7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
(253) 475-6335

BÀI I - TRỞ VỀ NHÀ TRONG VÒNG TAY ÂU YẾM CỦA CHA

Đức Tổng Giám Mục
J. Peter Sartain

Góp ý kiến về dụ ngôn đứa con hoang đàng, Cha Caroll Stuhlmueller đã viết: “Hòa giải khó nhất là hòa giải giữa những người thân thuộc đã xa lánh nhau vì những rắc rối tiền bạc, luân thường đạo lý, hay cách sống phung phí xa hoa. Những cuộc nội chiến bao giờ cũng là những cuộc chiến đẫm máu nhất, để lại những vết sẹo sâu nhất. ”

Mấy năm trước đây bộ phim nổi tiếng của Ken Burns về cuộc nội chiến Hoa Kỳ được trình chiếu trên truyền hình đã nhắc nhở chúng ta: chưa lâu lắm đâu quá khứ của đất nước Hoa Kỳ đã bị dày vò trong đau thương thê thảm. Những vết thương thật sâu và khó lành. Phần lớn chúng ta đều có thể nhìn lại lịch sử gia đình mình và nhận thấy ngay nhiều vết thương chưa lành, vẫn còn nhức nhối.

Người gia trưởng - cha hay mẹ - thường là người phải chịu đau đớn nhất về sự chia rẽ gia đình, nhưng tất cả các thành viên gia đình, ngay cả những người không trực tiếp can dự vào cuộc xung đột, cũng đều phải chịu ảnh hưởng không cách này thì cách khác. Chúng ta né tránh đề cập đến một số vụ việc, cảm thấy khó chịu khi ở trước mặt một người nào đó, cố tránh những hoàn cảnh ngượng ngùng.

Dụ ngôn đứa con hoang đàng của Chúa Giêsu thật hấp dẫn vì những xung khắc gia đình vừa là chuyện quen thuộc vừa làm bao người phải khổ tâm tìm cách hàn gắn. Trong những giai đoạn khác nhau của cuộc đời, có lẽ chúng ta đã đóng tất cả những vai trò trong bài dụ ngôn. Có khi ta là đứa con hoang đàng, lì lợm, càu nhàu và phung phí của cải gia đình. Cũng có khi ta là người con ngoan, tức giận khi thấy thằng em hoang đàng được đối đãi tử tế, lại cũng có khi ta là người cha, người mẹ khoan dung, ai làm gì, tốn phí bao nhiêu cũng chẳng quan tâm, miễn sao gia đình hoà hợp trở lại là mừng rồi.

Theo cách kể truyện của Chúa Giêsu, nhân vật chính trong dụ ngôn là người cha khoan dung – chính ông cũng là một kiểu người phung phí, vì đã phung phí lòng khoan dung của mình không cần tính toán. Chúa yêu thương cả người trung tín lẫn kẻ sa lạc, mắt Ngài không bao giờ rời xa những kẻ đã bỏ đi. Ngay cả khi đứa con hoang đàng đang phung phí phần di sản của nó trong những việc xấu xa, người cha vẫn trông đợi con trở về. Nói cho cùng, ông ta biết nó đang thiếu thốn điều gì khi xa cách gia đình, và khi người con lớn phản đối, nói rằng lòng thương xót của người cha là quá đáng và không công bằng thì người cha đã trả lời bằng một câu tuyệt vời, đầy tình yêu thương bao trùm cả hai người con:

“Này con, lúc nào con cũng ở đây với cha. Mọi sự của cha có là của con. Nhưng bây giờ ta phải mở tiệc ăn mừng vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy.” (Luca 15:31 – 32)

Thánh Phaolô đã viết, “Thiên Chúa đã cho thế giới làm hòa với chính Ngài qua Chúa Ky Tô, không tính những xúc phạm của họ để luận phạt và ủy thác cho ta thông điệp hòa giải” (2 Cor 5:19). Vậy mà chúng ta vẫn thường là những đứa con hoang đàng phung phí thì giờ vào việc xấu – Nhưng Chúa vẫn luôn luôn là người cha khoan dung vô độ sẵn sàng đổ tràn lòng thương xót trên chúng ta. Ngài biết rằng tội lỗi gây đau khổ và chia rẽ chúng ta và Ngài muốn chúng ta được chữa lành và giải thoát.

Nhiệm tích hòa giải lúc nào ta cũng có thể nhận trong suốt năm, nhưng trong Mùa Chay thánh, vị trí then chốt của nhiệm tích này càng nổi bật trong đời sống của giáo hội. Thiên Chúa vẫn tiếp tục cho thế giới được hòa giải với Ngài qua Chúa Ky Tô! Ngài biết rõ trái tim bị chia cắt và gia đình bị ly tán của chúng ta. Ngài biết nhu cầu và sự khao khát được tha thứ của chúng ta, Ngài biết chúng ta đau khổ sau khi đã phạm tội.

Cha mẹ nào không muốn ôm lấy con khi đau đớn nhận ra rằng chúng đã phạm tội – hay không muốn ôm lấy chúng trước khi nhận ra như vậy, hy vọng rằng vòng tay âu yếm sẽ có tác dụng tốt? Cha mẹ nào lại không muốn ôm con chặt hơn nữa khi chúng cố lùi xa?

Chúa chứng kiến chúng ta len lỏi né tránh Ngài và né tránh những người khác - những người chúng ta đã làm cho phải đau đớn hay những người đã gây đau đớn cho ta. Ngài đã chứng kiến ta sa vào tội lỗi một cách uổng phí. Ngài đã chứng kiến ta gây chia rẽ và đã chứng kiến ta bị thương tổn như thế nào vì sự hung hãn của người khác.

Ngài đã chứng kiến chúng ta sa vào lề lối của thế gian không chút thắc mắc. Ngài biết những lề lối thế gian không bao giờ làm ta thỏa mãn, nhưng chỉ có đường lối của Thiên Chúa mới cho ta được mãn nguyện. Chúa biết lòng thương xót của Chúa sẽ cho ta bình an và hàn gắn những mảnh đời tan nát của ta, do đó ngài đã ban nhiệm tích thống hối làm phương thế để ta trở về trong vòng tay âu yếm của Ngài.

Ta thường viện nhiều lý lẽ để khỏi đi xưng tội. Có người nói: “Xưng tội lâu quá rồi, chẳng biết phải bắt đầu từ đâu”, người khác lại nói: “Tại sao xin ơn tha tội trong khi tôi biết tôi có thể tái phạm vì tôi thấy khó mà bỏ được thói quen ấy” hoặc “Tại sao phải xưng tội với một linh mục? Tôi chỉ muốn xưng tội riêng với Chúa mà thôi” hoặc “Tôi chẳng biết tội lỗi là cái gì nữa” hoặc “Tôi ngượng ngùng quá không thể nói việc tôi đã làm và tội sợ rằng Chúa sẽ không tha thứ cho tôi” hoặc “Giờ giải tội không thuận tiện cho tôi”

Nghe rõ chúng ta ngần ngại và những lý lẽ chúng ta đưa ra nhưng Cha trên trời vẫn chờ đợi ta. Ngài tha thiết muốn tha thứ cho ta, vì Ngài biết rõ chúng ta thiếu thốn điều gì khi đi sa lạc – và Ngài biết có lẽ chúng ta đã quên mất niềm hoan lạc của người được ơn tha tội và giải thoát.

Bạn đi xưng tội đã lâu lắm chưa? Xin nhớ rằng Chúa Cha nhân lành vô độ đang chờ đợi để đổ tràn lòng thương xót trên bạn qua Chúa Con.

Vũ Vượng dịch