Đến nhà nhau đọc kinh trong tháng Hoa, tháng Mân Côi tại các gia đình là văn hóa đức tin Công Giáo từ nhiều đời của người Việt. Văn hóa đức tin này đã không dừng lại bên trong Việt Nam, mà được thực hành tại nhiều cộng đoàn, giáo xứ người Việt ở Mỹ.
Một linh mục người Việt Nam đang làm mục vụ, tại Giáo Phận Regina, ở Canada chia sẻ: Sau hai lần đến Việt Nam, Đức Cố Tổng Giám Mục Daniel Joseph Bohan, của Giáo Phận Regina rất muốn áp dụng cách nhận lộc thánh vào dịp Tết của người Công Giáo Việt Nam cho giáo dân ở giáo phận ông coi sóc.
Vị giám mục này còn ấn tượng với nhiều sinh hoạt đạo đức, thực hành đức tin của người Công Giáo ở Việt Nam.
Có lịch sử lâu hơn nhận lộc thánh đầu năm mà vị tổng giám mục kia ấn tượng là đến nhà nhau đọc kinh trong tháng Hoa, tháng Mân Côi. Đây là văn hóa đức tin được truyền qua nhiều thế hệ của người Công Giáo Việt Nam còn được gìn giữ.
Văn hóa này không dừng lại ở cố hương, mà dòng đạo đức ấy vẫn tiếp tục chảy bên ngoài Việt Nam.
Những Giờ Kinh Nhen Nhóm Lòng Đạo Đức
9 năm trước, mùa hè đầu tiên trên đất Mỹ, tôi tham gia đọc kinh cùng các gia đình trong giáo khu nơi tôi sống. Tiếng kinh ấm áp, thân quen, ngân nga, giòn giã… giọng hát chưa đúng tông, còn lạc nhịp.
Tiếng kinh đã kích hoạt thước phim được ghi trong tâm trí tôi khi còn là một đứa trẻ. Ở đó bà nội, ông Thương, ông bảy Trinh, bà Chỉ… những người Công Giáo trong làng đã đến nhà đọc kinh vào Tháng Hoa và Tháng Mân Côi. Nhiều đêm phải đọc hai nhà để mọi gia đình ở tổ, trong giáo họ đều được mọi người đến đọc kinh.
Trong ánh đèn lờ mờ, tiếng kinh râm ran, trên tay là tràng hạt. Những cái tràng hạt bằng nhựa, hạt thon dài, được kết nối với nhau qua sợi dây dù màu trắng đến cây thánh giá to. Kiểu tràng hạt tôi chỉ được thấy hai màu xanh và trắng. Nó không cầu kỳ thẩm mỹ, nhưng chắc chắn. Những cái tràng hạt như ước muốn cho hòa bình có từ thời chiến cuộc Quốc – Cộng.
Đêm Tháng Hoa, trên tay những con người thân thuộc, gầy guộc còn có cái quạt mo xoa đi oi bức, đuổi đám muỗi như tội lỗi đang vây quanh.
Đêm Tháng Mân Côi, các ngón chân phải co gồng lại như một cái móc để bám chặc vào bùn mà bước. Chiếc đèn pin trong tay phải nối thêm mấy đoạn dài trông như cái dùi cui thợ mộc. Và tiếng kinh vẫn râm ran trên nền nhà ẩm ướt…
Sau đọc kinh chỉ có ấm nước chè, bên đám ly đã được kỳ cọ cho bớt bụi khi chiều. Có nhà chỉ có vài cái ly, phải chia nhau mà uống. Chuyện đồng án, rẫy gò, nắng mưa, con cái… giữ chân người trong chuyện đời, chuyện đạo.
Còn đó buổi chiều tháng 5 trên đường lùa bò về chuồng, tôi bẻ bông trang, chạy vào nhà hàng xóm xin vài nhánh bông hòe, vài ngọn bông chuối nước… Tháng 10 thì có bông râu mèo, dã quỳ… được cắm vào cái chai xị vẫn hay mang đi mua rượu.
Nay, bao người thân thuộc đã về với Chúa, nhưng lòng đạo đức bình dân họ đã nhen nhóm trong tôi qua lần đọc kinh vẫn còn đang cháy.
Gìn Giữ Đức Tin, Kết Nối Cội Nguồn
“Ở Mỹ bận lắm.” Câu nói cửa miệng như tường thuật bộn bề mưu sinh, bao hàm sự thoái thác và tính riêng tư của mỗi gia đình được đề cao.
Bởi thế, 7 năm qua tôi không có lý do đến nhà ông bà Sáu, anh Huy chị Trang… kể từ lần gần nhất giáo khu có đọc kinh với nhau.
Cho đến tháng 5 vừa rồi, tôi mới có cơ hội đến nhà ông bà Sáu, anh Huy chị Trang cũng như nhiều gia đình khác trong dịp giáo khu lại tổ chức đọc kinh Tháng Hoa.
Đến nhà đọc kinh nhau không chỉ là nhu cầu của niềm tin, còn là lý do chính đáng để thăm nhau, trao nhau cơ hội gìn giữ, liên đới và kết nối.
Tôi vẫn hay nhận được những cuộc gọi, tin nhắn, “Tối nay đọc kinh nhà ai, Ánh?”. Câu hỏi như gói ghém trong đó là sự mong đợi được đi đọc kinh. Có lẽ với nhiều người lớn tuổi đọc kinh còn như sống lại được những tháng ngày của quá khứ.
Thế hệ đầu tiên đến Mỹ ngày một vắng dần, nhưng tôi tin đâu ai muốn dòng chảy văn hóa đức tin của người Việt dừng lại. Nét văn hóa như căn tính đức tin của người Công Giáo Việt có tiếp tục được hay không là trách nhiệm của các thế hệ kế tiếp.
Người Công giáo khó thể thực hành đức tin một mình, cũng không thể ở Thiên Đàng một mình. Việc đến nhà đọc kinh với nhau trao nhau cơ hội gìn giữ niềm tin, xây dựng cộng đoàn và kết nối cội nguồn.
Võ Ngọc Ánh