các em học gói bánh chưng, bánh tét.
Trên cầu thang đi xuống tầng hầm cu con bốn tuổi đã lên tiếng, “Ba ơi, con nghe mùi bánh đã sẵn sàng rồi”. Còn tôi, không phải là người có khứu giác tốt, nhưng theo từng bước chân mùi nếp được ngâm nước, mùi lá chuối, mùi thịt ướp… mỗi lúc một mạnh hơn. Mùi của gần 1000 cái bánh đang sùng sục trong nồi thi nhau tỏa hương ở phía sau cũng tìm vào như thôi thúc cái Tết đã cận kề. Trong lòng tôi đang dậy lên mùi của Tết.
Cùng nhau nhóm lên không khí Tết
Trong cảnh xa xứ, cách hữu hiệu để đánh thức lại kỷ niệm của từng người, nhen nhóm lên trong lòng mỗi người chút không khí Tết cùng nhau gói bánh. Lời Cha Xứ Đaminh Nguyễn Anh Tuấn, dù có bán bánh nhưng trên hết gói bánh dịp Tết là cùng nhau giữ gìn nét văn hóa truyền thống đẹp của người Việt.
Xa quê ai cũng hiểu, cùng thao thức gìn giữ truyền thống không thể là trách nhiệm của một cá nhân. Xa không gian văn hóa Việt, ai cũng thấy có bổn phận, sợ con cháu mình không hiểu cha ông sống thế nào. Nhờ thế, người góp nếp, người cho đậu, người mua thịt, người ủng hộ lá chuối… để cùng thắp lên một Tết Việt.
Và rồi, trước mặt tôi, đủ mọi lứa tuổi, giới tính, màu da, với cảnh lau lá, xếp góc, trải lá, đổ nếp, thêm nhân, cột dây… một không khí Tết hiển hiện. Có lẽ những ngày cuối năm Nhâm Dần, không gian này như gom lại từng chút kỷ niệm trong mỗi người để cùng nhau thổi lên khung cảnh đầm ấm, bận rộn của việc lo cho ngày Tết.
Hai con nhìn cảnh nhiều ông bà, cô bác, anh chị… gói bánh với cặp mắt thích thú. Còn tôi trong lòng đang bồi hồi với những ký ức. Lúc còn ở Việt Nam, cũng khoảng thời gian này tôi ra vườn chặt lá chuối, rút rơm để đốt lửa lên hơ qua cho lá có độ dẻo, rồi rọc lá, chẻ dây… và tôi ngồi ngay ngắn trên phản để gói bánh. Lửa dưới nồi bánh như sưởi lên, gìn giữ sự sum vầy, hơi từ nồi bánh như vương vấn, quấn quít chẳng muốn bay đi để hòa vào cái lạnh cuối năm của đất trời, vốn nơi nó sẽ thuộc về.
Để cho con rồi cũng có ký ức
Thả cho sự bồi hồi tự do lan tỏa qua từng mạch máu trong người. Tôi đưa hai con đến chỗ chúng có thể tự tay gói bánh. Để cho hai con rồi cũng có ký ức Tết sau nhiều chục năm như tôi lúc này.
Trong các năm trước, các em chỉ dừng lại ở việc theo ông bà, cha mẹ đến xem, chạy lăng xăng, bưng bánh đã thành hình sắp vào cái bàn được kê sẵn… Năm nay, cho các em nhỏ có trải nghiệm sâu hơn cùng văn hóa ngày Tết. Ngay từ ngày lên kế hoạch, ban tổ chức đã nghĩ cho các em nhỏ. Các em được trở thành những thợ gói bánh như ông bà, cha mẹ…
Sáng hôm nay, ông Trần Minh Thế, 70 tuổi, một trong nhiều người được mời giúp các em gói bánh chia sẻ, “Đây là việc làm ý nghĩa, một hành động thiết thực để giữ văn hóa. Các em làm được cái bánh sẽ thấy thích thú, hiểu phần nào để gắn bó với văn hóa của cha ông”.
“Em rất thích. Em đã gói được một bánh tét và một bánh chưng. Em muốn năm sau lại được gói bánh nữa”, Kevin, 15 tuổi, một trong những em đầu tiên đến tham gia gói bánh đầy phấn khởi.
Hai con tôi Hannah, 6 tuổi, và Vincent, 4 tuổi, mỗi đứa cũng làm được chiếc bánh đầu tiên trong đời. Điều mà ông bà, cha mẹ chúng trong năm nhiều lần gói bánh vẫn chưa làm được, thì các con đã làm được nơi đây. Bánh của Hannah cột đây màu trắng và màu đỏ. Bánh của Vincent cột dây màu trắng và màu xanh da trời. Màu dây là cách để các em có thể nhận biết bánh của mình sau khi nấu.
Chị Bảo Trân, người phụ trách không gian cho các em này cho biết, cộng đoàn cho các em 50 bánh. Sau khi nấu các em sẽ nhận lại bánh của mình. Nhưng để các em gói được bánh phải mời các cô chú có nhiều kinh nghiệm chỉ dẫn.
Về nhà con tôi háo hức, “Mai mình đi nhà thờ nhận được bánh phải không ba?” Chúng hỏi câu này nhiều lần trong ngày. Mang cả sự chờ đợi vào trong giấc ngủ.
Khi bánh được vớt ra, tôi nhận được tin từ hai người nhắn đến nhận bánh. Có cả những tấm hình dễ thương trên bánh “Hannah” và “con trai chú Ánh”. Tấm hình khiến cả ba cha con không thể chờ lâu hơn.
Và năm nay các con tôi là người đầu tiên mang Tết về nhà.
Võ Ngọc Ánh